Cố GS Tôn Thất Tùng rất trân trọng bữa cơm gia đình

24/02/2017 - 13:53
Bà Tôn Nữ Ngọc Trân kể, dù công việc ở bệnh viện rất bận rộn nhưng trưa nào, cha bà cũng cố gắng về ăn cơm trưa với gia đình.
Trong hồi ức của bà Tôn Nữ Ngọc Trân, con gái thứ 2 của cố GS - bác sĩ Tôn Thất Tùng, ông là một người cha gần gũi, giản dị, hiền hậu. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Phụ nữ Việt Nam xin chia sẻ ký ức của bà Tôn Nữ Ngọc Trân về người cha đáng kính của mình - một người thầy thuốc đã ghi danh mình vào lịch sử Y học, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Người cha nghiêm khắc

Bà Ngọc Trân kể, dù công việc ở bệnh viện rất bận rộn nhưng trưa nào GS Tôn Thất Tùng cũng cố gắng về ăn cơm trưa với gia đình. Đó chính là thời gian ông quan tâm đến con, hỏi xem tình hình học tập của con ở trường như thế nào. Bà Ngọc Trân vẫn nhớ, mỗi khi còi ở Nhà hát Lớn cất lên là cha bà về nhà. Với xã hội, GS Tùng là 1 bác sĩ tài ba đáng kính. Với anh em bà Trân, ông là người nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu chiều và thương các con. GS Tùng thường kể cho các con nghe câu chuyện của văn học Pháp, truyện cổ tích Việt Nam.
GS Tôn Thất Tùng (tóc bạc) cùng các con và vợ chụp ảnh cùng gia đình GS Bùi Duy Tâm. Từ trái qua: Tôn Thất Bách, Bùi Duy Linh, Bùi Duy Việt Hà, GS Tôn Thất Tùng, Bà Bùi Duy Tâm (Đỗ Thị Việt Hương), Bà Tôn Thất Tùng (Vi Nguyệt Hồ), Tôn Nữ Ngọc Trân, Bùi Duy Thiện, Bùi Duy Việt Hồng, Tôn Nữ Hồng Tâm 
Khi không phải làm việc, ông lại dành thời gian chơi cùng các con. GS rất nhớ sinh nhật vợ, con. GS Tùng cũng thường tổ chức Noel và tặng quà cho các con. Điều ấy khiến hồi nhỏ, anh chị em bà Trân luôn đinh ninh, ông già Noel có thật. 'Cha tôi sinh hoạt rất giản dị. Sáng, ông dậy sớm, tự ăn sáng, tự pha cà phê và thường pha luôn cho vợ. Ông chẳng kỹ tính trong ăn uống, miễn là được ăn cơm sum họp với gia đình”, bà Trân cho biết.

Nhìn vào cha, những đứa con của GS hiểu được về giá trị của tình thân, của sự chăm sóc nhau từ những việc làm rất nhỏ. GS Tùng cũng rất quan tâm dạy ngoại ngữ (tiếng Pháp) cho con, mỗi con học theo một trình độ. Có một điều khá thú vị là, một số từ tiếng Pháp bà Trân thuộc trước tiên chính là từ liên quan đến tim, gan, ruột...
Giáo sư Tôn Thất Tùng là một người cha gần gũi, giản dị và hiền hậu
Ngày đó, bà thấy cha mình thường đọc những cuốn sách rất dày bằng tiếng Pháp, cha đặc biệt hay nhắc đến những “thuật ngữ” đó nên bà cũng “ngấm” luôn từ lúc nào. Nói là 'học' nhưng không bao giờ GS Tùng gây áp lực cho con. Ông để các con học rất nhẹ nhàng, thi thoảng GS gọi con lại kiểm tra hoặc nói tiếng Pháp với con.

Ngoài giờ học ở trường, buổi tối, người cha để cho các con thoải mái chơi. Khoảng sân nho nhỏ trước nhà là nơi trẻ con hàng phố thi thoảng kéo đến chơi trốn tìm rất vui vẻ. GS Tùng luôn rộng cửa đón những đứa trẻ vì ông quan niệm, con chơi với bạn cũng là cách học tốt. Từ nhỏ, GS đã rèn cho các con khả năng tự học và đặt niềm tin vào các con.
 
Để con tự chọn nghề

GS Tùng không yêu cầu các con phải theo nghề của cha mà để cho con tự chọn nghề. Bà Trân được sang Liên Xô (cũ) học về ngành Hóa học. Bà đã trở thành kỹ sư hóa học, về sau làm việc ở Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Khi con du học xa nhà, GS Tùng chỉ dặn con phải học sao cho tốt. Sau đó, cha con liên lạc qua những bức thư.

Trong số 3 người con của GS, có 2 người con nối nghiệp cha, đó là con trai cả Tôn Thất Bách (ông Bách là Nhà giáo Nhân dân, người có 'bàn tay vàng' đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về gan và tim nổi tiếng trong nước và trên thế giới) và con gái út Tôn Nữ Hồng Tâm, bác sĩ sinh hóa.
Bà Tôn Nữ Ngọc Trân luôn ghi nhớ những lời cha dạy năm xưa
Bà Trân kể, việc anh và em mình theo nghề Y cũng là xuất phát từ sở trường, sở thích của bản thân. GS Tùng đặc biệt đề cao tính trung thực. Bà Trân nhớ hồi học lớp 7, sau khi làm xong bài thi môn Toán, bà đã ném bài cho bạn chép. Vì chuyện này mà bà đã bị cha trách phạt tội không thật thà. GS Tùng luôn nói: 'Trong gia đình mình không có chỗ cho sự thiếu trung thực. Các con có gây ra lỗi gì thì cũng phải dũng cảm nhận, chứ không được giấu giếm'.

GS Tùng yêu thương các con như nhau, không phân biệt con trai, con gái. Con nào ngoan, chăm chỉ, biết phấn đấu thì được khen, được thưởng và ngược lại. Bà Trân vẫn nhớ như in, ngôi nhà mà gia đình bà ở, thường có các bệnh nhân tìm tới nhờ cha bà khám bệnh. Dù đi làm cả ngày vất vả nhưng GS Tùng vẫn sẵn sàng khám cho mọi người với thái độ tận tình. Bà Trân đã học được ở cha mình tính công bằng và yêu thương tất cả mọi người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm