Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Những vụ cháy đều xảy ra tại các nhà dân trong ngõ sâu khiến lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận rất khó khăn, vì thế hậu quả lại càng lớn.
Hai vụ cháy (một ở Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm xảy ra rạng sáng 13/7; một ở phố Vọng, quận Hai Bà Trưng rạng sáng 19/7) khiến 6 người tử vong một lần nữa cho thấy kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn quan trọng đến nhường nào.
PV PNVN đã phỏng vấn Đại tá – PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy (Bộ Công an). Chuyên gia này sẽ chia sẻ những kỹ năng phòng tránh lẫn thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
Theo TS. Ngô Văn Xiêm, những vụ việc hỏa hoạn vừa rồi rất đau lòng và đáng tiếc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đau lòng như vụ cả 4 người trong một gia đình ở Xuân Đỉnh tử nạn hoặc vụ cháy ở phố Vọng rạng sáng 19/7 khiến 2 người chết nhưng trong đó có sự chủ quan và thiếu kỹ năng thoát hiểm của người dân.
Theo chuyên gia này, để hạn chế thương vong thì trước hết cần tăng cường an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, các khu chung cư. Phòng hơn chống. Khi xảy ra cháy nổ, người dân cần bình tĩnh để thoát hiểm và sử dụng những kỹ năng để đảm bảo tính mạng cho chính mình và người thân.
Đại tá Xiêm cho rằng, để hạn chế hậu quả của các vụ hỏa hoạn thì cần thay đổi cả về chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, về khách quan như hạ tầng thì rất khó thay đổi. "Việc cháy trong ngõ ngách đã khiến lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp và xe chuyên dụng rất khó tiếp cận. Khi tiếp cận thì đám cháy đã lan rộng, hậu quả đã xảy ra. Vì thế, cần thay đổi về mặt chủ quan. Nghĩa là, tăng cường tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn ở các cộng đồng dân cư, để nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn, nan nhân, hàng xóm có thể thực hiện các biện pháp tại chỗ trước khi cứu hỏa chuyên nghiệp đến”, Đại tá Ngô Văn Xiêm nói.
Chuyên gia này lấy dẫn chứng, vụ ở phố Vọng, người dân xây “chuồng cọp” quá chắc chắn khiến khi xảy ra hỏa hoạn không thể thoát ra ngoài được. “Chống trộm, đảm bảo an toàn trong gia đình là điều cần thiết. Tuy nhiên xây “chuồng cọp” cũng cần phải có cửa nhỏ để thoát hiểm chứ không nên hàn kín lại như vậy. Như thế sẽ tự nhốt mình nếu xảy ra sự cố”, Đại tá Xiêm nói.
Ngoài ra, theo Đại tá Xiêm, tại các khu dân cư, giữa các hộ dân liền kề nên phối hợp chặt chẽ với nhau trong phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự. Thông thường, nhà trong các khu dân cư, ngõ ngách chỉ có một cửa duy nhất. Nên khi sự cố xảy ra họ rất khó thoát hiểm. “Vụ ở Xuân Đỉnh lẫn phố Vọng đều giống nhau ở điểm đó. Cửa chính khóa chặt, tầng 1, 2 bị cháy nên nạn nhân không thể chạy xuống để mở cửa chính. Không còn cách thoát ra ngoài nên ngạt khói tử vong. Nhưng nếu có lối thoát hẳn sẽ không đau xót đến vậy”, PGS.TS Ngô Văn Xiêm phân tích.
Lối thoát ở đây, theo TS. Xiêm giữa các hộ dân liền kề nên có lối để thoát sang nhà nhau khi cần thiết. “Lẽ nào giữa hàng xóm láng giềng mà không tin tưởng được nhau? Nên có lối để thoát sang nhà hàng xóm (ban công, tầng thượng…) để khi có sự cố thì có thể thoát sang nơi an toàn hơn”, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy nói.
Cũng theo Đại tá Ngô Văn Xiêm, khi xảy ra cháy nổ, việc đầu tiên là nghĩ đến thoát hiểm, phải tìm cách ra khỏi đám cháy đến khu vực an toàn. Nhiều người nghĩ rằng chạy vào nhà tắm, nơi có nước rồi đóng cửa lại là an toàn. Theo chuyên gia này, thực tế cho thấy như vậy cũng không an toàn. Bởi khi cháy sẽ phát ra khói độc, nạn nhân hít phải khói độc, khói nóng nên bỏng hệ hô hấp và tử vong rất nhanh.
Ngoài ra, Đại tá Xiêm chia sẻ thêm, người dân nếu có điều kiện nên lắp thiết bị báo cháy, bởi thường các vụ cháy xả ra trong đêm nên đến khi thấy nóng thì mới biết. Lúc đó lửa đã bùng phát. Thiết bị báo cháy sẽ giúp người dân phát hiện đám cháy sớm hơn và có biện pháp khống chế đám cháy hoặc thoát hiểm trước khi quá muộn.
Đừng để cửa cuốn “nhốt” cả nhà khi mất điện “Nhiều người dân vì sợ trộm nên lắp cửa quá nhiều lớp, có nhà ngoài cửa sắt còn có cửa kính hoặc gỗ rồi cửa cuốn. Đặc biệt, khi lắp cửa cuốn lại chỉ sử dụng điện lưới mà không có phương án dự phòng nào khác. Lỡ xảy ra cháy nổ, mất điện thì cửa cuốn sẽ nhốt toàn bộ nạn nhân trong nhà. Vì thế, nếu dùng cửa cuốn thì nên sử dụng thêm bộ lưu điện để trong trường hợp mất điện lưới vì cháy, ta vẫn có thể mở cửa cuốn để thoát ra ngoài”. |