pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chú trọng phòng ngừa virus Corona, không nên bỏ qua cúm chết người này
Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum , 2 bệnh nhân điều trị đầu tháng 2 vừa qua tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Theo đó, 2 bệnh nhân là anh N.V.H (28 tuổi) và vợ là Y T. (26 tuổi, trú tại TP.Kon Tum, Kon Tum).
Trước đó, anh H. đi lao động ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), về nhà vào ngày 23/1. Sau đó 2 vợ chồng anh có biểu hiện ho, sốt nhẹ giống bị cảm cúm. Ngày 3/2, anh H. và vợ được vận động thực hiện cách ly theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Thời tiết mùa xuân lạnh, ẩm kèm ô nhiễm môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2019 cả ghi nhận gần 409.000 trường hợp mắc cúm, bao gồm cả cúm A/H1N1. Cúm A/H1N1 đã khiến nhiều người mắc tử vong.
Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), tính từ đầu mùa dịch (1/10/2019) đến nay, Đài Loan ghi nhận 858 trường hợp mắc cúm A/H1N1 nghiêm trọng, trong đó, 61 người đã tử vong vì virus nguy hiểm này.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan (CDC) cho biết, khoảng 102.000 người tới các bệnh viện để điều trị cúm, trong đó trên 22% là các trường hợp khẩn cấp và hầu hết trường hợp là do virus cúm A/H1N1 gây ra.
Theo TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm có 3 chủng thông thường là cúm A, B và C. Khi siêu vi cúm xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ đi thẳng vào đường hô hấp trên và đến nhu mô phổi. Đối với người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì bệnh sẽ diễn ra trong vòng 7-10 ngày và tự khỏi. Với những cơ thể có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai thì sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng và dữ dội hơn.
Người mắc cúm A/H1N1 thường sốt cao, trên 38 độ C, thậm chí sốt cao 40 độ C; đau nhức cơ thể, đau đầu và đau cơ; cảm giác ớn lạnh; ho, hắt hơi, đau họng; nhạy cảm với ánh sáng, mắt mệt mỏi; choáng, chóng mặt.
Cúm A/H1N1 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thông thường, bệnh do virus cúm A thường nhẹ, hầu hết người bệnh có thể phục hồi mà không cần sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cúm A/H1N1 có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và gây tử vong. Các biến chứng nguy hiểm của cúm A bao gồm: Biểu hiện suy hô hấp lâm sàng, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sóc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, có dấu hiệu nặng lên của bác bệnh mạn tính kèm theo...
Những trường hợp dễ bị cúm A/H1N1 và dễ biến chứng gồm: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; trẻ bị suy dinh dưỡng, hen phế quản, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải... Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên; phụ nữ có thai; người mắc các bệnh lý mạn tính (tim, gan, phổi, máu, thần kinh...); người bị suy giảm miễn dịch.
Nếu có biểu hiện sốt cao kèm những triệu chứng trên thì bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và được điều trị đúng cách. Việc chữa trị chậm trễ cúm A/H1N1 có thể dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp, nguy hiểm cho tính mạnh.
Để phòng chống cúm A/H1N1, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống, vệ sinh thân thể như tắm rửa mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối ấm để bảo vệ đường hô hấp; khi đi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang che miệng và mũi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi cầm nắm thanh vịnh cầu thang ở những nơi công cộng…
Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, tăng cường các loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng như gừng, mật ong, tỏi, hành… Bên cạnh đó, mọi người cần chủ động đi tiêm ngừa cúm mỗi năm.