Chúng ta thí điểm giáo dục nhưng học sinh chỉ có một 'cửa' học thật

11/06/2018 - 16:26
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, thực nghiệm trong giáo dục nghe qua thì rất nhân văn và cần thiết, nhưng cần nhớ rằng chúng ta thí điểm nếu không thành công thì dừng lại nhưng học sinh chỉ có một cửa là học thật.

Chiều 11/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Giáo dục. Vấn đề về thực nghiệm trong giáo dục một lần nữa được các đại biểu quan tâm khi cho rằng, đưa nội dung này vào luật là rất cần thiết, song chưa đầy đủ.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), thời gian qua, nhiều phụ huynh tỏ ra rất dị ứng với những từ như “thực nghiệm” “thí nghiệm” “thí điểm”, điển hình nhất là mô hình trường học mới (VNEN).

duongminhtuan.jpg
Đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị bổ sung đầy đủ điều khoản về thực nghiệm giáo dục. Ảnh: VPQH
 

“Chương trình được thí điểm từ 2012 – 2015, và đến nay đại trà áp dụng cho 54 tỉnh thành. Thế nhưng kết quả mang lại cho thấy nhiều địa phương không muốn con em tiếp tục theo học chương trình này nên phụ huynh đồng tình và làm đơn xin rút khỏi chương trình. Cá biệt có địa phương có 100% phụ huynh đề nghị tạm dừng chương trình. Họ còn thắc mắc rằng tại sao lại đem con tôi ra làm “chuột bạch” – đại biểu Minh Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo đại biểu Tuấn, sau khi các địa phương phản ứng, chính Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận rằng VNEN đã thực hiện có phần nóng vội. Để khắc phục, Bộ có công văn yêu cầu địa phương nào có đủ điều kiện thì thực hiện, còn tỉnh nào chưa đủ điều kiện thì dừng triển khai.

Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình kinh tế xã hội 2016 của Ủy Các vấn đề xã hội cũng nhận định, một số địa phương dừng mô hình trường học mới do không phù hợp với tâm lý xã hội. Điều này cho thấy những bất cập khi áp dụng thí điểm VNEN trên diện rộng như thời gian qua.

Điều mà đại biểu Dương Minh Tuấn băn khoăn nhất chính là tác động đến chính người học, từ các chương trình thí điểm, thực nghiệm nói trên.

“Chúng ta làm thí điểm theo hướng mô hình nào không thành công thì dừng triển khai hoặc đổi. Đó là cách làm của chúng ta, còn học sinh thì không phải học thử mà chỉ có một cửa duy nhất, đó là học thật. Vì nếu học không được thì phải ở lại lớp hoặc theo chương trình khác. Việc học thử nghiệm trong một năm có thể ảnh hưởng đến những năm học sau, từ làm ảnh hưởng cả một thế hệ học sinh” – đại biểu Tuấn nêu quan điểm.

vnen.jpg
VNEN không nhận được sự đồng tình của phần lớn phụ huynh. Ảnh minh họa 

Từ những nhận định trên, đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị Dự thảo Luật Giáo dục phải quy định nội dung về thử nghiệm giáo dục theo hướng bổ sung: ấn định tỉ lệ phần trăm tối đa với cơ sở giáo dục, cũng như quy định chặt chẽ về phạm vi, đối tượng áp dụng thử nghiệm.

Nội dung này, ngay đầu kỳ họp lần này, đã được một số đại biểu đề cập đến theo hướng là quy định còn quá chung chung, hời hợt. Đồng tình là có thực nghiệm, song theo các đại biểu, việc quy định thực nghiệm chung chung dễ dẫn đến việc áp dụng luật một cách dễ dãi. Nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phải quy định rõ hơn một số điều khoản về nội dung này trong dự luật.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong các địa phương rất “nóng” chương trình VNEN khi là tỉnh đầu tiên áp dụng mô hình này. Sự thất bại thể hiện ở chỗ việc triển khai được áp dụng rộng mà chưa giải quyết tốt bài toán về trường lớp cũng như đội ngũ, tư tưởng, nguyện vọng của học sinh.

Trước đó không lâu, tại cuộc họp HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT đã xin lỗi về việc chủ trì tham mưu mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh nhà. Ông Giang nhận lỗi rằng trong quá trình tham mưu cho tỉnh, Sở đã quá nóng vội với mong muốn đổi mới một cách nhanh chóng mà không tính toán hết bài toán thực tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm