Cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc (bài 3): Chốn an toàn cho ngày trở về

Trần Lê
13/07/2023 - 12:00
Cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc (bài 3): Chốn an toàn cho ngày trở về

Cô dâu Việt nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và các cấp Hội phụ nữ để họ được an toàn, xây dựng cuộc sống ổn định.

Vì một lý do nào đó, cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc không trọn vẹn, khi quay trở về quê mẹ để tìm kiếm cuộc sống mới, các cô dâu Việt sẽ không còn đơn độc. Bên cạnh họ luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và các cấp Hội phụ nữ để họ được an toàn, xây dựng cuộc sống ổn định.

Trong những năm gần đây, việc lấy vợ ngoại quốc ở Hàn Quốc đã trở nên khá phổ biến. Trong đó, những nước có nhiều phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc bao gồm: Trung Quốc, Campuchia, Mông Cổ, Philippines, Uzbekistan và Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm có hàng chục nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó trên 90% là phụ nữ. Nhiều phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc đã nỗ lực vươn lên để được hạnh phúc, có điều kiện kinh tế để tự chủ bản thân và giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người có cuộc hôn nhân không trọn vẹn, phải trở về quê nhà sinh sống.

Rắc rối từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc

Gia đình nghèo, ít ruộng đất, cha mẹ già, chị H. (Hải Dương) lấy chồng Hàn Quốc qua môi giới hôn nhân, với mong muốn có thể đổi đời, giúp gia đình. Tuy nhiên, thực tế không như chị mong muốn. Năm 2004, chị đi làm dâu xứ người. Dù gia đình chồng có cửa tiệm kinh doanh, nhưng mẹ chồng quản lý hết tiền nên chồng muốn đi đâu hay làm gì thì xin tiền mẹ. Chị cũng vậy. Khác biệt về văn hóa, bị bạo lực cả về thể chất và tinh thần, đến năm 2010, sau khi sinh con được một năm, chị H. không chịu đựng được nữa nên bế con về quê nhà sinh sống.

Cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc (bài 3): Chốn an toàn cho ngày trở về  - Ảnh 1.

Bạo lực là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn nhân không trọn vẹn của các câu dâu Việt

Chị G. (Hải Phòng) từng ly hôn và nuôi con nhỏ. "Khi nghe mọi người nói rằng lấy chồng Hàn Quốc sẽ dễ dàng hơn và nhiều người lấy chồng sang bên đó có tiền gửi về cho bố mẹ, tôi đã nghĩ mình có thể thay đổi cuộc sống nên đồng ý kết hôn với một người Hàn Quốc. Cuộc sống nơi xứ người không tốt đẹp, suôn sẻ như tôi nghĩ. Tôi sống chung với mẹ chồng, bà rất khó tính, không cho tôi đi học tiếng Hàn, không cho tôi giao tiếp với ai. Suốt thời gian dài, tôi chỉ ở trong nhà. Không chịu được nữa, tôi đã trở về Việt Nam mang theo tâm lý mặc cảm. Khó khăn lớn nhất là khi tôi làm thủ tục ly hôn với chồng. Tôi vẫn giữ đầy đủ giấy tờ nhưng khi hỏi dịch vụ lấy phí rất cao. Bản thân tôi không thể trả số tiền đó nên không thể hoàn thiện giấy tờ ly hôn từ năm 2018…", chị G. tâm sự.

Còn chị N. (Tiền Giang), nghe theo lời dụ dỗ đi lấy chồng Hàn Quốc mỗi tháng sẽ được 600 đô la nên bỏ lại 3 đứa con thơ ở nhà để làm dâu nơi đất khách. Vốn là nông dân chân lấm tay bùn, để được sang Hàn lấy chồng, chị đã phải vay ngân hàng 30 triệu đồng lo chi phí ban đầu. Khi sang tới Hàn Quốc, tuổi cao, không học được tiếng và quen với văn hóa của quê chồng, chị đã phải bỏ về Việt Nam. Món nợ 30 triệu vẫn còn đó, lại phải gồng gánh nuôi 3 con, khó khăn của chị N. chồng chất khó khăn. Trong khi, chị chưa ly hôn với người chồng Hàn Quốc.

Những nguyên nhân dẫn đến những cuộc hôn nhân không trọn vẹn của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc là bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, mâu thuẫn với gia đình chồng, với chồng, bị chồng bạo lực, ly hôn hoặc chồng chết. Trở về nước, họ gặp phải những khó khăn về tình trạng hôn nhân và quốc tịch. Có thể kể đến như: Tình trạng quan hệ hôn nhân chỉ tồn tại trên mặt pháp lý (giấy chứng nhận kết hôn), còn về thực tế thì quan hệ hôn nhân của họ đã chấm dứt, không còn tồn tại nữa, nhưng họ chưa ly hôn được với chồng. 

Bên cạnh đó, còn có một số cô dâu do bỏ trốn nên không mang theo các giấy tờ liên quan đến nhân thân, trong đó có giấy kết hôn, ly hôn… Những quy định khác biệt trong quy định của 2 nước khiến họ gặp trở ngại khi làm thủ tục ly hôn. Thêm vào đó là những rào cản khi đi xin việc, tâm lý mặc cảm… đã khiến cho nhiều hành trình trở về của các cô dâu Việt mang đầy nước mắt.

Cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc (bài 3): Chốn an toàn cho ngày trở về  - Ảnh 2.

Các cô dâu Việt cần được tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực

Kết nối hành trình hồi hương

Để hỗ trợ những cô dâu Việt hồi hương cần giải quyết những vấn đề đặt ra như: Tái hòa nhập, việc làm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về hôn nhân, các vấn đề liên quan tới trẻ em, tư vấn tâm lý… Thực tế cho thấy, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ là một công việc phức tạp, rất cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng và các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Qua đó, họ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.

Từ năm 2020, Dự án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hoà nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) được triển khai thực hiện với mục tiêu: Hỗ trợ phụ nữ Việt Nam di cư trở về và thành viên gia đình họ được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ để tái hòa nhập bền vững.

"Hội LHPN Việt Nam được phân công chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về di cư hợp pháp, an toàn và nghiên cứu các giải pháp giảm tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ trong quá trình di cư. Văn phòng OSSO là một trong những mô hình nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, góp phần đảm bảo di cư an toàn của phụ nữ", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết.

Cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc (bài 3): Chốn an toàn cho ngày trở về  - Ảnh 3.

Văn phòng OSSO giải đáp vướng mắc về thủ tục pháp lý. Cán bộ văn phòng kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, hướng dẫn chị em trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc; đồng hành cùng chị em cho đến khi thủ tục được hoàn tất.

Với sứ mệnh Kết nối hành trình hồi hương, 5 văn phòng OSSO đã được thành lập tại: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hậu Giang và Cần Thơ, giúp nhóm đối tượng phụ nữ di cư hồi hương và gia đình, trong đó có phụ nữ di cư lấy chồng ngoại quốc được tư vấn hỗ trợ miễn phí để tái hoà nhập bền vững về mặt kinh tế - xã hội khi trở về nước.  

Với các đơn vị chủ quản là TƯ Hội LHPN Việt Nam, KOICA, sự hỗ trợ kỹ thuật của IOM, các văn phòng OSSO sẽ cung cấp các dịch vụ miễn phí như: Tham vấn (Pháp lý, Tâm lý, Giáo dục - Đào tạo - Học nghề, Việc làm - Lao động - Vay vốn, Chăm sóc sức khoẻ - Y tế, Phòng chống bạo lực gia đình, Chăm sóc gia đình); Kết nối, chuyển tuyến dịch vụ; Cung cấp thông tin; Hỗ trợ/ tham vấn chăm sóc con trẻ; Hỗ trợ sau tham vấn. Những sự đồng hành, hỗ trợ này sẽ góp phần giúp các cô dâu Việt tìm được bình an và sự hỗ trợ cần thiết trong hành trình trở về của mình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm