Chọn thớt phù hợp

06/01/2017 - 21:27
Thớt là vật dụng quen thuộc, không thể thiếu được của mỗi nhà. Chọn và sử dụng thớt đúng cách không chỉ giúp chế biến món ăn dễ dàng mà còn giúp bạn đảm bảo vệ sinh, giữ gìn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Dạo một vòng qua gian hàng bán đồ làm bếp trong các siêu thị, bạn sẽ thấy đủ mọi loại thớt có chất liệu, kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Bạn sẽ chọn mua loại thớt nào cho gia đình mình?

1. Thớt gỗ
Đây là loại thớt truyền thống, được sử dụng phổ biến trong nhiều gia đình, khá đa dạng về chủng loại: thớt gỗ tự nhiên, thớt gỗ nghiến, thớt gỗ ghép, thớt gỗ công nghiệp...

Với ưu điểm có độ đàn hồi và trọng lượng nặng, thớt gỗ thích hợp với các loại dao, và thường được sử dụng để băm, chặt thức ăn. Tuy nhiên, vì gỗ là một thành phần tự nhiên, nên dễ thấm nước và thấm hút các loại mùi. Khi dùng thớt để chặt thịt, cá, bằm các loại gia vị có mùi như hành, tỏi, nghệ... mùi thức ăn dễ lưu lại trên thớ gỗ, cần phải mất nhiều thời gian hơn các loại thớt khác. Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu nhiệt đới, độ ẩm trong không khí cao như Việt Nam, sau một thời gian sử dụng, thớt gỗ thường hay bị cong vênh, có mùn, bị nứt và mục sau một thời gian sử dụng.
unnamed-10.jpg
 

Nếu lựa chọn loại thớt này, bạn cần lưu ý:
- Chọn loại thớt thớt có bề mặt bằng phẳng, không có chỗ lồi, chỗ lõm, dộ dày đều, không có vết nứt hay các mắt gỗ.
- Với thớt gỗ mới mua về, bạn ngâm thớt trong dung dịch nước muối mặn theo tỉ lệ: khoảng 200gr muối pha cùng 1 lít nước, trong khoảng từ 12h đến 24h. Sau đó phơi ngoài nắng hoặc hong khô trên bếp. Lượng muối từ nước ngâm ngấm vào thớt có khả năng hấp thụ thành phần nước trong không khí, tránh được tình trạng thớt bị rạn nứt. Bạn cũng có thể giảm các vết nứt trên thớt bằng cách khoan 1 lỗ đường kính khoảng 1 cm vào tâm thớt, sau đó dùng loại gỗ khác chốt kín.
- Để thớt không bị mùn và loại bỏ các mùi hôi, sau khi sử dụng, dùng miếng bọt biển và nước rủa bát rửa sạch thức ăn còn lưu lại trên các khe nứt của thớt. Rắc một lớp muối mỏng để chống mốc và nứt nẻ do khô hanh. Bạn cũng có thể dùng dùng 1/2 trái chanh tươi chà nhẹ xung quanh mặt thớt. Nước cốt chanh và tinh dầu từ vỏ chanh có tác dụng giúp khử mùi hôi và chống vi khuẩn. Thớt sẽ sạch, khử mùi hôi và chống được vi khuẩn. Dùng khăn sạch lau khô, treo thớt ở nơi khô thoáng. Với thớt gỗ lâu ngày không sử dụng, bạn rửa sạch theo các bước như trên và phơi ngoài nắng để tiêu diệt nấm mốc.

2. Thớt nhựa:
unnamed-14.jpg
 

Thớt được làm từ plastic, trọng lượng nhẹ. Dùng thớt nhựa, người sử dụng không phải xử lý các vấn đề phát sinh do thớt bị thấm nước và hoàn toàn không bị mục, có mùn như thớt gỗ. Tuy nhiên, loại thớt này không chịu được lực tác động lớn, nếu chặt, thịt, cá bằng loại thớt này, dao sẽ nhanh cùn, và có thể làm nứt, vỡ thớt. Thớt nhựa thích hợp để thái các loại thức ăn đã được chế biến như thịt luộc, thịt quay, giò, chả hay rau củ: khoai tây, bí, cà chua...
unnamed-9.jpg
 

Khi dùng thớt nhựa, không nên ấn dao quá mạnh, các vết dao sẽ hằn lên mặt thớt, thớt sẽ nhanh cũ, bẩn và tạo thành khe hở để các vi khuẩn sinh sống. Hầu hết các loại thớt nhựa hiện nay đều có độ nhám, để tăng lực ma sát giữa dao và thớt, nên thức ăn bám lại trên bề mặt rất khó rửa sạch. Nên dùng bàn chải mềm và nước rửa bát để cọ sạch vết bẩn. Sau một thời gian sử dụng, thớt bị ố, ngả màu, bạn có thể ngâm thớt trong giấm trắng hoặc nước cốt chanh khoảng 2h, rửa sạch bằng nước rửa bát và tráng lại bằng nước sôi để thớt sạch và mới trở lại.
Ngoài kiểu hình dáng tròn và hình chữ nhật quen thuộc, thớt nhựa còn có loại chia ngăn giúp bạn sơ chế cùng lúc nhiều loại thực phẩm hay thớt có chứa chất Microban diệt khuẩn, được trộn lẫn trong thành phần cấu tạo thớt, có tác dụng phá vỡ chức năng tế bào của vi khuẩn, làm cho vi khuẩn và nấm mốc không thể sinh trưởng và phát triển được....

3. Thớt thủy tinh
unnamed-11.jpg
 

Được nhiều người nội trợ lựa chọn vì chiếc thớt được thiết kế như một bức tranh nhiều màu sắc, lịch sự đẹp mắt, giúp gian bếp thêm sống động. Được làm từ thủy tinh chịu lực, thớt có ưu điểm là không bị mùn, không bị ô xy hoá, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Bạn hoàn toàn yên tâm cắt, thái…, không lo bề mặt thớt bị xước.

Hạn chế của loại thớt này là bề mặt của thớt cứng, khi sử dụng làm dao nhanh cùn, không tiện lợi khi băm, chặt. Ngoài ra, bề mặt thớt khá trơn nhẵn, khi thái có thể làm dao bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Thớt thủy tinh thích hợp để cắt các đồ ăn mềm như trái cây, bánh ngọt, sushi, nem cuốn...

Thớt gỗ có giá khoảng từ 50.000 đồng
Thớt nhựa có giá từ 30.000 đồng
Thớt thủy tinh có giá từ 100.000 đồng
Bạn có thể dễ dàng tìm mua một chiếc thớt ưng í tại các siêu thị, cửa hàng bán đồ gia dụng tại các chợ.

Bạn đã biết sử dụng thớt đúng cách?
Bạn dùng thớt hàng ngày để thái, cắt, băm, chặt… các loại thực phẩm. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi mình sử dụng thớt đúng cách chưa? PNVN mách bạn một vài chiêu để tận dụng hết công suất của chiếc thớt nhỏ xinh trong gian đình nhé!
- Thớt được sử dụng trong hầu hết các công đoạn của quá trình chế biến thực phẩm, từ lúc thực phẩm còn sống cho đến lúc đã được nấu chín, vì vậy, khi mua thớt, bạn nên chọn các sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có niên yết kiểm định đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận an toàn.
- Ngoài yêu cầu đẹp mắt, tiện dụng, cần phải lưu ý đến chất lượng của thớt. Một chiếc thớt tốt phải chắc chắn, đủ dày, ít để lại vết dao sau khi chặt. Những khe nứt, những vết lõm, vết dao cắt đan chéo nhau lưu lại trên bề mặt thớt trong khi sử dụng có thể là nơi ẩn náu, sinh sống của nhiều vi sinh vật như vi trùng, siêu vi, trứng giun sán, nấm mốc, ... lây nhiễm vào thức ăn gây hại cho cơ thể. Để an toàn, nên có thớt dành riêng cho thức ăn sống và thức ăn chín. Với thớt dùng cho thức ăn chín, nên tráng qua nước sôi trước khi thái, chặt thức ăn.
- Khi rửa thớt, bạn đừng bỏ qua những chất tẩy rửa tự nhiên có sẵn trong gia đình như: muối hạt, giấm, chanh, nước sôi, vừa có tác dụng làm sạch và loại bỏ mùi thức ăn bám trên bề mặt thớt, vừa không chức hóa chất gây hại cho sức khỏe. Cách thực hiện: dùng muối hạt, chanh hoặc giấm chà sát khắp bề mặt thớt, để khoảng 5-10 phút để hỗn hợp có tác dụng làm sạch, sau đó rửa sạch bằng nước nóng và trụng qua nước sôi để khử hết chất bẩn và vi khuẩn bám trên bề mặt thớt.
- Treo thớt ở nơi khô thoáng, có ánh sáng để tránh nấm mốc.
- Thay thớt mới sau khoảng 6 tháng sử dụng hoặc khi mặt thớt xuất hiện nứt, vỡ, ngả màu đen, bị nấm mốc, mối mọt...



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm