Cô gái tự tay làm mâm cỗ trung thu tí hon và gần 1.000 hiện vật bằng đất sét

Trà Giang
29/09/2023 - 10:34
Chị Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ Trung thu năm 2023, chị sẽ tung ra bộ tiểu cảnh để “phá cỗ” với đầy đủ các loại trái cây, bánh trung thu, bánh nướng bánh dẻo.

Gần 1.000 sản phẩm chỉ để trưng không bán 

Trong căn phòng nhỏ khoảng 50m2 của chị Nguyễn Như Quỳnh, vô vàn tiểu cảnh, sản phẩm lớn nhỏ được trưng bày. “Mùa nào thức đó” vào dịp tết Nguyên đán, chị Quỳnh tung ra bộ tiểu cảnh lớn bao gồm mâm cúng ông Công, ông Táo cành đào cây mai và mâm cơm ngày tết cổ truyền của người Việt xưa. Ngoài ra còn có các bộ sưu tập về thức ăn như cháo lòng, bún đậu mắm tôm, sạp rau củ…

Như Quỳnh với các sản phẩm bằng đất sét do chính tay cô tạo ra.

“Mỗi lần tạo ra sản phẩm mình thường lấy ý tưởng từ những hình ảnh thực tế, chỉ khi vô tình thấy đĩa đồ ăn đẹp mắt hoặc quầy hoa quả màu sắc sinh động là mình có thể bắt đầu ngay với nó”.

Khoảng 1.000 sản phẩm nhưng không bán, chị Quỳnh chỉ để trưng bày và một số đem tặng. Việc bảo quản không khó phức tạp, chỉ cần để nơi khô ráo, thoáng mát nên nhiều sản phẩm có tuổi thọ cả gần một thập kỷ. 

“Sản phẩm lớn nhất của mình là bức tượng nàng tiên cá cao tầm 60 – 70 cm; bé nhất thì nhiều lắm, hạt cơm hay hạt vừng cũng đc coi là sản phẩm mà. Nó chỉ khoảng chưa tới 1mm thôi. Thời gian cho mỗi sản phẩm phụ thuộc vào độ khó và chi tiết của chúng. Thông thường mỗi sản phẩm mình làm sẽ mất khoảng 1-2 ngày. Có bộ sưu tập ngày tết thì mình rất kỳ công thì mất khoảng 3 tháng. Làm cực nên bán đi tiếc lắm nên mình chỉ để trưng bày và ngắm thành quả thôi”

Mâm cỗ Trung Thu với tất cả những món ăn, đồ chơi truyền thống quen thuộc được Như Quỳnh nặn và làm thủ công.

Trung thu năm 2023, chị Quỳnh đầu tư thời gian và tâm sức để làm bộ sưu tập mâm cỗ trung thu. Ngay từ những ngày đầu tháng 6, cô gái đã bắt tay vào việc làm mâm cỗ đầy đủ các loại trái cây, bánh dẻo, bánh trung thu. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hình chú cún được tỉa từ hoa bưởi và bánh con cá được làm kỳ công. Nếu không được giới thiệu là làm từ đất sét và là mô hình mini size, nhiều người có thể sẽ bị nhầm với trái cây và bánh trái thật. 

10 năm theo đuổi đam mê 

Cách đây hơn 10 năm, chị Nguyễn Như Quỳnh tình cờ đọc 1 bài báo viết về bộ môn Miriatute (làm các sản phẩm mini bằng đất sét) và bị thu hút bởi những đồ vật thu nhỏ theo tỷ lệ. Bộ môn này rất phổ biến ở Nhật Bản, tuy nhiên ở Việt Nam thì rát ít người tham gia. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đây là một trò vô bổ, tốn thời gian và công sức. Nhưng đối với chị Quỳnh dù mất tới vài tháng chỉ để tạo ra một bộ sản phẩm; hay bỏ ra rất nhiều tâm sức nhưng lại không thu lại về lới ích kinh tế thì đều xứng đáng. Vì chị được sống và làm việc với đam mê của mình. 

Cô gái tự tay làm mâm cỗ trung thu tí hon y như thật và gần 1.000 hiện vật hoàn toàn bằng đất sét nhất định không bán  - Ảnh 3.

Mâm cỗ Tết mà Như Quỳnh từng làm.

“Trước đây công việc kinh doanh của mình cũng khá bận và cũng bận con nhỏ nữa nên cũng không chơi đất sét được nhiều. Nhưng từ khi dịch bệnh công việc cũng ít đi, bé con thì bây giờ cũng lớn rồi nên mình bắt đầu trở lại với đất sét. Và những món quà quê luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho mình. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật mình muốn gìn giữ nét văn hoá dân tộc qua những món quà quê cũng như ẩm thực phong phú của người dân Việt Nam và giới thiệu nét văn hoá tuyệt vời này đến với bạn bè thế giới”.

Nặn đất sét – khéo tay thôi chưa đủ 

Những năm 2010-2012 - thời điểm chị Quỳnh bắt đầu theo đuổi môn nghệ thuật tạo hình đất sét, nguyên liệu để thực hiện rất hiếm ở Việt Nam. Chị Quỳnh phải nhờ các bạn ở nước ngoài mua hộ hoặc đặt mua ở các sàn thương mại nước ngoài. Thời gian để chờ gom nguyên liệu cũng đã mất 1 – 2 tuần. Chưa kể các kỹ thuật như tạo hình, pha màu… lúc này ở Việt Nam không có ai dạy cả. 

“Mình đã lên mạng tìm hiểu về các hướng dẫn dùng nguyên liệu và chia sẻ những bước cơ bản trên youtube và tham khảo những hình ảnh đồ ăn thực tiễn để có thể hoàn thiện những tác phẩm ban đầu. Mình dùng màu winsor and newton, màu nước tamiya; gốc màu này cho ra màu khá thực và không bị bay màu theo thời gian.  Có khá nhiều dụng cụ khác nhau, và chất liệu dụng cụ như gỗ, kim loại và silocone sẽ tương thích với mỗi mẫu sản phẩm khác nhau. Ngoài ra thì mình phải dặm màu và tạo một lớp phủ để bảo vệ sản phẩm”. 

Việc tạo ra sản phẩm có giống với bản gốc hay không còn phụ thuộc vào sự quan sát và gu thẩm mỹ của từng người. Người thực hiện phải nắm được kích thước, màu sắc, hình dáng, độ lòi lõm hay độ bóng hay mờ trên bề mặt sản phẩm… sau đó mới có thể thực hiện nó lại theo kích thước thu nhỏ. 

Như Quỳnh chăm chút đến từng tiểu tiết để có thể cho ra các sản phẩm giống đến từng chi tiết.

“Đối với mình bước nào cũng rất quan trọng trong việc tạo nên một tác phẩm hoàn hảo. Từ bước pha màu, tạo hình đến công đoạn cuối là hoàn thiện. Mỗi công đoạn đều có thể quyết định thành công của tác phẩm. Phải pha màu chuẩn thì mới giống với thực tế; cũng như cần phải tạo hình đẹp thì sản phẩm mới chi tiết và chỉn chu. Đặc biệt, bước tạo hình cũng là bước quyết định đến việc sản phẩm có đạt đến độ tinh tế hay không”.

Hiện tại, bộ môn Miriatute đã phổ biến ở Việt Nam. Việc mua đất sét dễ dàng hơn nhiều do sự phổ biến của các trang mua sắm online cũng như ngày càng nhiều công ty kinh doanh mặt hàng này. Bên cạnh đó, các bài giảng hướng dẫn thực hành cũng xuất hiện nhiều hơn, có cả các chuỗi workshop chuyên đề. Việc tiếp cận Miratute đã không còn quá khó khăn như lúc chị Như Quỳnh mới “nhập môn” nên nhiều người đã làm và kinh doanh các mô hình mini bằng đất sét. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm