Những ngày qua, thông tin một số cơ sở y tế phát hiện bệnh nhân mắc bệnh Whitmore ăn mòn cơ thể khiến dư luận lo lắng. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, đây là bệnh truyền nhiễm không có khả năng bùng phát thành dịch.
Theo GS. Kính, bệnh Whitmore do trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm gây nên. Loại vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2 đến 21 ngày. Khi bệnh khởi phát thì tiến triển rất nhanh, bệnh nhân có thể tử vong chỉ sau 48h nhập viện.
GS. Kính cũng cho biết, trực khuẩn Whitmore có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Tuy nhiên, vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề, như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương phổi.
Còn theo PGS.TS. Bùi Vũ Huy (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết. Bệnh thường gặp ở người có miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính nên diễn biến bệnh thường phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp.
Đây là loại bệnh ít gặp, mà đã ít gặp thì việc phát hiện, định danh vi khuẩn cũng khó khăn hơn. Nhưng điều này cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc điều trị. Chỉ cần bác sĩ xác định đúng đây là bệnh nhiễm khuẩn thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh. Nếu người khỏe mạnh không may mắc phải bệnh Whitmore được phát hiện điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn, PGS. Bùi Vũ Huy nói.
Về điều trị, theo nguyên tắc sau khi dùng kháng sinh từ 48h đến 72h mà không có dấu hiệu thuyên giảm, bác sĩ sẽ đổi kháng sinh khác. Đồng thời, bệnh nhân có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ như đã nói ở trên, cần nghĩ tới bệnh Whitmore và chỉ định điều trị bằng ceftazidim. Đây là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 rất phổ biến ở các BV, điều trị hiệu quả trong bệnh Whitmore. “Đây là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người, vì thế người dân không nên lo lắng”, PGS Huy nói.
Để phòng tránh bệnh Whitmore, người dân nên giữ gìn vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe. Nếu cơ thể bị trầy xước, cần xử lý cẩn thận vết thương. Ở những người già yếu, có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc với môi trường mất vệ sinh, hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm. Khi cơ thể có dấu hiệu không khỏe nên đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, không để trễ mất thời điểm chữa bệnh hiệu quả nhất.