Chuyện về người 'chiến binh' hát rock

21/03/2016 - 00:39
‘Lần cuối cùng tôi vào thăm, anh Trần Lập không thể cử động được chân tay nữa. Tuy nhiên, anh vẫn cười nói lạc quan như thể điều đó không có nghĩa anh đã thua cuộc trong trận chiến này!’ ca sĩ Triệu Lưu Hoàng Lân - thủ lĩnh Ban nhạc Cát - chia sẻ.

Người mang tinh thần “chiến binh”

 Trong gian khó, nghệ sĩ Trần Lập vẫn luôn mỉm cười, tiến bước

Hôm đó là thứ 7, tức chỉ cách ngày nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập qua đời chưa đầy 1 tuần. Lúc ấy tình hình bệnh tật của anh đã chuyển biến xấu phải nằm trong phòng cách ly của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Khi Hoàng Lân vào thăm Trần Lập đang chạy thận và chỉ vừa chợp mắt được ít phút. Những cơn đau kéo dài khiến anh bị mất ngủ triền miên và khi cơ thể mệt lắm anh mới chìm vào giấc ngủ một lúc. Tỉnh dậy, anh vẫn vui vẻ trò chuyện với mọi người dù vận động khó khăn. Anh vẫn nói chuyện và đùa với con.

Từ sau khi show diễn “Đôi bàn tay thắp lửa” khép lại, sức khoẻ của Trần Lập yếu hơn. Cứ 2-3 ngày anh lại phải truyền hoá chất. Hình ảnh cuối cùng Trần Lập chia sẻ trên trang cá nhân vào ngày 26/2 tại sân bay có lẽ là lần cuối anh được hưởng nắng một cách trọn vẹn. Trên hình, Trần Lập ngồi xe lăn gầy hom hem nhưng vẫn mỉm cười.

Hoàng Lân nói, những ngày cuối đời, dù hạch đã mọc khắp nơi rất đau đớn nhưng Trần Lập không hề kêu than. Anh tỏ ra rất bình tĩnh và không căn dặn ai điều gì đặc biệt. Có thể chính anh cũng không nghĩ rằng căn bệnh quái ác kia quật ngã được mình sớm đến vậy.

Trần Lậái tính Chuẩn chỉ Tình cảm

 Ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập (giữa) và ca sĩ Hoàng Lân (phải) luôn bên nhau

Là người em thân thiết của ca sĩ Trần Lập nên Hoàng Lân thường xuyên đồng hành cùng thủ lĩnh ban nhạc Bức tường trên các cung đường. Anh bảo, Trần Lập rất thích đi “phượt” nhưng không phải chỉ để thoả mãn thú vui mà để lấy tư liệu sáng tác. Thế nên, có rất nhiều bài hát về Tây Bắc đã ra đời như: Hoa ban trắng, Men say, Những chuyến đi dài... Và đặc biệt, không phải cứ thích là đi. Trần Lập chỉ đi vào cuối tuần, khi công việc, gia đình đã sắp xếp ổn thoả.

Trần Lập rất tình cảm. Anh luôn quan tâm đến mọi người và sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi bạn bè có khó khăn. Tuy nhiên, bản thân anh lại là người rất khái tính. Trần Lập ít khi chia sẻ vấn đề của mình với mọi người, kể cả với những người thân thiết nhất. Thay vì than vãn thì anh tự tìm cách giải quyết. Thế nên ngay cả lúc Trần Lập khó khăn nhất vì bệnh tật, bạn bè cũng phải thuyết phục mãi anh mới chịu để họ tổ chức cho mình chương trình “Đôi bàn tay thắp lửa”. 

 Khoảnh khắc đẹp của ca sĩ Hoàng Lân và ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập

Quan điểm sống của Trần Lập là: Đã nói thì phải xắn tay vào làm, đã dự định gì thì phải làm cho “tới”. Thế nên ca từ do Trần Lập sáng tác đều rất sâu sắc và mang tính triết lý, chiêm nghiệm cao. Hay như trong các MV anh cũng rất kỹ tính. “Tôi được hợp tác cùng anh Trần Lập trong MV Hoa ban trắng. Mọi ý tưởng, khung hình đều được anh dựng sẵn từ trước và anh yêu cầu mọi người phải làm thật nghiêm túc. Quay MV đó mất 2 ngày một đêm nhưng tất cả đều phải rất chuẩn xác. Anh Lập không chấp nhận chuyện làm cho có”. 

Sau lưng là một bóng hồng

 Vợ nghệ sĩ Trần Lập luôn đồng hành với anh trong sự nghiệp và trong cuộc sống

Hôm Hoàng Lân thăm Trần Lập ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chị Ngô Thị Mai Hoa - vợ anh Trần Lập - cũng đang ở đó. Hoàng Lân kể, chị Hoa nghỉ việc hoàn toàn để túc trực bên chồng. Trong suốt buổi gặp, chị Hoa luôn tỏ ra vui vẻ và không hề coi Trần Lập là người bệnh. 

Khác với vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, chị Hoa lại rất rắn rỏi, mạnh mẽ. Kể từ ngày biết chồng mắc bệnh, chị chưa từng ủ rũ hay than khóc mà "nhập cuộc" ngay lập tức. Thời điểm cuối đợt xạ trị, cứ 2-3 ngày, Trần Lập phải truyền hoá chất nên hai vợ chồng phải ở  Bệnh viện K Tân Triều, Hà Đông, Hà Nội. Khi ấy, ngày ngày chị phải chăm chồng rồi lại tranh thủ về nhà để lo cho con. Mỗi ngày đi lại hàng chục km nhưng chị không hề than vãn. Xạ trị không hiệu quả, nghe nói trong Đồng Nai có thầy thuốc giỏi, chị lại tất tả đưa anh vào chữa trị. 10 ngày sau, chị lại nhanh chóng đưa chồng về Hà Nội vì bệnh tình anh trở nặng. Khi ấy, Trần Lập đi lại đã rất khó khăn. Một mình chị phải cáng đáng mọi việc. 

Dù đã phải gắng gượng mạnh mẽ trong suốt 4 tháng trời nhưng khi chồng mất, chị không hề vỡ oà, khóc lóc thảm thiết như nhiều người nghĩ. Ngay buổi chiều hôm chồng mất, bạn bè thân thiết đến chia buồn, chị Hoa vẫn cố gắng bình tĩnh để lo liệu hậu sự cho chồng.

Vẫn như trước đây, khi Trần Lập còn sống, người phụ nữ nhỏ bé, rất đỗi bình dị và bình dị đến mức ngỡ ngàng ấy lại khiến mọi người không khỏi không khâm phục bởi đã góp sức làm nên một Rocker Trần Lập có sức lay động lòng người và một Trần Lập kiên cường chống chọi bệnh tật đến giây phút cuối.

 Chị Mai Hoa không chỉ giúp chồng theo đuổi niềm đam mê âm nhạc mà còn cùng anh xây dựng mái ấm hạnh phúc
Trần Lập tên đầy đủ là Trần Quyết Lập. Anh sinh năm 1974 tại Vụ Bản, Nam Định. Anh qua đời tại nhà riêng vào ngày 17/3 vì căn bệnh ung thư trực tràng. Tang lễ của anh sẽ được diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng vào ngày 23/3. Di hài của Trần Lập sẽ được an táng tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (Phú Thọ). Dù chưa phải là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam nhưng với những đóng góp cho âm nhạc nước nhà nên Trần Lập sẽ được truy tặng kỷ niệm chương trong thời gian tới.

Triệu Lưu Hoàng Lân lần đầu biết đến rock là khi anh học lớp 10, theo chân chị gái đến một buổi biểu diễn tại sân Đại học Dược. Khi ấy, anh thấy mọi người lắc lư, cùng hát theo giai điệu bài hát Bông hồng thủy tinh của ban nhạc Bức tường và rất ngạc nhiên. Khi về anh tìm nghe tất cả những ca khúc của Bức tường. Nhờ những triết lý sâu sắc, sự mạnh mẽ của ca từ đã khiến Hoàng Lân giũ bỏ được sự nhút nhát, tự ti để rắn rỏi, mạnh mẽ hơn.

Anh nhanh chóng thần tượng Trần Lập. Anh tình nguyện tham gia rất nhiều chương trình của ban nhạc Bức tường nhưng chỉ dám đứng từ xa nhìn thần tượng. Mãi đến năm 2006, khi tham gia cuộc thi nhạc rock Tiger Translate, Hoàng Lân mới đủ tự tin để nói chuyện với Trần Lập. Từ đó, họ tìm ra những đam mê sở thích chung là nhạc rock và “phượt”.

Nhớ về Trần Lập, Hoàng Lân kể: "Thời điểm năm 2008, do một số nguyên nhân, ban nhạc “Thánh giá đỏ” của Triệu Lưu Hoàng Lân phải đổi tên. Điều đó khiến anh rất buồn bởi cái tên “Thánh giá đỏ” đã đi cùng ban nhạc suốt một thời gian dài và cũng đã gặt hái được một số tiếng tăm nhất định. Tuy nhiên, Trần Lập nói: “Đổi tên chưa hẳn đã là một việc không hay, có thể sẽ mở ra những cơ hội khác”. Cuối cùng, sau một thời gian đắn đo, đến một ngày, Trần Lập gọi Hoàng Lân vào và nói đã tìm được cái tên mới rất hay lại phù hợp với ban nhạc. Đó là Cát (The Sand). Cát sinh ra từ đá mà tiếng Anh đá lại chính là rock. Mỗi người trong ban nhạc cũng như một hạt cát nhỏ, nhiều hạt cát tụ lại gần nhau sẽ mang một vẻ đẹp cũng như tạo thành sức mạnh lớn lao".



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm