pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cơ hội học tập và trưởng thành khi con đối diện với thất bại
Trước đây, con trai anh Minh học không đến nỗi nào. Thế nhưng, từ khi bước vào lớp 11, cậu mải mê chơi với đám bạn nên không tập trung vào việc học. Dù không trốn học nhưng sau mỗi buổi học thêm, cậu cùng bạn bè đi chơi game, đi trà đá, hút thuốc... Kết quả học tập năm lớp 11 của cậu chỉ đạt trung bình. Cậu buộc phải ra khỏi lớp chọn.
Nghe tin xấu ấy, anh Minh về mắng con xối xả. Thế nhưng, anh vẫn tìm cách xin cho con ở lại lớp bằng cách nhờ người quen tác động đến Ban Giám hiệu nhà trường. Do không toại nguyện trước quy định nghiêm ngặt của nhà trường, anh liền xoay sang phương án khác là xin chuyển cho con sang trường tốt hơn.
Anh Minh luôn nghĩ phải cố gắng làm những điều tốt nhất cho con như cho con học ở môi trường tốt. Nếu con có thất bại, anh sẽ "đồng hành" để con không phải nhận "trái đắng". Anh không biết rằng, việc để con đối diện và chấp nhận thất bại cũng là bài học quý giá cho con. Nếu biết có bố luôn xử lý hậu quả cho mình, chắc chắn con trai anh sẽ không bao giờ nhận ra sai lầm của mình để sửa chữa. Cậu sẽ nhận ra, mình không phải cố gắng, mình không phải học nhiều thì vẫn nhận được những gì tốt nhất.
Giống như anh Minh, nhiều bố mẹ rất "nỗ lực" để bảo vệ con mình khỏi thất bại. Họ sợ rằng thất bại làm cho con mình thấy tệ, con mình có cảm giác thất vọng, tiêu cực. Theo TS Cherry Vũ (New Zealand), bố mẹ càng bảo vệ con khỏi thất bại thì con càng ít có khả năng đối phó với các tình huống của cuộc sống và càng dễ gặp thất bại.
"Chúng tôi không cố gắng bảo vệ con khỏi sai lầm và thất bại vì chúng tôi không muốn tước đi những cơ hội quý giá để học hỏi của con. Với chúng tôi, thất bại mang lại lợi ích mà con không thể có được bằng bất cứ cách nào khác. Dù là một trải nghiệm tồi tệ nhưng đó lại là một món quà quý. Chúng tôi không coi thất bại là thất bại mà đó là kinh nghiệm trên con đường thành công", TS Cherry Vũ cho biết.
Theo TS Cherry Vũ, thất bại giúp trẻ em học được cách ứng phó. Bởi khi thất bại, chúng ta trải qua những cảm xúc tiêu cực và thất vọng. Khi trẻ em được bảo vệ khỏi những cảm giác này, chúng có thể tin rằng chúng bất lực và không có quyền làm chủ. Điều cần cho con không phải là tránh thất bại mà là học cách đối phó với những thất bại nhỏ.
Những thử thách thất bại nhỏ như vậy được gọi là các "sự kiện luyện thép". Bảo vệ con khỏi những sự kiện này có nhiều khả năng làm tăng tính dễ bị tổn thương của con hơn là thúc đẩy khả năng phục hồi. Khi người lớn loại bỏ thất bại để trẻ em không phải trải nghiệm nó, chúng sẽ dễ bị tổn thương hơn với những trải nghiệm thất bại trong tương lai.
Bên cạnh đó, thất bại còn giúp trẻ em hiểu được hậu quả. Bài học lớn nhất thất bại mang lại là chúng ta học được những hậu quả tự nhiên đối với những quyết định của mình. Chúng ta sẽ học được rằng: khi tôi làm A hậu quả sẽ là B. Nếu tôi không học, tôi sẽ không qua được kỳ thi; nếu tôi không chăm chỉ tập luyện, tôi sẽ bị loại khỏi đội tuyển... Trải nghiệm những kết quả này dạy cho trẻ sức mạnh của các quyết định của chúng.
Khi cha mẹ và giáo viên làm hỏng quá trình này bằng cách bảo vệ trẻ em khỏi thất bại (ví dụ nâng điểm cho học sinh, xin điểm cho con...), chúng cũng đứng trước những hậu quả tự nhiên. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được bảo vệ khỏi thất bại thường chán nản hơn và ít hài lòng hơn với cuộc sống ở tuổi trưởng thành.
Đối diện với thất bại, trẻ có cơ hội học tập và trưởng thành. Chính vì vậy, khi con thất bại, bố mẹ không cố gắng bảo vệ con khỏi cảm giác tồi tệ vì con cần cảm nhận sự cay đắng của thất bại. Chỉ khi thực sự "sống" với thất bại, con mới nhận được những bài học quý giá mà thất bại đem lại.