Chuyên gia tâm lý phân tích những hiểu lầm khi 'chồng làm việc nhà, gia đình dễ đổ vỡ'

08/03/2019 - 09:00
Trước thềm ngày 8/3, cư dân mạng được dịp bàn tán xôn xao về một bài viết có tựa đề: "Khoa học chứng minh: Chồng càng làm nhiều việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ”. Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa về vấn đề này.
222.jpg
Ảnh minh họa

 

Thực ra, đây chỉ là câu trích dẫn từ 1 nghiên cứu của các nhà khoa học Na-Uy đã được báo chí đăng tin từ cách đây 2 năm. Một “mệnh đề” được trích dẫn không đầu không cuối sau khi các đấng mày râu chia sẻ trên MXH thì “hội chị em” và “hội anh em” được dịp tranh luận nảy lửa. Tất nhiên, “hội chị em” thì phản bác kịch liệt, còn hội anh em thì “lên nước”, cho rằng, “việc nhà xưa nay là mảnh đất… bất khả xâm phạm của chị em. Vì thế, vợ đừng có cằn nhằn khi chồng không chăm việc nhà”. Thậm chí, có anh chồng còn viết hẳn “bài luận” trên trang cá nhân với những lời lẽ hùng hồn về “bổn phận của người vợ”.

 

Trước những lý lẽ không có hồi kết của “nhóm chị em” và “hội anh em” như Báo PNVN đã phản ánh Dậy sóng trước thông tin 'chồng càng làm việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ', chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với TS - chuyên gia tâm lý tình cảm Trịnh Trung Hòa.

 

tinngan_065054_169925199_0.jpg
TS - chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

 

PV: Có nhiều chục năm làm công tác tư vấn tâm lý tình cảm cho các cặp đôi, chứng kiến không biết bao nhiêu những tình huống trong đời sống gia đình, ông có nghĩ đúng là “Chồng càng làm nhiều việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ?”.

 

TS Trịnh Trung Hoà: Tôi cho rằng, cùng một sự việc, nếu nhìn từ những góc độ khác nhau sẽ có những nhận xét khác nhau.

 

Tôi xin giới thiệu thêm với các bạn một công trình nghiên cứu khoa học của Pháp với hàng nghìn gia đình, nhằm tìm ra những nét giống nhau của các gia đình hạnh phúc, người ta nhận thấy, có một nét chung là trong những gia đình hạnh phúc, vợ chồng thường chia sẻ việc nhà với nhau mà không đẩy hết cho một người, bất kể người đó là vợ hay chồng.

 

chia-s-vs-v.jpg
Trong những gia đình hạnh phúc, vợ chồng thường chia sẻ việc nhà với nhau mà không đẩy hết cho một người, bất kể người đó là vợ hay chồng. Ảnh minh họa

 

Nếu hai vợ chồng đều đi làm ngoài xã hội thì khi về nhà phải chia sẻ việc nhà với nhau mới hợp lý. Nếu một người làm quần quật còn người kia không làm hoặc làm quá ít thì hợp lý sao được? Cái gì không hợp lý thì khó tồn tại lâu dài.

 

Câu “Chồng càng làm nhiều việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ” có thể đúng trong trường hợp chồng làm hết việc nhà vì anh ta không đi làm ngoài xã hội, hoặc người vợ quá thành đạt nên bận rộn không có thời gian làm việc nhà, để chồng gánh hết, thì những gia đình ấy có thể dễ đổ vỡ hơn chứ không phải vì chồng làm quá nhiều việc nhà.

PV: Hình như, xét ở góc độ nào đó, kết luận nọ cũng không hẳn là sai?

TS Trịnh Trung Hoà: Nếu căn cứ vào bài báo thì rõ ràng, tác giả trong nhóm nghiên cứu cũng đã lý giải rất rõ rằng: Mấu chốt của vấn đề là "nếu các cặp đôi hiện đại có xu hướng "sòng phẳng" trong chuyện phân chia việc nhà, thì tình cảm, hôn nhân cũng rất dễ sòng phẳng. Nghĩa là nếu không hài lòng, hay không vừa ý, họ có thể nghĩ ngay đến chuyện ly hôn mà không do dự. Vô hình trung, điều này dẫn đến nguy cơ gia đình đổ vỡ lớn hơn".

 

Và ngược lại, "các cặp đôi sẽ chỉ thực sự hạnh phúc khi họ có vai trò được phân định rõ ràng, ít bị đem ra so sánh, ai nhiều ai ít hơn để nhận về sự bình đẳng. Việc phân chia công việc nhà theo truyền thống có thể dẫn tới "ít cãi cọ vặt vãnh hơn". Vì một khi vai trò đã rõ ràng, người ta sẽ tránh được tâm lý tại sao tôi làm nhiều mà anh được quyền làm ít".

 

bodaycon-2-1485249225431.jpg
"Các cặp đôi sẽ chỉ thực sự hạnh phúc khi họ có vai trò được phân định rõ ràng, ít bị đem ra so sánh"

 

 PV: Theo ông, có nên đặt ra công thức phân chia việc nhà một cách cứng nhắc? Làm thế nào để thống nhất được việc nhà trên tinh thần tôn trọng, hợp tác, phát triển hạnh phúc gia đình  bền vững?

 

TS Trịnh Trung Hoà: Trước làn sóng ly hôn đang gia tăng hiện nay, phân chia công việc gia đình sao cho hợp lý là một vấn đề được nhiều nhà khoa học về gia đình quan tâm khi mà nam nữ bình đẳng. Nhiều viện nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới đề xuất nhiều giải pháp khác nhau. Người đề nghị chia đều cho cả hai. Người cho là, phụ nữ làm bếp khéo hơn thì nên vào bếp nhiều hơn, đàn ông kèm con học tốt hơn, hoặc giặt và phơi quần áo, lau nhà giỏi hơn thì nên làm những việc ấy nhiều hơn, chứ không nên chia đều như “mỗi người rửa bát một ngày” chẳng hạn. Người lại liệt kê tất cả các đầu việc gia đình ra hàng trăm mục, ai thích làm việc gì nhận việc ấy sao cho công bằng hợp lý.

 

Còn tôi cho rằng, trong gia đình, cần tuyệt đối tránh tình trạng khi đi làm về, một người tay năm tay mười làm không hết việc, trong khi người kia nằm khểnh xem tivi đợi cơm, ăn xong lại đi đánh cờ, lướt Facebook.... Nếu tồn tại sự bất hợp lý như thế, thì bất kể là vợ hay chồng, cuộc sống như thế kéo dài mà không tan vỡ mới lạ.

 PV: Xin cảm ơn ông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm