Có cách nào đòi được tiền cho vay trong các vụ vỡ nợ tiền tỷ?

10/11/2018 - 07:05
Khi bị vỡ nợ, người cho vay chỉ mong muốn làm sao lấy lại được khoản tiền của mình đã cho vay nên đã thực hiện nhiều biện pháp như bao vây, khởi kiện, xiết nợ... Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu chủ nợ không tỉnh táo, họ có thể bị truy tố trước pháp luật về tội cưỡng đoạt tài sản.
Khi số nợ quá lớn, người vay đã mất khả năng thanh toán nên họ tuyên bố vỡ nợ khiến hàng trăm hộ cho vay có nguy cơ mất trắng. Các chủ nợ thực hiện nhiều biện pháp để đòi nợ, với mong muốn lấy lại được khoản tiền đã cho vay.
 Theo một giảng viên khoa Luật Dân sự (Đại học Luật Hà Nội), dưới đây là một số trường hợp xảy ra khi đòi tiền.
Trường hợp người cho vay làm đơn tố cáo ra cơ quan công an.
Lúc này, cơ quan CSĐT sẽ thu thập tài liệu để điều tra. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các giao dịch cho vay tiền giữa các cá nhân chủ yếu dựa trên cơ sở niềm tin và chỉ cam kết thời gian trả nợ bằng giấy viết tay. Những giấy tờ này được coi là chứng cứ nếu nó không bị làm giả. Chứng cứ này chỉ chứng minh được có hay không có việc vay tiền, còn lấy lại được tiền không thì phải xem các yếu tố khác.
doi-no-cong-ty-mua-caphe-add_gpgb.jpg
Bao vây nhà con nợ là biện pháp được nhiều chủ nợ lựa chọn

Theo quy định, việc vay và cho vay là quan hệ dân sự. Nếu bị đòi nợ người vay không bỏ trốn, hoặc để chuông điện thoại nhưng không nghe, không chứng minh được rằng họ có hành vi gian dối thì chỉ xử lý trong phạm vi trách nhiệm dân sự chứ không thể khởi tố vụ án. Trong trường hợp này, người cho vay phải khởi kiện ra tòa, thì tòa án mới xem xét giải quyết.

Nếu tòa án tuyên thắng kiện, người thắng kiện sẽ yêu cầu thi hành án. Lúc này, cơ quan thi hành án xem xét, thụ lý, giải quyết để đòi khoản nợ. Tuy nhiên, hầu hết tài sản của con nợ đã thế chấp ngân hàng thì theo quy định, ngân hàng được lấy đầu tiên. Còn lại, những người mà yêu cầu thi hành án, thì cơ quan thi hành án sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để chia theo tỷ lệ. Theo đó, sẽ ưu tiên giải quyết những trường hợp cho vay có thế chấp. Còn những trường hợp có giấy nhận nợ nhưng không khởi kiện thì không có quyền đòi thi hành án.
Trường hợp cơ quan CSĐT chứng minh được người vay tiền có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền hoặc họ bỏ trốn sau khi vỡ nợ thì có dấu hiệu của tội hình sự. Cơ quan CSĐT sẽ xem xét khởi tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Bộ Luật Hình sự 2015. Đương nhiên, khi đã vào tù, họ chẳng có tiền mà trả cho người cho vay.
vuot-qua-tam-ly-e-ngai.jpg
Cho vay không thế chấp khiến việc lấy lại tiền khi vỡ nợ rất khó

 Theo chuyên gia pháp lý, đối với người cho vay, thì ưu tiên lúc này là đòi được nợ. Vì thế, thay vì làm rùm beng, người cho vay nên đến nhà con nợ nói chuyện cụ thể. Nếu con nợ không trả được thì thỏa thuận lấy tài sản của người vay như ô tô, xe máy, tivi hoặc các tài sản khác. Cần lưu ý, khi lấy tài sản thì phải được sự đồng ý của con nợ và lập thành văn bản. Tuyệt đối không được lấy tài sản khi chưa có sự đồng ý hoặc dùng vũ lực để cưỡng ép con nợ phải giao tài sản vì có thể vướng vào lao lý với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.

"Thời điểm này rất khó khăn với con nợ, dù có khởi kiện hay vụ án bị khởi tố thì khả năng đòi được tiền hầu như là không có. Vì thế, các chủ nợ có thể “thư thư” thời gian để con nợ có thời gian xoay xở, làm ăn. Nếu họ làm ăn được thì còn có cơ hội để đòi lại khoản tiền đã cho vay", vị giảng viên này nói.

Khi cho vay nếu không có ràng buộc trách nhiệm pháp lý thì rủi ro rất cao. Do đó, những người cho vay cần yêu cầu thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ kho phát sinh mất khả năng thanh toán thì có thể xử lý tài sản đó để trả nợ. Người dân cho vay nên làm các giấy tờ mà có cơ quan công chứng chứng thực hoặc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm đăng ký để cầm cố tài sản, ví dụ như sổ đỏ, giống như cách làm của ngân hàng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm