Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) trao đổi với báo chí chiều nay (17/9).
Trước đó, tại lễ khai giảng của Trường Đại học (ĐH) Y Dược TPHCM ngày 16/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thông tin về đề xuất đổi tên trường Đại học Y Dược TPHCM thành Đại học Khoa học Sức khỏe. Thông tin trên đã khiến dư luận dậy sóng, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng việc đổi tên sẽ đánh mất thương hiệu cũng như hình ảnh của trường.
Theo ông Nguyễn Minh Lợi, hiện Bộ đang triển khai rất nhiều chương trình, đề án. Trong đó có Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành ĐH Khoa học sức khỏe. Ngoài ra, Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe.
Ông Lợi cho biết, khi các chương trình, đề án, văn bản nói trên được ban hành, công tác đào tạo nhân lực y tế sẽ có những thay đổi mạnh mẽ cả về hệ thống đào tạo, mô hình cơ cấu đào tạo và chính sách sử dụng nhân lực với mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Lợi, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh), y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng,…
Mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các ĐH Quốc gia (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng). Các mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tại một số nước cũng đã có một số mô hình như Đại học Khoa học sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco)...
Cũng theo ông Lợi, chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập từ 20 năm trước. Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường Đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng.
Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành. Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật.