Vợ chồng anh Tiến - bà Tha hiện sinh sống tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. |
Vết thương chiến tranh khiến ông Tiến không có chút ký ức nào về quê hương, gia đình. Tuy nhiên, suốt đời ông vẫn không bao giờ quên được khoảnh khắc người nữ quân y đã tận tình cứu sống ông.
Người nữ quân y năm xưa, giờ chính là vợ thứ 2 của ông Tiến. Bà tên là Lê Thị Tha (sinh năm 1949, ngụ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Bà Tha sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh An Giang. Trong cuộc chiến tranh, cha và người anh trai đầu của bà Tha đều đã hy sinh khi bà vừa chập chững biết đi.
Bà Tha đã sớm hoạt động cách mạng, rồi trở thành nữ chiến sĩ quân y, phục vụ cho chiến trường biên giới Tây Nam. Nhiệm vụ chính là chăm sóc thương binh và lo hậu cần. Khi đó, bà Tha 18 tuổi.
Năm 1977, ông Tiến rời Hòa Bình lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. 1 năm sau, ông Tiến bị trúng bom đạn của giặc phục kích và đã gặp được bà Tha trong hoàn cảnh ấy.
Bà Tha kể lại: “Tôi còn nhớ rất rõ ký ức ngày hôm ấy. Đó là hình ảnh chàng bộ đội người đầy máu. Tay chân không cử động được, bụng bị lủng một lỗ khá sâu, còn máu trên vùng đầu chảy ướt sũng, ướt hết cả áo. Tôi đến gần, kéo anh ấy vào chỗ trú ẩn an toàn. 5 ngón tay của anh ấy khẽ nắm lấy tôi rồi nói: “Cứu tôi với”…
Gần 2 tháng được tận tình cứu chữa, sức khỏe ông Tiến dần hồi phục. Tuy nhiên, vết thương nặng ở vùng đầu khiến ông chẳng nhớ gì cả. Quê hương, gia đình, đồng đội, đơn vị… đối với ông đều quá xa lạ. Chỉ còn đúng cái tên: “Đinh Thế Tiến” được may trên túi áo, là thông tin duy nhất về lai lịch của ông.
Suốt 36 năm qua, bà Tha luôn tận tình chăm sóc bệnh tật và tìm cách gợi nhớ ký ức cho chồng. |
Bà Tha thổ lộ: “Cha tôi, anh trai và cả chồng trước của tôi đều hy sinh vì bom đạn cả. Do vậy, tôi không đành lòng “bỏ rơi” và đã quyết định đưa anh ấy về nhà mình để tiếp tục cưu mang”.
Cả gia đình bà Tha đều yêu mến sự thật thà, chân chất của ông Tiến nên đều vui vẻ với sự có mặt của thành viên mới. Rồi tình cảm giữa bà Tha và ông Tiến dần chớm nở. Họ đến với nhau bằng sự đồng cảm, sẻ chia và bằng cả sự hy sinh. Đến năm 1980, đám cưới của họ diễn ra thật đầm ấm. Lần lượt 5 người con (3 trai, 2 gái) chào đời.
Suốt 36 năm sống với nhau, bà Tha luôn đau đáu muốn biết về quê hương, cội nguồn của chồng. “Có thể, anh ấy còn có vợ con và gia đình. Họ cần biết rằng, anh ấy vẫn còn sống”, bà Tha tâm sự.
Thỉnh thoảng, trong cơn mê sảng ông lại lảm nhảm về bom đạn, chiến trường. Vì vậy, hằng ngày, bà đều tìm cách khơi gợi lại trí nhớ của chồng mình bằng những câu hỏi, lặp đi lặp lại suốt: “Quê anh ở đâu?”, “Người thân, họ hàng anh là ai?”, “Nơi anh sinh ra có gì đặc biệt”… Ông Tiến không sao nhớ được những ký ức khi xưa của mình. Ông vò đầu, bức rứt.
Vợ chồng ông Tiến với niềm vui chăm sóc đứa cháu ngoại. |
Đến đầu năm 2015, nhìn cảnh rừng núi hoang vu bỗng nhiên ông Tiến thốt lên với vợ: “Tôi muốn về quê quá”. Xem tivi, ông Tiến nghe đến địa danh Hòa Bình thì khẳng định đây chính là quê của mình. Lần lần, ông lại nhớ ra có một người em trai tên là Thắng, ở xã Cao Dăm.
Rồi người con dâu của ông Tiến đã đánh liều gửi một bức thư về dưới quê cho ông Thắng. Qua trò chuyện điện thoại và gặp gỡ trực tiếp, gia đình ông Tiến đã được đoàn tụ với nhau đầy bất ngờ sau 39 năm xa cách.
Khi biết trí nhớ và ký ức của chồng dần hồi phục, bà Tha mừng rỡ vô cùng, nó lấn áp cả những suy nghĩ mông lung, đã từng xuất hiện trong đầu bà: “Trước đó, chồng đã từng có vợ con. Liệu anh ấy có quay lại mảnh đất quê hương để sinh sống?”.
Cách đây vài tuần, bà Tha đã theo chồng về Hòa Bình - nơi trước đây đã gắn với ông Tiến bằng tình anh em ruột thịt, tình vợ chồng. 12 ngày sống tại đây, cuộc đoạn tụ, sum vầy cứ hòa lẫn niềm vui và nước mắt trùng phùng.
Người vợ trước của ông Tiến dẫu có chút tủi phận, song đã kìm nén cảm xúc, chấp nhận cho ông Tiến quay trở về An Giang, sống cùng bà Tha. “Bà ấy nói với tôi rằng, nếu không có chị thì anh Tiến đã chết rồi. Chị đã thay em chăm sóc anh ấy. Em cảm ơn và mang ơn chị vì điều ấy. Tôi chỉ biết ôm bà ấy mà bật khóc”, bà Tha bộc bạch.
Ông Tiến đã mang di ảnh của cha mẹ ruột mình từ Hòa Bình về An Giang thờ cúng. |
Như PNVN đã thông tin, ông Đinh Thế Tiến, dân tộc Mường, ở xóm Trại Mới, xã Cao Dăm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vừa trở về nhà sau 39 năm. Theo hồ sơ quản lý tại xã, ông Tiến sinh năm 1955. Tháng 6/1977, ông Tiến nhập ngũ và đi chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Từ khi vào chiến trường, ông Tiến chỉ viết thư về được 1 lần. Gia đình không nhận được tin tức gì về ông Tiến trong suốt thời gian dài. Mãi đến năm 1992, gia đình ông Tiến mới nhận được Giấy báo tử gửi về. Nội dung giấy báo tử cũng chỉ ghi là: Hy sinh tại mặt trận phía Nam.
Cuối năm 2015, gia đình ông Tiến bỗng nhận được một bức thư của người con dâu ông Tiến ở xã Thái Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang gửi về cho ông Đinh Thế Thắng (em trai của ông Tiến), thông báo là ông Tiến vẫn còn sống. Nguyên là do sau thời gian bị thương, ông Tiến đã bị mất trí nhớ. Mãi đến năm 2015 ông Tiến mới phục hồi trí nhớ và ông Tiến đã kể cho các con của mình nghe về nơi ông sinh ra. Cuối tháng 3/2016, ông Tiến mới được trở về đoàn tụ với gia đình sau 39 năm xa cách.