pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chương trình "Tiến về phía trước" hỗ trợ phụ nữ thiểu số 3 tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình, Hà Giang phát triển kinh tế
Phụ nữ dân tộc thiểu số được nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận các cơ hội phất triển kinh tế
Đổi thay bắt nguồn từ nội tại
Sống ở một bản miền núi của tỉnh Quảng Trị, chị Sở dân tộc Pa Cô cũng như 17 chị khác gắn bó với công việc trồng chuối tại địa phương. Chăm chỉ, cần mẫn làm ngày, làm đêm, nhưng các chị gặp rất nhiều khó khăn khi vận hành một tổ hợp tác nhằm quảng bá và tìm kiếm thị trường cho giống chuối Tà Rụt. Đời sống kinh tế vì thế cũng heo hắt như ngọn đèn trước gió.
Bước ngoặt của nhóm khi được Chương trình Tiến về phía trước dẫn đi khảo sát thị trường. Hóa ra giống chuối này không phù hợp với sở thích của người dân lân cận. Được hỗ trợ, tiếp cận và "bắt tay" với hai thương lái đã mở ra cơ hội mới cho nhóm của chị Sở. Những quả chuối dành bao công sức vun trồng đã tìm được chỗ đứng xứng đáng.
Chị Sở vui vẻ chia sẻ: "Bây giờ tôi biết rằng chúng tôi nên cung cấp những gì mà người tiêu dùng cần, lợi nhuận từ các giao dịch gần đây đã giúp chúng tôi tự tin hơn với công việc của mình".
Tại thôn A Ho, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, 16 chị em phụ nữ từ 20 đến 50 tuổi, dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm cùng nhau phát triển kinh tế.
Khi Tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng đi vào hoạt động, các thành viên đã bàn bạc và phân chia công việc hợp lý, người thạo hái măng sẽ vào rừng hái măng, một số sẽ sơ chế, đưa măng vào nhà sấy, người khác lo đóng gói, vận chuyển và bán hàng. Chương trình Tiến về phía trước đã hỗ trợ cho nhóm một nhà sấy năng lượng mặt trời, tận dụng hiệu ứng nhà kính để sấy măng khi nhiệt độ ngoài trời cao, và chuyển sang chức năng sấy lạnh khi khí hậu không ôn hòa. Sản phẩm của nhóm do vậy mà có màu nâu vàng rất đẹp mắt, không còn phụ thuộc vào thời tiết và được người tiêu dùng địa phương rất ưa chuộng.
Những hoạt động nhóm giúp phụ nữ làm kinh tế tại địa phương không chỉ được triển khai tại tỉnh Quảng Trị, mà đang dần chứng minh hiệu quả tại nhiều khu vực miền núi khó khăn. Chương trình Tiến về phía trước hỗ trợ phát triển 5 nhóm sinh kế chăn nuôi lợn đen bản địa tại hai xã Trung Thành và Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình từ cuối năm 2022. Mỗi hộ hiện tại vay từ quỹ 5 triệu đồng, chủ yếu dùng để mua giống và thức ăn cho lợn. Dự kiến mỗi lứa cũng 6-8 tháng, bán thu lãi cũng được một phần trang trải chi phí học hành, sinh hoạt hàng ngày cho con trẻ.
Sinh hoạt trong nhóm sinh kế Trung Tằm, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc từ cuối năm 2022, chị Hà Thị Phượng cho biết: "Mỗi tháng nhóm họp một lần để thực hiện hoạt động tiết kiệm và tranh thủ trao đổi, chia sẻ với nhau về các hoạt động chăn nuôi mà các thành viên trong nhóm đang thực hiện. Hiện nhóm có 20 hộ gia đình tham gia, hộ nào cũng nuôi ít nhất 2-3 con lợn trong chuồng".
Nâng cao năng lực về kinh tế cho phụ nữ, tăng khả năng tiếp cận cơ hội phát triển
Điểm chung trong câu chuyện của những người phụ nữ dân tộc thiểu số kể trên, đó là ngoài sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân họ, họ còn đang nhận được tiếp sức từ Chương trình Tiến về phía trước.
Với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, chương trình được dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 tới tháng 8/2028, hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 06 xã của huyện Đakrông và Hướng Hoá thuộc tỉnh Quảng Trị; 04 xã của huyện Đà Bắc và huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình và 05 xã của huyện Xín Mần và Vị Xuyên tỉnh Hà Giang.
Mục tiêu của chương trình là giúp cộng đồng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh được nâng cao năng lực, vị thế để cải thiện khả năng tiếp cận sinh kế và các dịch vụ cơ bản, qua đó giúp giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương. Chương trình cũng hướng tới hỗ trợ các phụ nữ dân tộc thiểu số người Pa Cô, Vân Kiều, H'mong, Tày, Nùng, Mường và Dao tại các tỉnh triển khai hoạt động được nâng cao quyền năng kinh tế. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030 và các chính sách, chương trình liên quan.
Thông qua quá trình hỗ trợ của chương trình, những người nữ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn sẽ hiểu hơn về năng lực tự thân, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội kinh tế để thay đổi hoàn cảnh sống. Chương trình sẽ đưa ra các can thiệp để góp phần thay đổi các quan niệm về giới đang hạn chế sự phát triển của những người nữ trong cộng đồng, đặc biệt phụ nữ với các đặc điểm dễ bị tổn thương hơn nữa như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân. Cách tiếp cận này sẽ giúp hỗ trợ tạo nên một môi trường an toàn và khuyến khích sự tham gia của những thành viên nữ trong cộng đồng.