Cơ duyên nào đã đưa chị bén duyên với mảng văn học thiếu nhi?
Mình vốn là con út, ngày bé thường bế ẵm các cháu cho các anh chị, hay đọc sách từ nhỏ. Chuyện mải đọc sách khiến cơm khê cũng không phải hiếm. Bố mình cũng rất hay mua sách cho đọc. Mình nhớ mãi khi học lớp 2 trường làng, được bố dắt ra cửa hàng mua cho tập thơ của Phạm Hổ, Võ Quảng dành cho thiếu nhi. Đọc mê lắm. Lớn lên, đi dạy học, công việc thường xuyên tiếp xúc với học sinh khiến mình cũng nhiễm sự trẻ trung của các em trong tâm hồn. Sự hồn nhiên ngây thơ của các bé luôn giúp mình thấy bình yên yêu đời mỗi khi giao tiếp hay tham gia các hoạt động thường ngày.
Thực ra ban đầu mình viết truyện ngắn cho đối tượng người lớn, nhưng mảng đề tài thiếu nhi vẫn luôn được mình theo dõi trong trang viết của các nhà văn ở tỉnh cũng như trong nước. Mình thấy rất thích vói những bài học qua thế giới hồn nhiên và dễ thương của các bé. Và mình bắt đầu viết, càng viết càng cảm nhận được sự thú vị khi được hóa thân trong thế giới của trẻ thơ hồn nhiên trong veo.
Chị là cô giáo cấp 3, dạy độ tuổi mới lớn với nhiều chuyện tình yêu học trò cũng như những trăn trở vào đời. Tại sao chị không chọn đề tài dành cho tuổi này mà là bắt tay vào viết cho cá em nhỏ hơn?
Mình cũng không hiểu tại sao nữa, dù có rất nhiều kỷ niệm, sự sẻ chia của học sinh lớn, nhưng mình vẫn thấy thích viết về mảng thiếu nhi, dẫu nó rất khó. Giống như đi dạy thì lớp càng nhỏ càng phải tìm phương pháp phù hợp, còn viết trueyenj thì từ ngữ phải đơn giản, dễ hiểu và cách truyền đạt cũng phải hấp dẫn được các em. Thực ra mình cũng có viết về tuổi mới lớn, nhưng hiện tại chưa có nhiều tác phẩm ở mảng này.
Được biết, chị có rất nhiều học trò là học sinh người dân tộc thiểu số. Các em có ảnh hưởng gì đến tác phẩm của chị không?
Từ khi mới trở thành cô giáo cho tới nay, mình luôn dạy ở các trường vùng cao. Ngày trước ở Lạng Sơn, rồi về Ninh Bình, cho tới khi vào Đắk Lắk, phần lớn học sinh mình dạy là các em người dân tộc thiểu số. Các em rất hồn nhiên, chân thành, đáng yêu. Chính sự hồn nhiên, trẻ trung của các em khiến mình thấy yêu và muốn khắc họa lại hình ảnh các em trong tác phẩm.
Chị viết tập truyện ngắn “Khi mẹ vắng nhà” từ bao giờ và mất bao lâu để hoàn thành nó?
Mình bắt đầu viết từ cách đây 3 năm. Do công việc giảng dạy và kiêm nhiệm cũng nhiều nên mình không dành nhiều thời gian cho việc viết được. Trong tập sách, mình kể về những đứa trẻ với những câu chuyện rất bình thường: đi học, thầy cô, bạn bè, rồi trong gia đình với những bài học các em nhận được từ thầy cô, cha mẹ và các bạn mình, và về thế giới mở ra trước mắt các em với những điều mới mẻ, đáng yêu.
Một nhà giáo đã nhiều tuổi như chị có gặp khó khăn không khi viết cho trẻ em?
Tất nhiên là khó, bởi vì mình phải nghĩ và viết, phải lý giải mọi việc như các bé. Mình rất sợ nếu viết mà “lồng” những câu, chữ, suy nghĩ không đúng với lứa tuổi các bé. Mình luôn cố gắng hình dung ra các bé sẽ nói như thế nào, làm gì trong hoàn cảnh đó để cho trang viết của mình đúng và gần các bé nhất.
Chị có quan tâm đến đề tài phụ nữ?
Mình có một tập bản thảo tản văn chừng đang tìm nơi xuất bản, tập truyện ngắn Hoa của đại ngàn và một số truyện ngắn khác có nhân vật chính là người phụ nữ trung niên, số phận không thật may mắn. Họ luôn vươn lên và hết lòng vì con. Mình cũng đã có lần thử khắc họa nhân vật nữ “nổi loạn”, đanh đá, ghê gớm… nhưng rồi lại vẫn quay lại hiền hiền. Chắc do mình không đủ “lực” để khắc họa ở kiểu nhân vật này.
Dự định sắp tới của chị là gì? Chị có tiếp tục theo đuổi dòng văn học thiếu nhi này không hay “thuận đâu viết đó”?
Mình đang ấp ủ viết một truyện vừa về tuổi học trò THPT, nhưng vẫn sẽ viết về thiếu nhi. Tuy nhiên, sẽ có sự đổi mới để khắc họa chân thực, sinh động hơn lứa tuổi thiếu nhi của thời 4.0. Hy vọng mình sẽ thực hiện được điều mình mong muốn.
Xin chân thành cám ơn chị!
Tác giả Nguyễn Thị Bích Thiêm sinh năm 1961, quê ở Phù Ninh, Phú Thọ, từng là cô giáo trường THPT Nguyễn Trãi, huyện CưM’gar, Daklak. Chị hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Daklak. Trước “Khi mẹ vắng nhà”, chị đã có tập “Hoa của đại ngàn” được xuất bản vào năm 2010. |