pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có thể sinh con khỏe mạnh khi mắc viêm cầu thận do Lupus
Phụ nữ vẫn có thể sinh con khi mắc lupus và viêm cầu thận do Lupus ban đỏ
Tuy nhiên, theo TS - bác sĩ Thái Thiên Nam – Bệnh viện Nhi Trung ương thì không thể phòng bệnh lupus nhưng có thể đề phòng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Đồng thời phụ nữ vẫn có thể sinh con khi mắc lupus và viêm cầu thận do lupus.
Mối tương quan giữa lupus và viêm cầu thận
TS Thái Thiên Nam cho biết, lupus là một bệnh hệ thống gây tổn thương đa cơ quan do kháng thể tự miễn. Bệnh thường gây tổn thương viêm cầu thận ở trẻ em với tỷ lệ lên đến 80% sau 2 năm khởi phát bệnh. Lupus thường gặp ở trẻ vị thành niên từ 9-13 tuổi, trong đó trẻ em gái mắc cao hơn và trẻ em châu Á có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 10 lần so với châu Âu. Tỷ lệ viêm cầu thận do lupus không tăng lên nhưng hiện nay tỷ lệ phát hiện mắc mới tại Việt Nam tăng lên do trình độ phát hiện, chẩn đoán bệnh của các bác sỹ tuyến dưới được nâng lên với các chương trình đào tạo các bệnh viện vệ tinh, chương trình telemedicine giúp các ca khó chẩn đoán được chẩn đoán xác định. Bệnh Lupus trẻ em có tỉ lệ là 75-80% bị viêm cầu thận bởi vì lupus ban đỏ là bệnh đa cơ quan, trong đó thận là một cơ quan mà nếu tổn thương thì tiên lượng bệnh rất nặng và có thể dẫn đến tử vong do viêm cầu thận.
Do lupus là một bệnh đa cơ quan nên việc phát hiện bệnh khá khó khăn và phải dựa vào một bảng tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên có thể nhận biết bệnh này qua một số triệu chứng như: Sốt kéo dài, phát ban hình cánh bướm ở gò má, đau khớp và phù. Nếu gặp các triệu chứng này kéo dài phải cho trẻ đến gặp bác sỹ chuyên khoa nhi thận - khớp để chẩn đoán kịp thời.
“Bệnh viêm cầu thận do Lupus tiến triển nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương thận nặng hay nhẹ. Nếu nặng bệnh tiến triển nhanh, hậu quả là suy thận. Nặng hơn là tử vong. Nếu không được điều trị sớm và kịp thời bệnh sẽ tiến triển nhanh đến suy thận, cuối cùng là tử vong”, bác sĩ Thái Thiên Nam khuyến cáo.
Khi cầu thận bị tổn thương sẽ không thực hiện được chức năng bình thường, protein sẽ bị rò rỉ ra nước tiểu, thận không thực hiện được chức năng đào thải chất độc. Nhiều khi bệnh tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng, bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện bệnh trong một lần xét nghiệm ngẫu nhiên. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân có các triệu chứng liên tục hoặc thoáng qua như: Nước tiểu sẫm màu, có máu trong nước tiểu, nước tiểu nhiều bọt, nước tiểu ít hoặc vô niệu, tăng cân, cao huyết áp.
Có thể sinh con an toàn
Lupus ban đỏ thường gặp ở phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ, do đó vấn đề thai sản cần đặc biệt lưu tâm. Bệnh nhân lupus ban đỏ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con, tuy nhiên bệnh lupus và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau. Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh lupus. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp, trong đó thận tổn thương nặng nhất với biểu hiện viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.
Ngược lại, bệnh lupus gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thai sản của bệnh nhân, dẫn tới nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi, như tỷ lệ sảy thai và thai lưu, đẻ non, thai chậm phát triển ở bệnh nhân lupus mang thai cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Thái Thiên Nam, đối với bệnh nhân nữ mắc bệnh lupus ban đỏ có hoặc không có viêm cầu thận thì việc sinh con sẽ khó nhưng vẫn có khả năng sinh con tốt và an toàn.
“Cần phải lập kế hoạch sinh con khi bệnh thực sự ổn định và gia đình thực sự mong muốn có con. Bác sĩ chuyên khoa sẽ xây dựng phác đồ, lên kế hoạch cho bệnh nhân nữ sinh con an toàn, quan trọng nhất là sức khỏe người mẹ tốt để có sức nuôi con. Đối với bệnh nhân là nam thì việc sinh con là bình thường nhưng cần được bác sĩ tham vấn để sinh con không mắc bệnh lupus hoặc đứa trẻ sinh ra không bị dị tật.
Bác sĩ Thái Thiên Nam cũng thông tin, trong thực tế, không thể phòng bệnh lupus vì đây là bệnh do nhiều nguyên nhân phối hợp bao gồm di truyền, miễn dịch, yếu tố môi trường và giới tính. Tuy nhiên có thể đề phòng và ngăn ngừa bệnh tái phát bằng cách tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng, không sử dụng thuốc và sản phẩm làm bệnh tái phát. Đặc biệt, người bệnh phải uống thuốc đều đặn và kiểm tra sức khoẻ định kỳ theo lời khuyên bác sĩ chuyên khoa.