Chuyện đầu tư: Nếu không phải 1% người giỏi nhất, hãy chọn kênh an toàn

Nguyễn Quỳnh Trang - Thiết kế: Thủy Tiên
26/10/2022 - 16:20
Chuyện đầu tư: Nếu không phải 1% người giỏi nhất, hãy chọn kênh an toàn

Trong hành trình tìm được cách quản lý tài chính cá nhân phù hợp nhất, Nhật Anh đã mắc khá nhiều sai lầm

Phải trải qua nhiều sai lầm tài chính, bạn mới có thể tìm được cách đầu tư và quản lý tiền bạc phù hợp nhất với bản thân.

Nhật Anh (29 tuổi, Hà Nội) hiện tại là một quản lý quỹ chia sẻ rằng: “Những năm 20 tuổi, cứ cho rằng thu nhập của mình chẳng bao giờ giảm mà chỉ luôn tăng, cuộc sống cứ thế đi lên chứ không bao giờ lùi lại. Vì thế, mình luôn tiêu vượt mức thu nhập vì đinh ninh rằng có thể kiếm bù. Ngày đó, thu nhập của một đứa sinh viên đại học năm hai vượt mức 20 triệu/tháng, khiến mình phát sinh nhiều nhu cầu chẳng quá cần thiết như: những sở thích đắt đỏ, giày dép, thời trang, golf hay những buổi chiêu đãi bạn bè tốn kém”. Nhật Anh cho biết, với lối sống vượt mức thu nhập đó đã khiến anh chàng lâm vào cảnh nợ nần khi thu nhập giảm, và những biến số tuổi 20 đầy gian nan bắt đầu. 

Cùng lắng nghe Nhật Anh chia sẻ những bài học đắt giá về tiền trong đời!

Sai lầm trong tài chính: Từng vay nợ, đầu tư lỗ tiền tỷ

Từ khi bắt đầu kiếm ra những đồng tiền đầu tiên, mình vấp ngã trong chuyện tài chính khá thường xuyên. Mất mát nhiều, để rồi sau những sai lầm đó, mình rút ra những bài học giúp quản lý tài chính thông minh hơn. 

Những năm 20 tuổi, sau khoảng thời gian chi tiêu vượt quá mức thu nhập, mình phải vay nợ để bù lại số tiền đã tiêu. Khoảng thời gian đó, thu nhập lại còn giảm. Từ mức hơn 20 triệu/tháng, nguồn thu của mình tụt xuống chỉ còn 14 triệu/tháng. Trong đó, mất 4 triệu tiền học phí, 6 triệu cho mức chi tiêu cơ bản như tiền nhà, tiền điện, ăn uống và đi lại, 1 triệu dự phòng, và 3 triệu còn lại để tiết kiệm. 

Không chỉ tiêu tốn tiền cho những nhu cầu không thực sự cần thiết, năm 20 tuổi mình còn mất tiền vào chuyện đầu tư. Từng có lúc, bỏ 20 triệu đầu tư, nhưng sau 1 năm, tài khoản của mình chỉ còn 4 triệu. Tính đến thời điểm hiện tại, lần thua lỗ nặng nhất của mình đã mất tiền tỷ. 

Trong chặng đường đó, bao lần vấp ngã, mất tiền, khiến mình phải nhìn nhận lại xem bản thân đã sai ở đâu. Và mình rút được 3 sai lầm, chắc có lẽ cả đời này chẳng bao giờ quên:

Thứ nhất: Không kiên nhẫn với chuyện đã đề ra

Hầu hết những ông lớn trong đầu tư, họ cực kỳ kiên nhẫn với mục tiêu dài hạn của mình. Một nhà đầu tư càng đưa ra nhiều quyết định mua - bán thì cơ hội mắc sai lầm càng cao. Đầu tư chưa bao giờ là hoạt động dễ dàng, quá trình nghiên cứu hoạt động kinh doanh của từng công ty đòi hỏi bạn phải thật tỉ mỉ, kiên nhẫn và chuyên môn đủ sâu. Những quyết định được đưa ra trong quá trình đầu tư nếu không theo sát kế hoạch ban đầu, mà chạy theo xu hướng của thị trường, sẽ rất dễ khiến bạn mất tiền oan. Rất nhiều nhà đầu tư mắc phải sai lầm không thể cứu vãn khi đưa ra những quyết định “phút mốt” trong lúc thị trường biến động.

Thứ hai: Không để dành tiền cho trường hợp rủi ro

Đây có lẽ là khoản tiền ít người dự phòng trong quỹ chi tiêu của mình. Chỉ khi bạn “lỡ” rơi vào trường hợp cực kỳ khẩn cấp, khoản tiền dự phòng này mới trở nên thật sự hữu dụng. 

Hiện tại, hàng năm mình đều đặn bỏ khoảng 0,5% tổng thu nhập cho chi tiêu cần thiết và quỹ dự phòng rủi ro. Riêng quỹ dự phòng, mình xây dựng quỹ này để chuẩn bị cho những trường hợp gặp sự cố bất ngờ trong tương lai như thất nghiệp, ốm đau bệnh tật, hay dịch bệnh vừa rồi...

Thứ ba: Tâm lý bất an

Đây có lẽ là sai lầm của rất nhiều người khi tham gia đầu tư. Chính vì không giữ được tâm lý ổn định, lo sợ được - mất, mà nhiều người phải trả giá bằng rất nhiều tiền. Khi bắt đầu tham gia thị trường, cũng chính là lúc cuộc chiến tâm lý giữa những nhà đầu tư bắt đầu. Chỉ những người giữ vững được tâm lý ổn định mới có thể tham gia thị trường này lâu dài.

Nếu không thuộc 1% người giỏi nhất, hãy lựa chọn kênh đầu tư an toàn

Thời điểm hiện tại, sau gần 10 năm tích lũy, mình cũng đã rút được cho bản thân những kinh nghiệm trả bằng tiền, mồ hôi và nước mắt. 

Trước hết, bạn phải học được cách quản lý tài chính cá nhân. Nếu không biết chi tiêu từ những khoản nhỏ, thì tiết kiệm và đầu tư sẽ cực kỳ khó. Vì đã từng rơi vào hoàn cảnh nợ nần do chi tiêu quá tay. Sau đó, mình bắt đầu đặt ra 1 mức chi tiêu hàng tháng duy nhất và duy trì nó càng lâu càng tốt. Nếu được quay lại những năm 20 tuổi, mình chắc chắn sẽ chọn mức sống phù hợp hơn. Ví dụ như khi thu nhập 20 triệu/tháng, mình có thể sống ở mức 5-8 triệu là ổn. Để khi thu nhập thấp hơn là 14 triệu, mình vẫn có thể duy trì mức sống này mà không quá ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khoản tiền dành cho tiết kiệm - đầu tư vẫn sẽ được đảm bảo. Theo mình thấy, việc “lạm phát lối sống” rất dễ xảy ra khi mức thu nhập của người trẻ ngày càng tăng. Đây quả thực là dấu hiệu không tốt chút nào.

Năm 20 tuổi, số tiền chi tiêu hàng tháng trung bình của mình rơi vào gần 10 triệu. Nhưng ở tuổi 29, mức sống cũng như cách quản lý tài chính cá nhân cũng đã có nhiều sự đổi khác. Từ mức chi tiêu 10 triệu/tháng, mình nâng lên thành 30 triệu/tháng. Không chỉ duy trì nguồn thu cố định như trước, mình đã củng cố tài chính vững chắc hơn với các nguồn thu phụ, không phụ thuộc vào lương, và duy trì 3 tài khoản đầu tư an toàn. 

Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, cá nhân mình nghĩ kênh đầu tư an toàn nhất vẫn là trái phiếu chính phủ hoặc vàng. Thêm thì có cả bất động sản (đất thổ cư). Và nhất định phải học đầu tư càng sớm càng tốt. Đây sẽ là kênh giúp cho tài chính của bạn vững vàng nhanh hơn trong tương lai, mà không cần bỏ ra sức lao động quá lớn.

Các danh mục đầu tư hiện tại mình đang sở hữu, được phân bổ như sau:

- 1% bất động sản các loại.

- 3% cổ phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- 0.5% chi tiêu hàng năm và dự phòng rủi ro.

- 1.5% từ thiện .

- 94% cổ phiếu.

Đi qua chặng đường gần 10 năm, mình tự thấy may mắn khi đã bắt đầu tích lũy và đầu tư từ rất sớm. Những mất mát về tiền bạc, mồ hôi và công sức, mình không thấy hối hận, mà còn thầm cảm ơn bản thân đã va vấp sớm để còn rút kinh nghiệm. Đối với những bạn trẻ muốn tham gia đầu tư, hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ, chuẩn bị nền tảng kiến thức chuyên sâu, không nên tăng vốn quá nhanh. Và đặc biệt, nếu không thuộc top 1% những người giỏi nhất, hãy chọn những kênh đầu tư an toàn. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm