Chuyên gia nói gì về buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19?

Linh Trần
07/06/2021 - 22:49
Chuyên gia nói gì về buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19?

Buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

"Với buồng này thì công việc lấy mẫu sẽ trở nên dễ thở, mát và thoải mái. Tuy nhiên, tốc độ lấy mẫu sẽ rất chậm. Chúng tôi chỉ dùng buồng này khi có 1-2 ca tới lấy mẫu, chứ hàng loạt như ở Bắc Giang thì không phù hợp", bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh nói.

Tối ngày 5/6, Trung tâm y tế huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã tiếp nhận buồng lấy mẫu xét nghiệm chống nóng và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 do Công ty công nghệ (Nam Việt Design, PAM Air và Signify) trao tặng.

Theo đại diện đơn vị trao tặng, thời gian qua nhân viên y tế phải mặc trang phục bảo hộ trong thời gian dài dưới nắng nóng lên đến 40 độ C để lấy mẫu. Nhiều người đã ngất xỉu khi thực hiện nhiệm vụ, có nhân viên phải mặc bỉm trong thời gian lấy mẫu bệnh phẩm vì sợ mỗi lần đi vệ sinh là phải bỏ bộ đồ bảo hộ. Từ thực tế đó, nhiều đơn vị đã chung tay nghiên cứu sản xuất buồng lấy mẫu xét nghiệm chống nóng nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19.

Theo đó, buồng dài 1,2m, rộng 2,4m và cao 2,65m đủ cho 4 nhân viên y tế cùng làm việc. Thành của buồng lấy mẫu được ốp bằng 5 lớp nhựa, mỗi lớp được hàn bởi keo, đảm bảo không lọt không khí từ ngoài vào trong. Hệ thống điện chạy dọc theo các góc của buồng lấy mẫu có ốp nhựa để đảm bảo an toàn. Ngoài cầu dao tổng bằng cơ học, toàn bộ hệ thống điện đều được điều khiển bằng điện thoại thông minh.

Về nguyên lý hoạt động, không khí tự nhiên từ môi trường được hút vào ngăn đệm không khí bằng quạt hút cưỡng bức, di chuyển qua màng lọc rồi được chiếu qua đèn Philips UVC có khả năng khử khuẩn không sản sinh ra Ozone trước khi vào trong phòng. Sau đó, không khí tiếp tục được lưu chuyển qua dàn lạnh điều hòa, được làm mát và đồng thời lọc bụi mịn thêm một lần nữa để đảm bảo chất lượng không khí. Môi trường buồng lấy mẫu được trang bị các hệ thống thông minh và an toàn từ đèn UVC đến hệ thống loa phát thanh. Tất cả đều được khử trùng bề mặt trong vòng 8 phút trước mỗi ca trực của y, bác sĩ. Bên cạnh đó, các hệ thống hoạt động tự động và có thể điều khiển từ xa cũng giúp bác sĩ giảm thiểu việc tiếp xúc bề mặt và tập trung vào hoạt động lấy mẫu.

Chuyên gia nói gì về buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 - Ảnh 1.

Buồng lấy mẫu xét nghiệm đang được lắp thử nghiệm tại Bắc Giang

Buồng lấy mẫu sau khi hoàn thành lắp đặt tại Bắc Giang sẽ được vận hành kiểm thử toàn bộ hoạt động trong 12 tiếng để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống Covid-19 cũng như phục vụ tính tiện lợi, linh hoạt khi di chuyển buồng lấy mẫu xét nghiệm, các thành viên của nhóm nghiên cứu không khuyến khích y, bác sĩ cởi bỏ quần áo bảo hộ để đảm bảo an toàn tối đa.

Về vấn đề này, bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, buồng lấy mẫu như trên là rất sáng tạo. Tuy nhiên, bác sĩ Thịnh cho rằng filter lọc virus là filter HEPA, không thể lấy khẩu trang ra để làm filter được. Đặc biệt khi dùng điều hòa thổi vào, áp lực tăng cao hơn nhiều so với áp lực gây ra bởi hít thở, sẽ làm giảm đáng kể hiệu năng lọc của màng lọc làm bằng khẩu trang. Hơn nữa, đèn UVC không diệt được virus khi virus di truyền theo luồng gió. Đèn UVC cần đặt ở bên ngoài màng lọc để tiệt khuẩn virus và vi sinh vật bám ở mặt ngoài của filter. Do đó, để ở sau màng lọc như thiết kế hiện tại không có tác dụng.

Đối với các nhân viên lấy mẫu, cần để một hộp găng không bột ở ngoài. Mỗi bệnh nhân đến lấy mẫu ta tiến hành thay đôi găng mới, bọc ra ngoài cái đôi găng to của buồng. Bởi nếu không sẽ làm lây chéo virus SARS-CoV2 cho người lành tới lấy mẫu, hay làm tạp nhiễm ống xét nghiệm của người lành. "Theo tôi, với buồng này thì công việc lấy mẫu sẽ trở nên cực dễ thở, mát và thoải mái. Tuy nhiên, tốc độ lấy mẫu sẽ rất chậm. Nếu dùng buồng này lấy mẫu, chúng tôi chỉ áp dụng khi có 1-2 ca lấy mẫu chứ không lấy mẫu nhiều người hoặc hàng loạt như ở Bắc Giang", bác sĩ Thịnh nói.

Còn theo bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám EXSON, TP. Hồ chí Minh), buồng xét nghiệm này được chế tạo dựa trên nguyên tắc của tủ an toàn sinh học. Nguyên tắc của tủ an toàn sinh học là các mẫu bệnh phẩm có khả năng lây nhiễm được để ở trong buồng xử lý. Đồng thời, mẫu được xử lí trong đó, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế xử lí mẫu và cả phòng xét nghiệm bên ngoài tủ. Các tủ này thường được trang bị sẵn các thiết bị xử lí mẫu và khử trùng ở bên trong buồng xử lí.

Tùy theo cấp độ lây nhiễm mà chúng ta dùng tủ an toàn sinh học cấp 2 (không kín hoàn toàn), hay tủ cấp 3 (kín hoàn toàn). Tủ an toàn sinh học cấp 3 được trang bị sẵn các găng tay cao su cố định vào thành tủ. Các găng tay này là loại đặc biệt, vừa đủ bền, chống tác nhân gây nhiễm xâm nhập, vừa đủ độ mềm mại và dài để các kĩ thuật viên thao tác dễ dàng.

Với buồng lấy mẫu như trên, bác sĩ Sơn cho rằng, ý tưởng làm buồng lấy mẫu xét nghiệm gần tương tự như cái tủ an toàn sinh học, chỉ khác là nó xoay ngược lại. Người kĩ thuật viên (hay người lấy mẫu) đứng ở trong cái thùng, có điều hòa nhiệt độ, không cần trang bị gì ghê gớm (vì đã có cái bốt nó ngăn chặn), thò tay qua các cái găng và thao tác lấy mẫu cho người dân. Như vậy, môi trường an toàn bây giờ là bên trong, còn môi trường bên ngoài buồng là môi trường lây nhiễm.

Tuy nhiên, ở đây có khác một chút so với tủ an toàn sinh học. Đó là cái mẫu bệnh phẩm khác nhau chỉ được đưa vào buồng xử lí mẫu của tủ an toàn sinh học sau khi các buồng xử lí này được tiệt trùng, để tránh lây nhiễm chéo giữa các mẫu. Còn ở buồng xét nghiệm, tất cả cái chỗ nhiễm xoay ra ngoài, khó mà khử trùng sau mỗi lần lấy mẫu cho mỗi bệnh nhân. Nếu làm vậy thì một ngày chỉ lấy mẫu được cho vài bệnh nhân mà thôi. Đó là chưa kể, cái găng tay lấy mẫu của buồng sẽ là ổ lây nhiễm cho những người được lấy mẫu, hoặc lây nhiễm cho mẫu, dẫn đến các ca dương tính oan.

Bác sĩ Sơn cho rằng, thay vì trang bị mấy cái găng tay, chúng ta bỏ chúng ra. Chấp nhận cái buồng lấy mẫu xét nghiệm ở mức độ thấp hơn một cấp, ngang bằng với tủ an toàn sinh học cấp 2. Thay vào đó, cho một cái quạt thổi không khí đã lọc qua màng PPE hoặc dẫn từ ngoài, nơi thoáng gió và khả năng ô nhiễm thấp vào, tạo áp lực dương phía bên trong buồng lấy mẫu, để không khí lưu thông một chiều từ trong bốt ra ngoài. Có như vậy, sẽ vừa ngăn việc lây nhiễm cho nhân viên lấy mẫu, vừa có thể sử dụng găng tay dài và thay thường xuyên, để lấy mẫu, tránh lây nhiễm cho người bệnh.

Về buồng lấy mẫu này, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ khuyến khích tất cả các nhà khoa học, doanh nghiệp, công dân cùng nghiên cứu, tìm giải pháp kỹ thuật để giúp nhân viên y tế bớt vất vả. Sau khi thử nghiệm, nếu cho kết quả khả quan, Bộ sẽ đánh giá và cải tiến để có thể phù hợp trong điều kiện chống dịch.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm