Những câu hỏi đặt ra khi trùng tu cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế

Phạm Phước Châu
02/05/2020 - 13:07
Những câu hỏi đặt ra khi trùng tu cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế
Cầu ngói Thanh Toàn được xem là "trái tim du lịch" của làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Với lối kiến trúc "Thượng gia, hạ kiều" (trên nhà dưới cầu) cây cầu này xứng danh cùng chùa Cầu Hội An, cầu ngói Phát Diệm (Ninh Bình), cầu ngói chợ Thượng, cầu ngói chùa Lương (Nam Định). Đây là 5 cây cầu hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Năm 1990, cầu ngói Thanh Toàn được công nhận là Di tích văn hóa cấp Quốc gia.

Những câu hỏi đặt ra khi trùng tu cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế - Ảnh 1.

Cầu ngói Thanh Toàn trước khi bắt đầu hạ giải

Cây cầu dài 43 thước mộc (khoảng 18,75m), rộng 14 thước (khoảng 5,82m) được xây dựng vào năm 1776 bởi sự phát tâm của bà Trần Thị Đạo, vợ một vị quan cấp cao dưới triều vua Lê Hiển Tông. Cây cầu được xây dựng với mục đích để dân làng qua lại thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Đến ngày nay, cây cầu là điểm nối để làng Thanh Thủy Chánh được du khách biết tới, là động lực mở ra dịch vụ du lịch "Chợ quê ngày hội" diễn ra trong mùa Festival Huế.

Trong 244 năm tồn tại, cầu ngói Thanh Toàn đã được trùng tu nhiều lần. Năm 2020, một lần nữa cây cầu lại được trùng tu. Lần trùng tu này một phần tu bổ lại cây cầu, một phần là để khắc phục một số hạn chế của những lần trùng tu trước. Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 với mức đầu tư hơn 13 tỉ đồng, thực hiện trong 3 năm. Cây cầu chính thức được hạ giải ngày 17/4 vừa qua. Tuy nhiên, sau khi di tích cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải, nhiều người dân và dư luận có ý kiến bày tỏ lo ngại công tác trùng tu sẽ khiến di tích này mất đi giá trị nguyên bản. Nhất là khi tấm pano giới thiệu về công trình sau khi được trùng tu có màu sắc sặc sỡ, nhiều người ví như "chùa Tàu". Trả lời về vấn đề này, ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thị xã Hương Thủy, đơn vị chủ đầu tự dự án, nói rằng, pano giới thiệu về công trình do được thiết kế trên phần mềm 3D nên màu sắc có phần sặc sỡ. Ông cam kết sẽ tuân thủ nguyên tắc sử dụng vật liệu, chất liệu như cũ, màu sắc đúng nguyên bản. Tuy nhiên, một số người vẫn lo lắng cho số phận cây cầu, không biết sau lần trùng tu này có còn được như xưa?

Những câu hỏi đặt ra khi trùng tu cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế - Ảnh 2.

Cầu ngói Thanh Toàn đang trong quá trình trùng tu

Trao đổi với những người thợ trực tiếp thi công, được biết, không chỉ sử dụng vật liệu, chất liệu như cũ, họ cũng sẽ tái sử dụng tối đa các bộ phận kết cấu bằng gỗ vẫn còn đảm bảo chất lượng, đồng thời thời gian trùng tu dự kiến là trong khoảng 1 năm. Khi chúng tôi đến tận nơi tìm hiểu thì việc hoàn thành đúng tiến độ cũng là một câu hỏi khi số công nhân thi công khá ít. Đặc biệt, những vật liệu tháo từ cây cầu cũ, hầu hết là gỗ gồm các thanh dầm, cột, trướng đều để ngoài trời không che đậy. Trong khi đó, hiện Thừa Thiên Huế đã bắt đầu bước vào mùa mưa.

Dư luận băn khoăn bởi năm 2017, một di tích nổi tiếng của Huế sau khi trùng tu cũng đã chịu nhiều phản ứng trái chiều đến từ người dân đất Cố đô nói chung và người yêu lịch sử riêng, đó là Đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong, thường được người dân gọi là Bia Quốc học vì vị trí nằm đối diện với trường Quốc Học. Đài tưởng niệm chiến sỹ trận vong được xây dựng vào năm 1920 nhằm tưởng niệm những binh sỹ người Pháp và người Việt ở Trung Kỳ đã thiệt mạng vì sự nghiệp giúp nước Pháp đánh Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Kiến trúc này vốn mang một màu sắc cổ kính rêu phong nhưng sau khi trùng tu bia Quốc Học đã trở nên lòe loẹt. Những yếu tố về lịch sử, kiến trúc dường như không còn được bảo tồn, không còn đảm bảo được những giá trị nguyên thủy như một công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu.

Cũng bởi vì "tấm gương" Bia Quốc Học, người dân xứ Huế cảm thấy lo lắng cho cầu ngói Thanh Toàn sau trùng tu cũng là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Chỉ mong rằng sẽ đúng như lời của bên thi công công trình cam kết, rằng cây cầu sau trùng tu vẫn sẽ giữ lại được màu sắc kiến trúc nguyên bản của mình. Để cầu ngói Thanh Toàn là điểm đến trong các kỳ Festival của Huế.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm