pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái làm nghề trang điểm cho tử thi: Chỉ sợ sự bàn tán, xa lánh của những người xung quanh
Đinh Phương Loan làm nghề trang điểm cho tử thi
Làm đẹp cho người đi vào giấc ngủ ngàn thu
Mọi việc từ thoa lớp dưỡng ẩm, đánh lớp lót, kem nền cho đến kẻ mắt, tô son đều được thực hiện hệt như các bước trang điểm cho người sống. Rồi Loan tạo kiểu tóc, xịt gôm, dũa móng tay, sơn móng, đeo khuyên tai… Xong xuôi, chị lùi lại, kính cẩn cúi đầu chào, rồi thu dọn đồ nghề. Trong thân nhân của người quá cố, đâu đó có tiếng bàn luận: "Trông bà ấy (người quá cố) hồng hào, tựa như đang chìm trong một giấc ngủ"…
Trước khi đến với công việc trang điểm cho người quá cố, chị Đinh Phương Loan, 33 tuổi, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ, là một chuyên viên trang điểm cô dâu. Cuối năm 2019, trong một lần đến tiễn đưa người chị ruột của cô bạn thân, Loan nghe bạn trăn trở: "Trông chị ấy nhợt nhạt quá. Giá ai đó có thể trang điểm cho chị thật đẹp khi về cõi vĩnh hằng thì tốt biết mấy". Câu nói của người bạn khiến Loan nảy ra ý định chuyển sang nghề làm đẹp cho người quá cố.
Thế nhưng, cơ duyên để Loan thực sự bước vào nghề này một cách chuyên nghiệp là do một lần tình cờ cô gặp ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Khi Loan chia sẻ đang có dự định theo đuổi nghề trang điểm tử thi một cách chuyên nghiệp thì được ông Tuấn Anh nhiệt tình ủng hộ.
"Hiện nay, những nghệ sĩ khi về cõi vĩnh hằng thường được trang điểm rất đẹp, khiến người đưa tiễn cảm thấy người đã khuất chỉ như đang ngủ một giấc ngủ ngàn thu. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc làm đẹp cho tất cả những người quá cố như những nghệ sĩ kia, để họ cũng có một thần thái thật đẹp khi về thế giới bên kia?" - đó là trăn trở của những người quản trị tại Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên.
Mặc dù là một người make up chuyên nghiệp nhưng khi chuyển hướng sang trang điểm cho người đã mất, Loan vẫn không khỏi bỡ ngỡ. Các bước trang điểm không khác gì người sống nhưng thao tác thì nhiều hơn. Công việc trang điểm cho tử thi ở Việt Nam còn khá mới mẻ nên Loan phải tự mình mầy mò, học hỏi, rồi tự thực hành để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Loan phải nhờ bạn ở nước ngoài tìm tài liệu dịch ra tiếng Việt và gửi về cho mình.
Da mặt của người chết thường khô ráp, nhăn nheo và tím tái vì để trong phòng lạnh, do vậy việc lựa màu phấn và loại phấn cần được chú trọng. Việc trang điểm phải giữ nguyên tư thế, không được quay chỉnh nên cũng có nhiều khó khăn. Đặc biệt, quá trình làm đẹp cho người quá cố cũng phải lưu ý nhiều điều kiêng kị như không được đi vòng qua đầu, một số gia đình sẽ kiêng chuyện cắt tóc, cạo râu… - Loan chia sẻ.
Trong số cả trăm ca trang điểm cho tử thi, Loan cứ nhớ mãi về cô bé 15 tuổi qua đời vì bệnh. "Gương mặt nhỏ nhắn, thanh thoát của bé gái khiến tôi phải kiềm chế cảm xúc, cố gắng tập trung làm việc và không được để nước mắt rơi. Thậm chí đến khi về nhà, gương mặt của cô bé vẫn lưu trong tâm trí đến nhiều ngày sau đó" - Loan kể.
Không sợ nghề mà chỉ sợ…
Hỏi Loan có sợ nghề này không thì chị chỉ cười vì "không sợ người chết mà chỉ sợ lời nói gièm pha, bàn tán và sự xa lánh của người xung quanh".
Những ngày qua, khi truyền thông biết đến công việc của mình, Loan đã phải đấu tranh tư tưởng nhiều ngày rồi mới dám gọi về nhà thông báo với cha mẹ: "Con không muốn chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã rạng" - Loan tâm sự với mẹ. Mẹ chị nghe xong chỉ biết im lặng rồi cúp máy. Thế rồi những ngày sau đó, bà nhận được những lời khen từ họ hàng, làng xóm về cô con gái dũng cảm của mình, làm công việc ý nghĩa cho những người quá cố.
"Vài tuần sau, khi tôi trở về nhà, mẹ không nhắc gì đến công việc của tôi mà chỉ thổi xôi và luộc gà cho tôi đi lễ. Tôi biết, như vậy là mẹ đã ngầm đồng ý với công việc của tôi" – Loan chia sẻ.
Không may mắn được gia đình cảm thông như Loan, một người cộng sự của Loan cũng đã khá thạo nghề nhưng vẫn phải quyết định từ bỏ công việc chỉ bởi một lí do, anh chồng của cô ấy không biết trả lời ra sao khi có người hỏi "vợ anh làm nghề gì?".
Nghĩ đến người cộng sự của mình, Loan trầm ngâm tâm sự: "Mình là single mum nên có lẽ chuyện đến với nghề này cũng ít bị ràng buộc từ phía gia đình, họ hàng nhà chồng".
Soạn thảo cẩm nang hướng dẫn trang điểm tử thi
Vì dịch Covid-19 nên hiện tại dự định sẽ sang Đài Loan (Trung Quốc) để học thêm về các khóa trang điểm cho các ca khó như bị tai nạn, gương mặt biến dạng… của Loan vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi gặp Loan khi cô đang ấp ủ soạn một cuốn cẩm nang hướng dẫn cách trang điểm cho người quá cố một cách quy củ và bài bản.
"Ở nước ngoài, trang điểm tử thi là một nghề bình thường như bao nhiêu nghề khác, có cả các khoá học chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam, tất cả mới chỉ là sơ khai nên mình muốn soạn thảo một cuốn tài liệu đúc kết từ những kinh nghiệm của cá nhân mình, để truyền lại cho những ai đang muốn theo đuổi công việc này" - Loan cho biết.
Chia sẻ về cuốn cẩm nang đang soạn thảo, Loan tiết lộ, ngoài những nội dung hướng dẫn cách trang điểm cho người quá cố, cuốn tài liệu còn hướng dẫn cách lựa chọn đồ trang điểm cho người quá cố khác người sống thế nào, hệ thống những nghi lễ, thái độ, tác phong của người trang điểm tử thi, những điều kiêng kị khi trang điểm tử thi… sao cho đúng thuần phong mĩ tục của người Việt.
Đến với nghề trang điểm tử thi như một cái duyên, can đảm và dũng cảm vượt qua những dị nghị của xã hội, Loan mong muốn rằng, công việc của cô có thể truyền cảm hứng nghề nghiệp cho những người đang có ý định theo đuổi công việc này. Trên hết, Loan muốn góp một tiếng nói của mình nhằm thay đổi cái nhìn, định kiến xã hội của người Việt Nam.
"Xưa nay, người Việt vẫn coi nghĩa trang, cái chết là những gì đen đủi và không muốn nhắc đến. Thế nhưng cuộc sống đã văn minh, Việt Nam đã có những công viên nghĩa trang rất đẹp chứ không còn u ám, buồn bã; cũng có rất nhiều người còn đang sống khoẻ mạnh đã tự đi tìm đất nghĩa trang để chuẩn bị cho việc về cõi vĩnh hằng của mình. Nghề trang điểm của Loan cũng vậy, đó là một công việc ý nghĩa, mang những điều đẹp đẽ cho người quá cố, xoa dịu nỗi đau mất mát của người ở lại" - Loan chia sẻ.