Cô cử nhân Luật bén duyên với tà áo dài truyền thống

Đình Nguyên
13/03/2021 - 10:00
Cô cử nhân Luật bén duyên với tà áo dài truyền thống

Chị Hiếu (trái) lấy số đo cho khách hàng

Tốt nghiệp cử ĐH Luật Hà Nội, Nguyễn Thị Hiếu (Đô Lương, Nghệ An) lại chọn thời trang làm lĩnh vực để khởi nghiệp. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi và niềm đam mê với tà áo dài truyền thống, cô từng bước tạo nên thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.

Khởi nghiệp từ đường kim, mũi chỉ

Sinh năm 1988 trong một gia đình thuần nông tại xã Minh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), năm 2011, Nguyễn Thị Hiếu tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội và bắt đầu công việc chuyên ngành của mình. Những tưởng Hiếu sẽ gắn bó trọn đời với nghề luật sư, nhưng sau một thời gian công tác, Hiếu bất ngờ xin thôi việc về kinh doanh thời trang tại Thái Bình, quê hương của chồng. 

Khi được hỏi về lý do tại sao lại thay đổi và lựa chọn nghề này, Hiếu chia sẻ: "Mình đến với áo dài như một cơ duyên, không hề tính toán trước. Mình vốn rất thích áo dài, và trong một lần mình biết có một cửa hàng đăng thông tin thanh lý toàn bộ. Trong chớp nhoáng, mình tìm liên hệ và mua lại toàn bộ cơ sở vật chất, sản phẩm của cửa hàng đó để kinh doanh mặc dù bản thân không hề biết cắt may hay sử dụng máy may".

Người phụ nữ xứ Nghệ bén duyên với tà áo dài truyền thống - Ảnh 1.

“Thành quả của ngày hôm nay là kết quả của những đêm miệt mài ngồi vẽ, tạo mẫu, cắt may. Càng vất vả tôi càng cảm thấy quý trọng công việc của mình", Hiếu chia sẻ.

Hiếu cho biết, mọi thứ đến với mình rất tự nhiên. Ban đầu, khi tìm đến với những giá trị truyền thống đơn thuần chỉ vì yêu thích, nhưng sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu sâu, dần dần Hiếu đã bị cuốn hút bởi những giá trị thẩm mỹ đến từ văn hóa truyền thống. Có điều gì đó cứ thôi thúc rồi dần đến với công việc nghiên cứu, gìn giữ và phục dựng những giá trị truyền thống quý báu của cha ông. Song song với điều đó, sự mai một của các giá trị truyền thống, trong đó có áo dài đã làm Hiếu trăn trở và suy nghĩ.

Những bước đi đầu tiên trên hành trình tìm đến giá trị văn hóa trang phục Việt Nam là sự đam mê. Chính điều đó đã giúp Hiếu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và khẳng định "thương hiệu" riêng của bản thân. Không cửa hàng, không quảng cáo rộng rãi, chỉ với đôi tay và niềm đam mê của mình, Hiếu đã tạo ra nhiều bộ trang phục đạt chất lượng kỹ thuật và thẩm mỹ cao. Các loại trang phục cổ do Hiếu phục dựng xuất hiện trong các triển lãm và được nhiều người đón nhận.

Người phụ nữ xứ Nghệ bén duyên với tà áo dài truyền thống - Ảnh 2.

Cửa hàng của Hiếu luôn tấp nập khách ra vào.

"Người trẻ có quan niệm là mặc áo dài sẽ già, rườm rà nên ít mặc. Nhưng những năm gần đây xu hướng mặc áo dài đã quay trở lại, vì càng ngày càng có nhiều thiết kế áo dài nhẹ nhàng, tinh tế phù hợp với mọi lứa tuổi. Muốn may một chiếc áo dài đẹp, quan trọng là khâu chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng từng người. Sau đó, người thợ đo kỹ, chuẩn xác, trải vải, cắt vải thật khéo, đường may thật "mướt". Chiếc áo dài khéo khi người mặc vừa vặn, chuẩn phom dáng, không bị nhăn, bai dão, lượn sóng", Hiếu chia sẻ.

Từng bước xây dựng thương hiệu "Áo dài Trung Đồng"

Trong con ngõ nhỏ ở xóm 15, xã Nam Trung, huyện Tiến Hải (Thái Bình), cửa hàng áo dài Trung Đồng của Hiếu luôn tấp nập người đến mua sắm, may đo đồng phục, nhất là vào mùa tựu trường, hiến chương nhà giáo, Tết, ngày quốc tế phụ nữ… Mỗi mùa, Hiếu đều cất công nghiên cứu, học hỏi để chọn vải, tìm đặt phụ kiện phù hợp và sáng tạo những kiểu dáng riêng, độc đáo phục vụ khách hàng từ đường may, mũi chỉ.

Nói về kỹ thuật cắt may trang phục áo dài, Hiếu cho rằng, đường may rất khó học, đòi hỏi người đến với nghề cần có chữ duyên, sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Bởi vậy, không phải người thợ nào cũng đủ kiên nhẫn và tâm huyết để vượt qua khó khăn khi mới làm quen với nghề may áo dài. Mặc dù hiện nay nghề may đã có nhiều phương tiện hỗ trợ nhưng muốn áo dài mềm mại, thướt tha, có những công đoạn người thợ phải khâu tay để tạo được độ rủ cần thiết cho tà áo. Đây là kỹ thuật rất khó, phải mất nhiều thời gian mới học được. Vì vậy, áo dài luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, vẫn được nhiều người ưa chuộng và đó cũng là điều kiện giúp nhiều thợ may sống ổn định với nghề.

"Nhớ lại thời gian đầu rất vất vả, dường như tất cả mọi công đoạn từ tập tành học may, chỉnh sửa, khâu đính kết hoa, hạt trang trí, đến tìm hiểu các mẫu áo dài được ưa chuộng… đều tự mình làm hết. Đúng là "có công mài sắt, có ngày nên kim", sau bao nhiêu nỗ lực, giờ đây cửa hàng áo dài Trung Đồng đã nhiều người biết đến và có một chỗ đứng vững chắc với niềm tin yêu của không chỉ khách hàng tại Thái Bình  mà còn khách hàng khắp mọi miền đất nước".

Chị Lê Thị Hải Yến, một khách hàng may áo dài của cửa hàng Trung Đồng, cho biết: "Mặc áo dài Trung Đồng may, tôi rất tự tin. Mặc vào người rất thoải mái, vừa vặn, chuẩn phom dáng, tôn được điểm mạnh, che được điểm yếu của cơ thể. Tôi rất thích may áo dài ở địa chỉ này không chỉ do sản phẩm có phom dáng đẹp, đường may chỉnh chu mà còn do thái độ phục vụ của toàn bộ nhân viên, nhất là chị Hiếu - chủ shop và dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành sau bán…".

Hiện nay, Áo dài Trung Đồng liên kết với xưởng may hơn 30 công nhân cắt may và trang trí. Khách hàng đến với cửa hàng của Hiếu ngày một đông rồi giới thiệu bạn bè, người thân đến may. Năm 2020, nhãn hiệu Áo dài Trung Đồng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Cô cử nhân Luật bén duyên với tà áo dài truyền thống - Ảnh 3.

Chị Hiếu đã được nhiều người biết đến với thương hiệu "Áo dài Trung Đồng"

"Nếu trước đây, áo dài thường chỉ được người phụ nữ lựa chọn mặc vào những dịp đặc biệt thì những năm gần đây, trang phục truyền thống này đã trở nên gần gũi, hiện hữu nhiều hơn trong đời sống đời thường. Với việc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động "Tuần lễ áo dài" trên toàn quốc càng khẳng định giá trị của trang phục này đối với cuộc sống", Hiếu vui mừng chia sẻ.

Hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề chính là được nhìn thấy sản phẩm của mình góp phần tôn lên nét đẹp cho người phụ nữ Việt và niềm vui mỗi ngày nhận được lời khen ngợi của khách hàng về sản phẩm… Với thương hiệu Áo dài Trung Đồng, Hiếu đã góp phần làm nên giá trị trường tồn cho tà áo dài Việt, để rồi "Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó"...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm