Chồng chăm vợ bại liệt suốt 46 năm với tình yêu đáng ngưỡng mộ

16/10/2019 - 07:24
Câu chuyện cảm động này được biết đến tại thôn Diêu Phụ, khu Lam Sơn, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cặp vợ chồng già trong câu chuyện hiện đang thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn bạn đọc trẻ. Họ là minh chứng cho một tình yêu vĩnh cửu không vật chất đáng ngưỡng mộ. Người chồng Vương Đồng Tuấn trở thành “người chồng quốc dân” đáng nể phục.

Ông Vương Đồng Tuấn năm nay 83 tuổi, vợ của ông là bà Trần Thục Mỹ, 79 tuổi. "Khi tôi cưới bà ấy, bà ấy chỉ mới 33 tuổi"- ông Tuấn kể lại. Ngày kết hôn, vì vợ bị liệt, ông đã dùng xe cút kít để rước bà từ làng bên về nhà.  

"Ngày đó ông ấy đã đưa cho tôi 20 tệ, coi như là tiền sính lễ"- bà Trần Thục Mỹ cho biết. Ngày đó họ không có tiền để tổ chức hôn lễ, bà cũng không được khoác lên mình chiếc áo cưới. Lúc đó, ông Vương Đồng Tuấn sống ở một ngôi làng trong núi, gia đình bần hàn. Sau khi ông đón bà về, hai người ngày ngày sống trong căn nhà nhỏ, nắng mưa nương tựa lẫn nhau.  

Ông Tuấn đang bón cho vợ ăn

 

Ông Tuấn nhập ngũ vào tháng 3 năm 1957. Ông phục vụ trong quân đội 3 năm ở Phúc Kiến. Sau khi rời khỏi quân ngũ, ông được phân công làm việc tại một đơn vị ở Bắc Kinh. Sau đó, do đơn vị kinh doanh không khởi sắc, ông trở về quê tham gia sản xuất nông nghiệp và được bố trí ở làng trong ba năm.

"Lúc đó, gia đình chúng tôi nghèo và không có nơi ở. Tôi sống trong một túp lều trên núi"- ông Vương Đồng Tuấn cho biết. Vì gia đình quá nghèo, ông từng gặp mặt đối tượng được mai mối nhiều lần nhưng không có kết quả. Cho đến năm 37 tuổi, có người giới thiệu cho ông người vợ hiện tại và ông đã lập gia đình từ mối duyên trời định đó. 

Đồng Tuấn là một người đàn ông chân thành và có trái tim nhân hậu. Mặc dù ông có gia cảnh nghèo khó, nhưng ông vẫn có ước mong xây dựng gia đình. Lúc đó, một người mai mối nói với ông rằng có một cô gái ở làng Mã Trương, đôi chân không được ổn lắm, họ động viên ông đi gặp mặt. "Tôi đã đến nhà gặp bà ấy. Tôi cảm thấy bà ấy diện mạo cũng được, ăn nói lưu loát, nhưng đôi chân bị liệt. Tôi cảm thấy bà ấy rất đáng thương và lúc đó tôi đã đồng ý.”   

Ông Vương Đồng Tuấn chuẩn bị nấu ăn

 

Trần Thục Mỹ cho biết, bà gặp một cơn bạo bệnh từ khi 3 tuổi, sau đó thì chân bị liệt. Bà vẫn có thể đi lại được nhưng không vững. Mặc dù cha mẹ của bà khi đó đã đi cầu cứu thầy thuốc khắp nơi nhưng rốt cuộc vẫn không thể chữa khỏi. Cho tới khi bà lên 14 tuổi thì đôi chân hoàn toàn không thể đi lại được nữa, chỉ có thể nằm liệt tại giường.   

Sau khi đưa vợ về nhà, Vương Đồng Tuấn vô cùng yêu thương Thục Mỹ. Ông bón cho bà ăn đủ 3 bữa mỗi ngày. Việc vệ sinh cá nhân của bà cũng do ông tích cực hỗ trợ, giống như ông đang nâng niu một em bé. Ngày đó, một số người đã rèm pha, nói rằng ông đang tự chuốc phiền phức vào người, đang phải gánh một đời tội lỗi. Tuy nhiên, Vương Đồng Tuấn không nghĩ như vậy. Ông cho rằng tất cả là sự an bài của số phận. Ông có thể cưới một người vợ như vậy, cho dù có mệt nhọc vất vả bao nhiêu, đó cũng là phúc phận của ông.  

Cháu nội đang đưa bánh để bà ăn

 

Trần Thục Mỹ nằm liệt trên giường ngày qua ngày, Vương Đồng Tuấn ở bên chăm sóc chưa từng có một thiếu sót. Ông thường giành những món ăn ngon cho vợ. Ông bón cho bà ăn bằng thìa 365 ngày một năm, ngày này qua ngày khác, kiên trì như vậy đã 46 năm và sẽ còn tiếp tục cho tới khi không thể. Cặp vợ chồng già đã sinh được hai người con trai. Người con trai lớn năm nay 44 tuổi. Người con trai thứ hai cũng đã tạo dựng gia đình ở nơi khác.  

Ông Vương Đồng Tuấn che chắn ngô khỏi cơn mưa

 

Vương Đồng Tuấn nói rằng, vợ ông đã sinh cho ông hai người con trai và ông cảm thấy quá mãn nguyện. Trong nhiều năm qua, ông đã bón thức ăn cho bà mỗi ngày. Ông đỡ bà ngồi dựa vào tường, sau đó đút từng thìa cơm cho bà, ăn xong lại đỡ bà nằm xuống. Ba bữa một ngày, ông chưa bao giờ để nhỡ, bởi ông đã quá quen thuộc với công việc này.   

Hiện tại, gia đình con trai cả của Vương Đồng Tuấn đang sống cùng hai vợ chồng ông. Mặc dù con trai và con dâu nấu nướng, nhưng riêng việc bón cho vợ ăn ông chưa từng để họ làm. Những lúc không có việc gì, ông thường hay ngồi chơi ngoài hiên nhà. Trên cửa nhà ông treo tấm biển “Gia đình văn hóa” vô cùng bắt mắt. Mỗi khi có người đi ngang qua, ông lại nói chuyện phiếm cùng họ, rồi sau đó về kể cho vợ nghe. Mặc dù Thục Mỹ chưa từng bước chân ra khỏi nhà, nhưng mọi chuyện xảy ra trong làng bà đều biết rõ.  

Hiện, câu chuyện cảm động về tình yêu thương son sắt của cặp vợ chồng già này đã lay động rất nhiều trái tim. Rất nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ và cho rằng đây là một tấm gương sáng của “mái nhà tranh, trái tim vàng” thời hiện đại. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm