pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô sinh viên với khát vọng về một môi trường xanh
Đỗ Thị Ngọc (bên trái) trong một buổi workshop - Vì môi trường xanh tại trường Tiểu học Thực hành Nguyễn Tất Thành
Cô sinh viên đến từ quê Yên Bái chia sẻ, ngay từ ngày nhỏ, cô đã đã có sở thích trồng các loại cây bonsai, hễ thấy những loại cây lạ đáng yêu, dễ chăm sóc là Ngọc lại đem về trồng trong chậu nhỏ.
Khi lớn, niềm đam mê ấy của cô vẫn không hề vơi đi, ngôi nhà nhỏ của gia đình cô tràn ngập loại cây cảnh và loài hoa đầy màu sắc do tự tay cô chăm sóc. Nhưng Ngọc cho biết, đam mê của mình không chỉ dừng lại đơn giản là tô điểm cho chính ngôi nhà của bản thân mà cô muốn đem niềm đam mê của mình lan tỏa ra cộng đồng.
"Chính vì vậy, mình đến với công tác bảo vệ môi trường không chỉ là đến với chính đam mê của bản thân mà còn là khát vọng về một môi trường xanh - sạch - đẹp, hiện đại, đáng sống trong tương lai. Hành trình về sau có thể lâu dài và khó khăn nhưng với lòng nhiệt huyết, mình tin mỗi người trong chúng ta sẽ hành động vì môi trường từ những điều nhỏ dần dần góp thành những điều lớn lao", Ngọc chia sẻ.
Ngay khi bước chân vào giảng đường Đại học, niềm khao khát của Ngọc như đôi cánh được tiếp thêm sức mạnh. "Đội Vì Môi trường" của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính là nơi mà Ngọc được sống với đam mê, nơi thể hiện bản thân và góp một phần sức lực nhỏ bé cho môi trường.
Là đội trưởng "Đội Vì Môi trường" của Đại học Sư phạm Hà Nội, Ngọc luôn là người đi đầu trong các hoạt động của Đội. Cô gái trẻ đồng hành cùng với đội của mình trong hành trình hướng tới một môi trường đáng sống. Đó là việc tổ chức chương trình "Đổi giấy lấy cây" thu hút được rất nhiều thầy, cô, cán bộ, sinh viên và học sinh trong địa bàn thành phố Hà Nội. Hay chương trình "Workshop - Vì môi trường xanh" cho các em học sinh tiểu học.
Ngoài ra, Ngọc còn tham gia rất nhiều các hoạt động bảo vệ môi trường như truyền thông, vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải; hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường.
"Các hoạt động đều đem lại nhiều hiệu quả nhưng hiện nay mới chỉ lại những hiệu quả nhất định trong một thời gian ngắn. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nhức nhối", cô sinh viên trăn trở.
Cô cũng cho rằng, nếu chỉ chăm chăm vào hoạt động bảo vệ môi trường mà không chú trọng vào việc giáo dục ý thức cho người dân thì sẽ không thể nào giữ gìn một môi trường trong sạch lâu dài.
Theo Ngọc, các phương thức mà cộng đồng và các tổ chức hiện nay đang thực hiện để bảo vệ môi trường rất đa dạng, phong phú. Môi trường cũng đang là một vấn đề dành được sự quan tâm từ đông đảo mọi người. Việc tuyên truyền, giáo dục về môi trường cũng đang được chú trọng hơn.
Ngọc cũng cho rằng, bản thân mỗi người không nên lãng phí tài nguyên bằng việc vứt đi những vật có thể tái chế. Hãy học cách tái sử dụng từ các vật liệu bằng giấy đến chất khó phân hủy như nhựa để hạn chế lượng rác thải và bảo vệ môi trường. Môi trường là tài sản chung mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, sử dụng. Cũng chính vì lý do đó, mỗi người nên thay đổi thái độ hời hợt và chú ý hơn đến từng hành động tác động đến môi trường.
Trong thời gian tới, việc quan trọng nhất của Ngọc vẫn là học tập thật tốt để tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Sinh học và trở thành một cô giáo. Nhưng bên cạnh đó, cô gái trẻ cố gắng lan tỏa niềm đam mê của mình đến những mầm non tương lai của đất nước và tích cực dẫn dắt Đội của mình tổ chức thật nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới một môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.