pnvnonline@phunuvietnam.vn
11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu
Báo cáo trước Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới và triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện Chiến lược. 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch và triển khai công tác bình đẳng giới năm 2023.
Về kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến lược năm 2023, ông Đào Ngọc Dung cho biết: Đến cuối năm có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 03/20 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Đặc biệt, có 11/20 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu gồm:
1. Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 đạt 50,9% (đạt mục tiêu 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030).
2. Tỷ trọng lao động nữ làm việc khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm giảm xuống còn 26,22%. Đạt và vượt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là giảm xuống dưới 30%.
3. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 là 28,2%. Đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025.
4. Duy trì và đạt 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
5. Tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đạt 100%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 70% vào năm 2025.
6. Tỷ suất sinh ở vị thành niên năm 2023 là 15,4‰. Năm 2022 chỉ tiêu này là 15,9‰. Đạt chỉ tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2025 (dưới 18‰ vào năm 2025).
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và triển khai Đề án "Đưa việc giảng dạy nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và trình độ đại học giai đoạn 2024-2030". Phấn đấu đến 2025 đạt mục tiêu nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm.
8. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 96%; Tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở năm học 2022-2023 đạt 90%, năm học 2021-2022 đạt 89%. Như vậy chỉ tiêu này vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và đạt chỉ tiêu đến năm 2030.
9. Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 41%. Đạt chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đạt trên 30% vào năm 2025 và 2030.
10. Năm 2023, có khoảng 64,8% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Như vậy chỉ tiêu này đã vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 60%.
11. Duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình địa phương đã có chuyên mục, chuyên trang về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được phát sóng định kỳ.
Có 3 chỉ tiêu có kết quả đạt một phần và 2 chỉ tiêu tiệm cận so với mục tiêu đến năm 2025
(1) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 14/30 cơ quan, đạt 46,67%. Có 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 74,6%. Chỉ tiêu này đạt một phần so với mục tiêu.
(2) Tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là trên 70%; Số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là trên 75%. Chỉ tiêu này đạt một phần so với mục tiêu.
(3) Về tỷ lệ nữ thạc sĩ, tiến sĩ: Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo: tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ đạt 47%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục là 39%. Chỉ tiêu này đạt một phần so với mục tiêu.
(4) Năm 2023 số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ bằng 1,78 lần so với nam giới, tiệm cận với mục tiêu đề ra đến 2025 là 1,7 lần.
(5) Năm 2023, theo báo cáo của địa phương, có khoảng 93,3% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới, tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Có 4 chỉ tiêu vẫn còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025
(1) Theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh 113,6 bé trai/100 bé gái, tuy nhiên, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái (năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái) so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 111 bé trai/100 bé gái.
(2) Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản: Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ tử vong mẹ là 46/100.000 trẻ đẻ sống, ước tính đến năm 2025 còn 42/100.000 trẻ đẻ sống (chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 42/100.000).
(3) Tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới: Hiện nay mới có 9 địa phương triển khai thiết lập cơ sở y tế riêng cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.
(4) Có khoảng 90,8% các xã phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở. So với chỉ tiêu là 100% đến năm 2025.