pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có nên ép nước từ nhiều loại rau lá xanh cùng nhau không?
Nước ép rau xanh (Green Juice) là một xu hướng đang rất được quan tâm. Nước ép rau xanh sử dụng hầu hết các nguyên liệu là các loại rau và có thể thêm (hoặc không) một ít hoa quả. Loại nước ép này được cho rằng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ lượng đường thấp và rất nhiều diệp lục.
1. Nước ép rau xanh có tốt cho sức khỏe không?
Không có công thức chính xác cho một cốc nước ép rau xanh nhưng các loại rau thường được sử dụng có thể kể đến như cần tây, cải xoăn, rau bina, dưa chuột, bạc hà, bắp cải, bí đao,...
Do nước ép rau xanh thường có xu hướng đắng nên sẽ được thêm một lượng nhỏ trái cây để dễ uống hơn. Những loại trái cây này có thể có hoặc không có màu xanh, giúp làm ngọt nước ép và giúp cốc nước ép rau xanh dễ uống hơn. Có thể kể đến như táo, quả mọng, kiwi, chanh, cam và bưởi.
Vậy uống nước ép rau xanh có tốt cho sức khỏe không?
Nước ép rau xanh mặc dù không thể thay thế cho chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh nhưng một cốc nước ép rau xanh ít đường, giàu dinh dưỡng cũng có thể đem lại một số lợi ích sức khỏe gần như khi ăn nhiều trái cây và các loại rau củ.
- Nguồn dinh dưỡng dồi dào
Theo Healthline, rau xanh và nước ép rau xanh đều là nguồn vitamin, khoáng chất thiết yếu và các hợp chất thực vật tuyệt vời, chẳng hạn như vitamin A, vitamin C, vitamin K, sắt, selen, kali, maige, phốt pho, axit folic, canxi,... Tất cả đều đã được chứng minh là giúp cải thiện và tăng cường sức khỏe tổng thể, góp phần vào chế độ ăn uống cân bằng.
- Giảm viêm
Một nghiên cứu năm 2020 trên NCBI đã chỉ ra rằng, các loại rau lá xanh thường chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao như niacin, axit béo omega-3, flavonoid, polyphenol, carotenoid hay hợp chất sulforaphane,...
Các hợp chất này có thể cung cấp các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Từ đó giảm nguy cơ gặp phải các tổn thương do stress oxy hóa gây ra. Stress oxy hóa có liên quan tới các tình trạng sức khỏe như đột quỵ, thiếu máu, huyết áp cao, tiểu đường và một số bệnh ung thư. Nhóm hợp chất này cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, khả năng miễn dịch, sức khỏe tim, xương và da.
- Hỗ trợ hệ vi sinh vật đường tiêu hóa
Theo Healthline, có một số bằng chứng cho thấy một số hợp chất trong nước ép rau xanh tươi có thể hoạt động như prebiotic. Prebiotic là một loại chất xơ nuôi các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa, thúc đẩy sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Từ đó giúp cải thiện chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ táo bón và góp phần ổn định cân nặng.
- Dễ tiêu hóa, có lợi cho người mới phẫu thuật tiêu hóa
Một số người mới thực hiện các phẫu thuật tại đường tiêu hóa như dạ dày hoặc ruột có thể hưởng lợi từ nước ép rau xanh do nó dễ tiêu hóa hơn rất nhiều so với các thực phẩm giàu carbs khác, điều này sẽ giúp quá trình phục hồi vết thương tốt hơn do hệ tiêu hóa không bị gia tăng gánh nặng.
Tùy từng tình trạng bệnh cụ thể mà người bệnh có thể uống nước ép rau xanh các loại khác nhau. Tốt nhất hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên về việc các loại rau nào bạn nên và không nên uống.
- Tăng cường hydrat hóa
Hydrat hóa đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và duy trì hoạt động trơn tru của các cơ quan trong cơ thể. Sử dụng các thành phần giàu nước như dưa chuột, bí đao,... có thể giúp cốc nước ép của bạn giàu nước hơn, góp phần tăng cường hydrat hóa cho cơ thể.
- Có thể có lợi cho việc giảm cân
Ngoài bù nước cho cơ thể thì nước ép ray xanh có thể tác động tới hệ vi khuẩn đường ruột, thúc đẩy giảm cân tạm thời. Theo MedicineNet, một nghiên cứu trên người uống nước ép rau xanh đã giảm tới 1,4kg và hiệu quả giảm cân kéo dài tới 2 tuần. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về tác động của các thành phần trong nước ép rau xanh tới việc giảm cân như thế nào trước khi kết luận chính xác.
2. Nhược điểm của nước ép rau xanh là gì?
Mặc dù có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng nước ép rau xanh cũng có thể có những nhược điểm tiềm ẩn như:
- Ít chất xơ
Về bản chất, nước ép trái cây và rau củ đã loại bỏ phần lớn chất xơ trong đó. Chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể như: Giúp cải thiện tiêu hóa, cải thiện lượng đường trong máu, kiểm soát cholesterol và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.
Do hàm lượng chất xơ trong nước ép rau xanh tương đối thấp nên bạn cần bổ sung thêm rau củ trong các bữa ăn hàng ngày.
- Có thể làm tăng lượng đường trong máu
Nước ép có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, chủ yếu là do lượng đường trong trái cây và nước ép rau xanh thiếu chất xơ và protein. Để tránh điều này, hãy kết hợp nước ép rau xanh với bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ cung cấp chất xơ và protein. Một số loại thực phẩm tốt nhất để kết hợp với nước ép xanh bao gồm: Yến mạch, các loại hạt, protein nạc.
Người bị tiểu đường nên tránh uống nước ép rau xanh, thay vào đó nên ăn rau củ và trái cây tươi trực tiếp để nhận được thêm chất xơ và protein, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.
- Có thể ảnh hưởng tới thận
Rau xanh có hàm lượng oxalat cao, được coi là chất kháng dinh dưỡng. Oxalat liên kết với các khoáng chất trong thực phẩm và ngăn không cho ruột hấp thụ chúng, có thể dẫn đến sỏi thận và thậm chí là suy thận. Người mắc bệnh thận và có nguy cơ bệnh thận cần tránh uống nước ép rau xanh để tránh các tác hại này khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Như vậy có thể thấy, bạn có thể ép nước từ nhiều loại rau lá xanh khác nhau để nhận được thêm nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên cần cân nhắc tới một số loại rau củ có thể tương tác với nhau dẫn tới các phản ứng bất lợi. Trước khi ép, đảm bảo rửa sạch tất cả rau củ để loại bỏ chất bẩn và hóa chất bám trên bề mặt.
Nếu đang điều trị bệnh sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống nước ép rau xanh bởi có một số loại thuốc có thể tương tác với một vài loại rau xanh nhất định như: Thuốc chống đông máu, thuốc huyết áp, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc suy tim,...