Cơ hội việc làm và bước tiến nữ quyền ở Saudi Arabia

04/08/2019 - 15:09
Chính quyền Saudi Arabia vừa thông qua một sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này có quyền đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn cũng như ly hôn cùng các giấy tờ khác có liên quan đến gia đình. Họ cũng được công nhận là người bảo hộ con cái khi chúng còn nhỏ. Mặt khác, phụ nữ trên 21 tuổi có thể nộp đơn xin cấp hộ chiếu mà không cần sự đồng ý từ người nam giám hộ.
Cởi trói” cho nữ giới
 
Từ nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạt động về quyền phụ nữ đã vận động để chống lại hệ thống giám hộ nam giới, mà phụ nữ luôn bị coi như những món đồ sở hữu hợp pháp trong suốt cuộc đời của họ. Họ phải xin phép một người nam giám hộ - thường là chồng, cha hoặc anh em trai để lấy hộ chiếu hoặc đi du lịch nước ngoài. Thế nhưng, hiện bất kỳ công dân Saudi Arabia nào nộp đơn đều được cấp hộ chiếu. Quy định này sẽ được áp dụng đối với cả phụ nữ trên 21 tuổi, những đối tượng trước đây phải được phép của người giám hộ nam, như chồng, cha hoặc người thân là nam giới, mới được cấp hộ chiếu hoặc tổ chức cưới hỏi.
 
saudi-women-6.jpg
Phụ nữ Saudi Arabia được trao nhiều quyền hơn

  

Ngoài ra, sắc lệnh ngày 2/8 cũng trao cho phụ nữ Saudi Arabia tư cách trở thành người giám hộ con cái khi chúng còn nhỏ. Họ có quyền đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn cũng như ly hôn cùng các giấy tờ khác có liên quan đến gia đình. Sắc lệnh mới còn bao gồm các quy định về tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ. Nội dung đổi mới ghi rõ rằng tất cả mọi công dân đều có quyền làm việc mà không bị phân biệt giới tính, tuổi tác hay khuyết tật cơ thể. Ngay khi quyết định được ban bố đã nhận được sự đồng thuận của dư luận, nhất là phụ nữ - những người chịu tác động trực tiếp của quyết định.
 
saudi-women.jpg
Phụ nữ không phải phụ thuộc vào người giám hộ là nam giới

  

Trước đó, phụ nữ Arab Saudi được cấp bản sao hợp đồng hôn nhân. Bộ Tư pháp Arab Saudi giải thích việc làm này nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ, tránh những thiệt thòi cho họ trong trường hợp có tranh chấp tài sản, chấm dứt đặc ân vốn chỉ dành cho nam giới trong nhiều thập kỷ qua tại quốc gia bảo thủ này. Việc có trong tay bản sao hợp đồng hôn nhân sẽ giúp người vợ chứng minh được quyền của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản hoặc xác định trách nhiệm nuôi con. Luật sư Saleh Al-Shabrami cho biết, quyết định này sẽ đặt dấu chấm hết cho các thủ đoạn tìm cách phủ định cuộc hôn nhân, trốn tránh trách nhiệm của các ông chồng, đặc biệt là khi họ có con chung. Thực tế, có nhiều trường hợp người chồng vì muốn chối bỏ người vợ của mình đã tuyên bố làm mất bản chính cũng như các bản sao hợp đồng hôn nhân. Việc cấp bản sao cho người vợ sẽ ngăn chặn được thủ đoạn này đồng thời tạo bằng chứng hữu hiệu về quyền thừa kế của người vợ.
 
phu-nu-arab-saudi-lai-xe.jpg
Phụ nữ được lái xe

 

Saudi Arabia cũng đã dỡ bỏ nhiều lệnh cấm và cho phép phụ nữ đi bầu cử, được làm việc trong quân đội, được chơi thể thao và đi đến sân vận động. Đặc biệt, từ tháng 6/2018, lệnh cấm lái xe dành cho phụ nữ ở nước này cũng chính thức đi vào dĩ vãng. Giới chức Saudi Arabia đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử bằng việc bắt đầu cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ, các sân vận động ở nước này sẽ mở cửa cho nữ giới đến xem bóng đá. Sắc lệnh đó là một phần trong chương trình cải cách về vấn đề bình đẳng giới của quốc gia này.
 
Ngày 9/7/2018, Bộ Tư pháp Saudi Arabia cho biết phụ nữ nước này lần đầu tiên được phép trở thành công chứng viên, theo đó 12 người đã được cấp phép bắt đầu hành nghề. Với tư cách công chứng viên, phụ nữ tại nước này có thể chứng thực hoặc tước bỏ quyền ủy nhiệm, chứng nhận những văn bản giúp thành lập công ty hoặc chuyển nhượng tài sản.
 
Phụ nữ nước này còn được phép khởi sự kinh doanh riêng mà không cần có sự đồng ý của người thân là nam giới. Đây được đánh giá là một sự thay đổi lớn trong hệ thống giám hộ nghiêm ngặt đối với phụ nữ vốn tồn tại ở nước này trong nhiều thập niên qua.Truyền thông Saudi Arabia cũng như thế giới đánh giá cao quyết định trên. Báo giới cho rằng chính phủ nước này hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội cởi mở hơn, trong đó chú trọng sự hội nhập của phụ nữ trong các tầng lớp xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khu vực tư nhân đang phát triển nhanh chóng.
 
Tầm nhìn 2030
 
Saudi Arabia từ lâu đã được biết đến là nước có những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ. Họ phải sống lệ thuộc vào đàn ông và chịu nhiều bất công trong xã hội. Chính Vua Abdullah, người qua đời ở tuổi 91 năm 2015, đã góp phần quan trọng nhằm tăng thêm quyền và cơ hội sống tốt hơn cho nữ giới ở đây. Ngày 12/12/2015, Saudi Arabia là nước cuối cùng trên thế giới mà phụ nữ được thực hiện quyền của mình trong cuộc bầu cử các hội đồng thành phố. Chính cuộc bầu cử gửi tín hiệu mạnh mẽ cho xã hội rằng, phụ nữ đang tiếp tục cuộc “trường chinh” tham gia nhiều hơn vào đời sống cộng đồng.
 
mohammed-bin-salman.jpg
Thái tử Mohammed bin Salman

  

Năm 2017, chỉ có khoảng 22% phụ nữ trưởng thành tham gia lực lượng lao động nhưng chính quyền Riyadh muốn con số này tăng lên thành 30% vào năm 2030 trong kế hoạch cải cách kinh tế dài hạn của mình. Kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman (32 tuổi) được trao quyền kế vị tháng 11/2017, nhiều quy định hà khắc với phụ nữ Saudi Arabia đã được cởi bỏ, mang đến luồng gió mới tại vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh này. Việc dỡ bỏ lệnh các lệnh cấm giúp phụ nữ có nhiều cơ hội việc làm và tính đến năm 2030 sẽ đóng góp thêm 90 tỉ USD cho tăng trưởng kinh tế ở Saudi Arabia.
 
sarah-al-suhaimi.jpg
Sarah al-Suhaimi - Nữ Chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán quốc gia

  

Bước tiến rõ nhất là Sở giao dịch chứng khoán Arab Saudi đã chỉ định bà Sarah al-Suhaimi làm nữ Chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán quốc gia, còn gọi là Tadawul. Đây là sàn lớn nhất ở Trung Đông với tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 320 tỉ USD. Ngoài ra, thị trường tài chính và ngân hàng của vương quốc này cũng do phụ nữ nắm giữ. Một trong những ngân hàng chủ chốt của Arab Saudi là Samba Financial Group đã quyết định trao trọng trách cho Rania Nashar làm CEO. Một ngân hàng khác là Arab National Bank đã bổ nhiệm Latifa Al Sabhan làm Giám đốc tài chính.
 
saudi-women-5.jpg
Lính cứu hỏa nữ

  

Mặt khác, lần đầu tiên trong lịch sử vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia, 2 cô gái Ghaziyah Al-Dossari và Abeer Al-Jaber trở thành lính cứu hỏa. Đây là một phần trong cuộc cải cách sâu rộng nhằm trao quyền cho phụ nữ phù hợp với “Tầm nhìn 2030” mà đất nước này đề ra.
 
reema-bint-bandar.jpg
Công chúa Reema bint Bandar

  

Tháng 2/2019, Saudi Arabia đã bổ nhiệm Công chúa Reema bint Bandar làm đại diện ngoại giao tại Mỹ. Đây là nữ đại sứ đầu tiên trong lịch sử của vương quốc này. Điều đó càng khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội Arab.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm