Có lấy chồng cũng chưa dám sinh con

25/06/2016 - 22:38
Thu nhập thấp và áp lực công việc đang bị coi là những rào cản khiến nhiều công nhân tại các khu công nghiệp ngại lập gia đình và sinh con.
Nguyễn Thị Thủy 27 tuổi, nhà ở Phố Nối (Mỹ Hào, Hưng Yên). Hiện, Thủy đang là công nhân trong Khu công nghiệp Phố Nối A, cách nhà chừng 3 cây số.

Vợ chồng Thủy làm đám cưới đã hơn 2 năm. Theo lời mọi người, tuổi của Thủy cũng không còn trẻ trung gì, tuy nhiên đến giờ Thủy vẫn cứ thấy ngại ngần, chần chừ về việc có nên sinh con ngay hay không.

Thủy bảo, vợ chồng cô đi làm cả ngày, suốt từ sáng đến tối, mỗi tháng mỗi đứa mới chỉ mang về nhà được hơn 4 triệu tiền lương. Số tiền đó, Thủy phải lên kế hoạch từng khoản cụ thể thì mới chi tiêu cho 2 gia đình (là gia đình nhỏ của Thủy và gia đình lớn là bố mẹ đẻ của cô và em gái).

Bố mẹ Thủy sức khỏe yếu, không làm gì ra tiền cả. Em trai cô đang chuẩn bị sang năm tới thi vào Đại học. Thủy cho biết: “Em đang phải cố gắng lắm thì mỗi tháng mới có thể để ra được từ 700 ngàn đến 900 ngàn cho đứa em có tiền đi đóng học hàng tháng và học thêm. Nếu em sinh con ngay thì em sợ mình vừa phải nghỉ làm, mất thu nhập. Tiền lương công nhân của chồng em chắc chắn không thể trích ra được phần nào để giúp em của em trong việc học được. Thế là vợ chồng em cứ luôn phải bàn tới bàn lui. Có lẽ, chúng em sẽ cố hoãn bầu bí cho tới tận tháng 6 năm sau, khi em của em học xong lớp 12 thì mới có thể tính tiếp”.
Gần đây, tình trạng lao động di cư là nữ từ nông thôn ra thành phố đang có xu hướng ngày một gia tăng và trẻ hóa về độ tuổi. Khoảng trên 40% phụ nữ là lao động tự do như giúp việc nhà, buôn bán đường phố, gội đầu cắt tóc… còn lại, gần 60% là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, xưởng may dệt… Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 212 khu công nghiệp đang hoạt động với hơn 2,4 triệu công nhân, trong đó 60%-70% là lao động nữ nhập cư.
Bùi Thị Hạnh (SN 1989) đã rời quê lên phố làm việc trong Khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) được gần 5 năm. Tại đây, Hạnh gặp Bình và hai người làm đám cưới vào tháng 8/2013. Xấp xỉ 3 năm rồi nhưng Hạnh – Bình vẫn là “vợ chồng son”.

Hỏi về lý do chưa sinh con, Hạnh cho biết: “Có nhiều cái khó lắm, nhưng cái chính vẫn là thời gian và tiền”. Hồi mới cưới, tổng thu nhập vợ chồng được hơn 6 triệu. Hai người tính giảm chi tiêu bằng việc đi thuê nhà ở vùng “sâu, xa”, cách chỗ làm 4 cây số cho rẻ. Nhưng họ không ở được lâu vì trời mưa, lối đi và khu nhà ở hay bị ngập úng. Nếu làm ca đêm, sáng đạp xe về rất kiệt. Về sau, hai vợ chồng chuyển về thuê trọ ở ngay gần chỗ làm, nhưng chi phí và thời gian thì căng.

Hạnh kể: “Hiện tại, để có mức lương lên được gần 9 triệu, chúng em phải đi làm đêm, tăng ca nhiều. Mà, để nhận đủ mức lương ấy, thì cứ phải làm suốt. Giờ, tiền nhà cộng điện nước (phải trả giá cao) là mất tổng 2,4 triệu. Trung bình mỗi bữa, mỗi người chỉ được chi 10 ngàn đồng (chủ yếu ăn rau, đậu, trứng…), cộng thêm việc mua dầu ăn, mì chính, nước mắm, một tháng cũng hết hơn 2 triệu nữa.
Với hơn 3 triệu còn lại, em để dành cho việc thi thoảng gửi về quê lo việc rồi tiền tàu xe. Ở trên này thì phải lo cho những thứ thiết yếu nữa là thẻ điện thoại, thuốc đánh răng, xà phòng, dầu gội, băng vệ sinh…

Việc mua sắm cá nhân, tụi em rất hạn chế. Nếu có ngày vợ chồng rủ nhau đi siêu thị, chỉ là vào cho mát và ngắm nghía thôi. Gần năm nay bọn em không sắm quần áo mới. Một phần vì tiết kiệm, phần khác, nếu có phơi, không trông kỹ, là mất luôn. Chỉ có dép thì em có mua mới, vì đi bộ đi làm nhiều nên nó hay bị rách. Mà cũng may, bọn em đều ít ốm nên chưa tốn tiền thuốc thang”.
Thực tế hiện nay, thu nhập thấp và áp lực công việc cũng đang bị cho là những rào cản lớn nhất khiến số đông công nhân tại các Khu công nghiệp không dám lập gia đình và sinh con (Ảnh minh họa).

Khi được hỏi về số tiền tiết kiệm hàng tháng và kế hoạch sinh con, Hạnh chia sẻ: “Khéo chi lắm thì cũng có tháng em để ra được gần 1,1 triệu. Chúng em cố tích cóp thêm vài năm nữa mới dám tính chuyện con cái. Giờ mà sinh, em chỉ có nước về quê. Còn sinh con mà em ở lại Hà Nội thì không thể. Hiện sống như tụi em là đã quá căng về thời gian rồi (tăng ca phải làm hơn 10 tiếng, làm đêm suốt). Sống cũng tằn tiện chắt bóp. Nếu có con nữa,  em phải nghỉ làm 1 thời gian (thu nhập sẽ giảm 1 nửa) rồi còn bỉm sữa, cháo thịt, quần áo, ốm đau, gửi trẻ…, sẽ không xoay nổi”.

Theo số liệu từ Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam khi xem xét về “Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân trong các Khu công nghiệp hiện nay”  (2016) với sự tham gia  của 1.500 công nhân đang làm việc ở các Khu công nghiệp tại 9 tỉnh/thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, kết quả đang có tới 47,5% công nhân được khảo sát cho rằng họ không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi con, 21,8% phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp. 24,6% công nhân cho rằng có tình trạng cưới rồi không dám sinh con vì kinh tế khó khăn.

Ngoài ra, có tới 79,1% cho rằng không có tích lũy; 69,7% không có nhà cửa ổn định; 38,2% sợ ốm đau không có tiền chữa bệnh; 29,2% lo lắng công việc không ổn định...
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm