pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có một cây cầu ngói cổ ở ngay Hà Nội
Cây cầu ở Đình Bình Vọng
Làng khoa bảng
Bình Vọng nằm trên thế đất được gọi là "quần sơn la bái". Một lần, có người xem phong thủy tên Tả Ao đi qua làng và phán rằng: "Bình Vọng tựa như vân tán, thế địa linh tất sinh nhân kiệt". Vào đầu thế kỷ XV, người dân Bình Vọng đã làm ra rượu sen tiến Vua, được danh nhân Nguyễn Trãi liệt kê trong tác phẩm "Dư địa chí". Sách "Đại Nam nhất thống chí" còn nhắc đến Bình Vọng là một làng lớn, đông dân, là nơi tập trung chợ búa, đi kèm câu ca dao "xứ Nam nhất chợ Bằng, Vồi". "Bằng" là tên gọi dân gian của làng Bình Vọng, "Vồi" là tên gọi dân gian của làng Khê Hồi giáp đó.
Thế kỷ XVI, làng Bình Vọng có nhiều người đỗ đạt cao và ra triều đình làm quan; trong đó nổi tiếng là Trần Lư đỗ tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1502); Nguyễn Hữu Đăng đỗ tiến sĩ năm Đinh Mùi (1667); Lê Nguyễn Thường (Lê Trọng Thường) đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1772); Lê Tông Quang, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Ngọ (1822); Nguyễn Tông (Nguyễn Trữ) đỗ tiến sĩ năm Kỷ Sửu (1829).
Cầu ngói đặc trưng của làng quê Bắc bộ
Làng Bình Vọng có ngôi đình rêu phong. Nơi đây lưu giữ nhiều di vật quý của làng, tiêu biểu như tấm bia "Bình Vọng xã đình bi" được tạo năm Vĩnh Tộ thứ ba (1613), ghi rõ 6 điều lệ làng sẽ xử người phạm tội trộm cắp, nói tục, cố ý gây thù kết oán... Ngoài ra, bia khắc năm Phúc Thái thứ 4 (1646) nêu rõ quy ước của làng về ruộng đất: "Ai cậy quyền thế lấn chiếm đất công sẽ bị xử tội, ai trốn chạy thì bắt anh em thay thế và tịch thu ruộng đất hoặc phạt 100 quan tiền". Bia tạc năm Khánh Đức thứ hai (1650) kể về bà đồng Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh giỏi tiên tri, được Chúa Trịnh phong tước hầu, cấp cho 92 mẫu 3 sào đất. Trước khi mất, bà đã hiến cho làng số ruộng đó và mua thêm 21 mẫu ruộng tư cho làng phụng thờ tế tự...
Đình Bình Vọng có một cái ao lớn, xung quanh có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát. Tiêu biểu, đình có một cây cầu bắc qua ao có kiến trúc đặc trưng cho làng quê Bắc bộ Việt Nam. Không có tư liệu chính thức ghi rõ năm xây dựng cây cầu nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì có lẽ cầu được xây dựng vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI. Năm 1940, do ảnh hưởng của chiến tranh nên cầu bị hư hại nặng, đến năm 2000 thì được tu sửa lại theo phong cách cũ.
Cây cầu được xây theo kiểu "Thượng gia hạ kiểu", trên là nhà, dưới là cầu, gồm 7 gian, 5 gian thông thủy và 2 gian ở 2 đầu cầu. Thân cầu được làm bằng gỗ lim, có chiều rộng hơn 3m và chiều dài gần 20m. Bên trong cầu có 2 bục gỗ để khách nghỉ chân, ngắm cảnh. Hệ thống vì kèo, cột được chạm khắc rất công phu, ghép nối với nhau chắc chắn. Các cột ngang đỡ sàn cầu đều được chạm hình đầu rồng, ngói được lợp bằng ngói mũi hài, 4 góc mái đều được làm cong vút và có đan xen một số biểu tượng Phật giáo như bánh xe kinh luân, chữ "Vạn"; ngoài ra 2 bên đầu cầu còn có cặp ghế đá làm theo kiểu cổ...
Ở đầu cầu và hồ nước rộng lớn là hàng cây cổ thụ trên 200 năm tuổi, cao chừng 30 mét, bóng rợp mát quanh năm nên không khí rất trong lành. Đặc biệt, vào độ tháng 5, hoa sen nở thơm ngát, ngồi trên cầu ngắm sen nở mang lại một cảm giác yên bình đến lạ thường. Không gian văn hóa này đã được dân làng Bình Vọng bảo tồn hàng trăm năm nay. Có thể nói, cầu đình làng Bình Vọng có giá trị lịch sử nghệ thuật không kém gì chùa Cầu ở Hội An, mang đặc trưng văn hóa làng quê Bắc bộ, có niên đại cao và được gìn giữ nguyên trạng đến ngày nay.