Cô gái Do Thái và cuốn nhật ký gây chấn động

20/06/2016 - 07:00
Nổi tiếng với “Nhật ký Anne Frank”, cuốn sách phơi bày tội ác của của phát xít Đức thuyết phục và cảm động, ít ai ngờ nó được viết bởi một cô gái 13 tuổi. Tác phẩm được dịch ra hơn 60 thứ tiếng, là nguồn cảm hứng cho nhiều vở diễn và tác phẩm điện ảnh.
Anne Frank tên đầy đủ là Annelies Marie Frank, sinh ngày 12/6/1929 tại Frankfurt am Main, Đức. Bố Anne là Otto Frank, một ông chủ ngân hàng, trước đó là một người lính; mẹ là Edith Hollander, sau khi kết hôn với ông Otto Frank đổi thành Edith Frank. Gia đình ông Frank là người Do Thái nhưng sống trong một cộng đồng cư dân nhiều chủng tộc. Cả bố và mẹ Anne đều khuyến khích con cái đọc sách từ khi còn rất nhỏ. Trong khi chị gái Margot tỏ ra có năng khiếu với môn toán, tính cách nhã nhặn, kín đáo thì ngược lại, Anne rất ham mê đọc và viết. Cô bé là người thẳng thắn, năng động và hướng ngoại.
3.jpg
 Chân dung cô bé Anne Frank.
Sau khi Adolf  Hitler lên nắm quyền vào tháng 1/1933, bắt đầu xuất hiện các cuộc biểu tình bài người Do Thái. Để tránh thảm họa phát xít, mùa hè năm 1933, ông Otto Frank bắt đầu sang Hà Lan chuẩn bị cho cuộc di cư của gia đình. Tháng 12/1933, mẹ và chị gái của Anne sang Amsterdam, Hà Lan trước, đến tháng 2/1934, Anne Frank và bố sang Hà Lan cùng gia đình sinh sống. 
Năm 1940, Hà Lan bị bọn Đức Quốc xã chiếm đóng, Anne Frank cùng gia đình ẩn náu trong một căn phòng kín tại một nhà kho ở ngôi nhà số 263 phố Princegracht, Amsterdam của gia đình cô từ tháng 9/1942 với sự giúp đỡ về lương thực, thực phẩm của một vài người bạn Hà Lan.
Gia đình Anne Frank sống an toàn cho đến ngày 4/8/1944, khi bọn mật vụ Gestapo Đức được bọn chỉ điểm báo, đã phát hiện ra căn phòng bí mật nơi ẩn náu của gia đình cô. Anne Frank và gia đình lần lượt bị chúng bắt đưa đến trại tập trung Westerbork (Hà Lan), sau đó chúng đưa họ đến trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), rồi cuối cùng đưa đến Bergen - Belsen vào tháng 9/1944. Tại đây, mẹ của Anne Frank chết vào tháng 1/1945. Còn Anne Frank và chị gái Margot chết vì bị viêm phổi cấp trong trại tập trung vào tháng 3/1945, chỉ vài tuần trước khi trại này được giải phóng.
Trong khoảng thời gian lẩn trốn phát xít Đức và sống trong trại tập trung, Anne Frank đã viết nhật ký về những gì xảy ra xung quanh mình. Ngay từ những dòng chữ đầu, Anne đã bắt đầu đề cập đến những thay đổi đáng quan ngại từ khi người Đức đến chiếm đóng. Anne miêu tả chi tiết sự đàn áp đang gia tăng như việc tất cả người Do Thái bị buộc phải mang dấu hiệu riêng là ngôi sao màu vàng khi họ ra ngoài, cùng những biện pháp hạn chế và bức hại đang phủ bóng đen lên cuộc sống của cộng đồng Do Thái tại Amsterdam. 
Sống sót sau chiến tranh, Otto Frank trở về Amsterdam và biết tin vợ cùng 2 con gái đã chết, tuy nhiên ông tìm thấy quyển nhật ký của Anne. Otto đọc nhật ký của con gái, ngạc nhiên vì không ngờ cô đã ghi lại chính xác các sự kiện diễn ra theo thời gian. Xúc động vì khát vọng của cô con gái về nghiệp văn chương, Otto bắt đầu nghĩ đến việc cho xuất bản quyển nhật ký.
Ban đầu, Otto đưa quyển nhật ký cho nhà sử học Annie Romein-Verschoor, người tìm cách xuất bản nhưng không thành công. Sau đó, bà đưa quyển nhật ký cho chồng, Jan Romein, ông này cho đăng một bài tựa đề “Tiếng kêu của một em bé” trên nhật báo Het Parool ngày 3/4/1946. Ông viết rằng quyển nhật ký "là những lời thốt ra từ một đứa trẻ, miêu tả số phận những người cố gắng trốn tránh chế độ phát xít, còn đậm nét hơn toàn bộ chứng cứ được đưa ra trong những phiên tòa ở Nuremberg". Bài viết thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản và quyển nhật ký được xuất bản năm 1947 bằng tiếng Hà Lan với tên Het Achterhuis: Dagboekbrieven van 12 Juni 1942 – 1 Augustus 1944 (Căn nhà phía sau: Những trang nhật ký từ 12/ 6/1942 – 1/8/1944). Quyển sách được tái bản vào năm 1950.
4.jpg
 Cuốn nhật ký lên án chiến tranh, chế độ phát xít có sức thuyết phục và lay động lòng người.
Năm 1952, phiên bản tiếng Anh của cuốn nhật ký lần đầu phát hành tại Mỹ với tựa đề “Anne Frank: The Diary of a Young Girl” (Anne Frank: Nhật ký của một cô gái trẻ), sau đó được chuyển thể trên 60 ngôn ngữ. Sau đó, một vở kịch dựa trên quyển nhật ký, do Frances Goodrich và Albert Hackett biên kịch ra mắt tại Thành phố New York ngày 5/10/1955 đã đoạt giải Pulitzer. Đến năm 1959, bộ phim Nhật ký Anne Frank là một thành công khi giành 3 giải Oscar.
Trong lời giới thiệu cho ấn bản đầu tiên tại Mỹ, bà Eleanor Roosevelt - phu nhân tổng thống Roosevelt đã miêu tả Nhật ký Anne Frank là "một trong những sự mô tả cảm động nhất về chiến tranh và tác động của chiến tranh đối với nhân loại mà tôi từng đọc". Năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy nhắc đến Anne Frank trong một bài diễn văn: "Xuyên suốt dòng lịch sử, đã có nhiều người nói đến nhân phẩm vào những thời điểm con người gánh chịu nhiều đau khổ và sỉ nhục, nhưng không tiếng nói nào có sức thuyết phục bằng tiếng nói của Anne Frank”. Cũng trong năm ấy, Nhà văn Liên Xô Ilya Ehrenburg gọi Anne Frank là "tiếng nói đại diện cho 6 triệu người - tiếng nói không phải của một nhà hiền triết hoặc một nhà thơ mà là của một bé gái bình thường".
Có thể nói, nhờ cuốn nhật ký này, Anne Frank là một trong những nạn nhân được biết đến nhiều nhất trong cuộc tàn sát Holocaust đẫm máu do Đức Quốc xã tiến hành dẫn đến cái chết của gần 6 triệu người Do Thái trong những năm 1941-1945.
Theo thời gian, cuốn nhật ký ngày càng trở nên nổi tiếng, được đưa vào chương trình giảng dạy tại nhiều trường học nhằm giới thiệu Anne Frank với các thế hệ sau này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm