pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái 30 tuổi chia sẻ bí quyết tiết kiệm, khiến tiền đẻ ra tiền
“Mình đã từng được nghe rất nhiều suy nghĩ về tư duy tiết kiệm tiền. Đối với một số người, tiền chỉ đơn giản là đồng polime cầm trên tay, tiêu hết lại kiếm. Nhưng với những người khác, tiền lại là kho báu cần được tích trữ hàng ngày. Còn riêng với mình, ở độ tuổi 30 đã có công việc ổn định, mình có tiền, nhưng lại không còn sở thích tiêu tiền, hay mua sắm món đồ nào bản thân yêu thích. Bởi mình nhận ra, có tiền tiết kiệm rất quan trọng. Nhưng làm sao để số tiền ấy không bị mất giá theo thời gian lại càng quan trọng hơn.” Trà My (30 tuổi, Quản lý mạng xã hội của một công ty công nghệ) sở hữu mức lương đáng mơ ước cho biết, dù dành cả đời để tiết kiệm cũng không bằng học được cách tiêu tiền thông minh.
Học cách tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt
Tiết kiệm là đức tính ba mình dạy từ khi còn nhỏ, vì vốn dĩ gia đình đi lên từ khó khăn. Khi ra trường, đi làm, mình lại càng thấy tiết kiệm cực kỳ quan trọng. Đôi khi vẫn thấy đồng nghiệp dù mức lương kiếm được cũng dư giả để chi tiêu, nhưng cuối tháng vẫn rơi vào cảnh hết tiền, vậy lại càng không dám mạnh tay cho khoản gì.
Nhiều khi cũng tự nhận thấy mình tiết kiệm thái quá, nhưng nhìn thấy số tiền tích lũy được hàng tháng cứ thế được nhân lên thấy cũng đáng. Ngay cả trong những chi tiêu thiết yếu như: tiền nhà, tiền ăn, đi lại,... mình cũng chọn phương án tối ưu nhất. Dù đã đi làm được hơn 10 năm, mình vẫn luôn nhận lương thực gửi lên ở quê. Phần để tiết kiệm tiền nguyên liệu, phần cũng là vì đồ ăn ở quê đảm bảo, mà ba mẹ coi đó là niềm vui nên mình cứ nhận. Bạn bè nhiều khi vẫn trêu nhưng mình thấy chuyện này bình thường. Mình cũng luôn hạn chế ăn ngoài, mà tự nấu ăn ở nhà nhiều nhất có thể.
Tiền dành cho chi tiêu mua sắm cũng chỉ giới hạn trong tháng vài triệu, đủ để xây dựng hình thức bên ngoài chỉn chu. Phương tiện đi lại thì chỉ cần an toàn là đủ, không nhất thiết cứ phải xe xịn. Cuộc sống cứ duy trì như thế, nhưng mình chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn gì.
Tuy nhiên, khái niệm tiết kiệm với mình không có nghĩa là dè sẻn chi tiêu. Những hoạt động giao lưu, duy trì mối quan hệ mình vẫn có. Bỏ tiền để đầu tư vào bản thân như kiến thức, kỹ năng, học hỏi, thì mình chưa bao giờ tiếc. Nhưng thời điểm trước đây, mình chỉ biết tiết kiệm và dồn tiền vào ngân hàng nhiều nhất có thể, vì thấy nó an toàn. Có lẽ tiền của mình sẽ được tích góp theo tháng, theo năm như thế đến khi về già. Cho đến khi một người anh cùng nghề của mình đặt ra câu hỏi: “Em từng học chuyên ngành liên quan đến kinh tế, mà lại không đầu tư gì à?”
Khi đó mình mới ngỡ ra, hóa ra mình xuất phát là dân kinh tế, mà chỉ biết bỏ tiền vào túi rồi cất đi. 2 năm trước, cũng là khoảng thời gian bùng nổ của tự do tài chính, đầu tư, nguồn thu thụ động,... Những thông tin liên quan đến chuyện tiền đẻ ra tiền mà không cần bỏ sức lực cứ thế ập vào tai mình. Mình bỗng nhận ra, có lẽ bấy lâu nay chuyện mình chăm chăm vào tiết kiệm thật sự là ngu ngốc. Và cách nhìn về tiết kiệm của mình đã hoàn toàn thay đổi khi mình mạnh dạn bỏ tiền túi ra để đầu tư.
Tiết kiệm thôi là chưa đủ, hãy tiêu tiền một cách hiệu quả
Từ đầu tháng 9/2021, sau khi chứng kiến thị trường đầu tư đang trên đà đi lên, mình đã mạnh dạn tự nghiên cứu và đầu tư khoảng 600 triệu đồng trên 5 nền tảng. Phần lớn khi đó mình mua là chứng chỉ quỹ. Một trong những lý do mình chia nhỏ số tiền để đầu tư cùng lúc nhiều nền tảng, vì mình không muốn bỏ tất cả trứng vào 1 rổ. Đi theo hình thức chậm mà chắc, mình đầu tư từ từ, hàng tháng nếu có lãi mình sẽ rút ra 1 ít và chuyển vào tài khoản tiết kiệm.
Khoảng 2 tháng sau đó, vào tháng 11/2021, mình tổng kết lại tất cả lợi nhuận khi đó đạt được trên thị trường, mình lời được khoảng 52,6 triệu đồng (26.3%). Đây chính là số tiền thụ động mà mọi người hay nhắc đến, cao hơn rất nhiều so với tiền lương đi làm thuê, mà lại tốn ít thời gian và sức lực. Thay vì bán công sức lao động, mình nghiên cứu cách để tiền đẻ ra tiền.
Vốn dĩ đã xác định là khoản đầu tư lâu dài, thế nên khi thị trường có dấu hiệu đi xuống, mình vẫn cảm thấy ổn định. Phần nhiều cũng là vì số tiền mình rút ra mỗi khi có lãi đã tăng lên rất nhiều, đạt ngoài kỳ vọng. Tuân theo nguyên tắc đặt ra ban đầu, mục đích mở quỹ cho dài hạn, nên mình sẽ trung thành với quỹ mở này trong khoảng 2 năm. Tức là, mình sẽ duy trì tất cả 5 tài khoản cho đến tháng 9/2023. Thời điểm hiện tại, tất cả đều đang hoạt động rất tốt.
Nhìn chung, danh mục đầu tư mình phân chia cụ thể như sau:
- Đầu tư trực tiếp: Chỉ chiếm khoảng 8% tổng số tiền đầu tư, đây là khoản mình dự tính sẽ mất trắng. Bỏ tiền vào thị trường này mục đích chính vẫn là học hỏi kinh nghiệm.
- Đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ: Trong danh mục này, mình lại tiếp tục chia nhỏ số tiền ra.
- Quỹ cổ phiếu: Khoảng 79%: Có rủi ro khá cao nhưng lợi nhuận tốt nhất.
- Quỹ cân bằng: Khoảng 12%: Loại quỹ này có mức rủi ro trung bình, cũng khá an toàn nếu so với việc đầu tư mạo hiểm.
- Quỹ trái phiếu: Khoảng 9%: Đây là loại quỹ có rủi ro thấp, và đi kèm theo đó mức lợi nhuận chỉ đủ đảm bảo để tiền của bạn được giữ mà không mất giá.
Đây là cách mình phân bổ số tiền đầu tư nhàn rỗi. Từ khi có lãi, mình mới bừng tỉnh về việc tiết kiệm khi trước. Nếu chỉ tiết kiệm và cất kín số tiền đó trong túi, bạn sẽ nhận ra tiền ngày càng vơi đi chứ không thể chỉ đứng yên ở đó. Với tốc độ lạm phát trung bình của Việt Nam ở mức 4%, có nghĩa là bạn tiết kiệm 1 triệu đồng ở đầu năm 2021, thì đến cuối năm số tiền đó chỉ còn 961 nghìn. Nhân lên với tiền tiết kiệm bạn đang có, bạn sẽ nhận ra rằng đây là một con số đáng sợ.
Ở tuổi 30, mình thấy may mắn vì bản thân đã nhận ra điều này. Không sớm nhưng cũng chẳng muộn, vì bây giờ mỗi sáng mở mắt dậy mình sẽ không còn thấy tiền cứ thế bốc hơi. Vậy bên, biết tiết kiệm là rất tốt, nhưng hãy học thêm cách chi tiêu, đầu tư để khiến tiền đẻ ra tiền hiệu quả nhất.