Một sáng mùa xuân ở cao nguyên, khi những hạt sương còn đọng trên lá, khi những nụ hoa rừng đang khép hờ chờ ánh nắng ban mai lên để khoe sắc thắm, bất chợt tôi nghe một giọng hát cao vút cất lên: Chim Kơ-tia bay tới, nghiêng cánh chào Đăk-krông. Pơ-lang khoe sắc thắm, gió đưa hương đôi bờ... Cảm xúc trong thời khắc ấy, với tôi, như mật ong, như mùi thơm hoa dại mà đất rừng, con người Tây Nguyên ban tặng...
Vẻ đẹp mùa xuân không chỉ ở thiên nhiên đất trời mà còn là ở chính con người. Hãy lắng nghe ca khúc bằng trái tim mình, bạn sẽ thấy rõ nhạc sĩ Tô Hải đã phát hiện ra nét đẹp của mùa xuân trong những con người chủ thể của vùng Tây Nguyên. Trong tiếng chiêng rộn rã, trong tiếng bước chân dồn dập vượt Trường Sơn của đoàn quân giải phóng, người Tây Nguyên đang sát cánh bên nhau tìm cho mình, cho tổ quốc mùa xuân đích thực – mùa xuân của tự do, mùa xuân của vĩnh hằng.
Phải là người am hiểu về văn hóa, nếp sống và lối nghĩ của người Tây Nguyên, nhạc sĩ Tố Hải mới có thể viết được một ca khúc cách mạng tự nhiên, giản dị và cuốn hút đến vậy. Những lời ca ngợi Đảng, Bác Hồ được tuôn ra mộc mạc, hồ hởi, chân thật và tràn đầy sự lạc quan, tin yêu: Tây Nguyên ta uống nước, một nguồn nước cách mạng, một nguồn nước Bác Hồ. Ê… hê! Ta gọi mùa xuân tới cho tiếng ca đồn vang. Ta gọi mùa xuân tới cho tiếng chiêng rộn ràng…
Không chỉ chinh phục người yêu nhạc bởi ca từ đẹp mộc mạc, giản dị, Đăk-krông mùa xuân về còn khiến người ta mê say bởi nhịp điệu bài hát, bởi cao độ của nhạc, lúc vừa phải lúc lại mãnh liệt, ào ạt. Nhịp điệu bài hát như dòng chảy của những con sông Tây Nguyên - thiết tha, dữ dội, trầm hùng; và như tính cách của người Tây Nguyên – đam mê, quyết liệt, hết mình...
Những con sông đã gắn bó với bao thế hệ người Tây Nguyên
Nhạc sĩ Tố Hải từng chia sẻ, ông viết Đăk-krông mùa xuân về không nhằm vào một địa danh nào cụ thể. Người Tây Nguyên thường gọi “đăk” là nước, “krông” là sông, và nhạc sĩ đã lấy một hình ảnh tượng trưng để nói về những con sông Tây Nguyên, những con người Tây Nguyên. Dòng sông trong bài hát là hình tượng con sông lớn, sông cách mạng, đang ào ạt tuôn chảy. Nhưng, với nhiều người, vẫn có một con sông có tên gọi Đăk-krông đang chảy trong âm nhạc và trong cuộc sống.
Với tôi, một người sinh ra ở xứ Bắc nhưng đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, mỗi khi nghe Đăk-krông mùa xuân về là mỗi lần nhịp tim bồi hồi, xao xuyến. Mà làm sao trái tim có thể không xao xuyến, không dâng trào cảm xúc khi nghe những câu hát như dòng thác trào dâng: Đăk-krông ơi! Tây Nguyên ơi! Tôi hát cho dòng sông Đăk-krông luôn chay xiết, tôi hát cho nhà Rông đêm ngày thêm đỏ lửa, cho tiếng đàn T’rưng vang vang dòng suối Đăk-krông ơi! Dòng sông thương nhớ nối đôi bờ mùa xuân… Quả thực, bài hát, cũng như dòng sông Tây Nguyên, đã trở thành cầu nối đôi bờ mùa xuân, để tôi thêm yêu hơn Tây Nguyên và thêm nhớ hơn nơi tôi đã sinh ra, đặc biệt là khi xuân về, tết đến...
Đăk-krông mùa xuân về được nhạc sĩ Tố Hải viết lời 1 năm 1968, đến tận năm 1975 mới hoàn thành lời 2. Ngay sau đó, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và ca sĩ Kiều Hưng là người đầu tiên thể hiện bài hát này. Sau Kiều Hưng, nhiều ca sĩ đã gắn tên tuổi mình với ca khúc này như Trọng Tấn, Hoàng Hải Đăng...