Con bị bắt nạt, bố mẹ phải 'có võ'

29/03/2016 - 00:09
"Có võ" không phải để dạy con đánh bạn, mà chỉ dẫn cho con cách xử trí tốt nhất, vừa tránh bị bắt nạt, vừa không làm mất bạn bè.

Trước tiên bố mẹ đừng để con biết rằng bé “bị bắt nạt”.

Thực ra mâu thuẫn của trẻ nhỏ rất dễ giải quyết, nhanh đến cũng nhanh đi, một phút trước còn đánh nhau nhưng rồi sau đó lại cùng nhau chơi đồ. Trong quá trình tranh giành, đánh nhau, bé cũng học được cách giao tiếp với các bạn xung quanh, các bé không hề có khái niệm thiệt thòi. Miễn là mâu thuẫn giữa các bé không quá nghiêm trọng hay nguy hiểm gì thì bố mẹ không cần phải can thiệp vào.

Nếu bé tự ý thức được mình “bị bắt nạt”, bố mẹ hãy dạy con một vài phương pháp tự bảo vệ bản thân:

  • Khi bé cảm thấy khó chịu vì bị bạn khác công kích thì cần hét lớn, cho đối phương biết mình không bằng lòng. Chẳng hạn như “Đừng có làm thế!”, “Dừng lại!”, “Tớ không đồng ý!”...
  • Nếu người bạn kia không dừng hành động bắt nạt thì bé cần dùng lực để gạt hoặc giữ tay, thậm chí đẩy vai của đối phương, rồi sau đó chạy đi thật nhanh để mình được an toàn.
  • Nếu bạn đó vẫn tiếp tục chạy đuổi theo thì bé cần tìm sự giúp đỡ, bảo vệ của người lớn ở gần đó như phụ huynh, thầy cô giáo hoặc người quen biết.
  • Trong trường hợp cực đoan nhất, nếu người lớn không có ở gần để bé nhờ giúp, bạn kia vẫn không chịu buông tha, thì có lẽ bé phải chống trả bằng cách đánh lại. Phụ huynh nếu đề phòng có trường hợp như thế này thì cần dạy bé không được đánh vào mặt, đầu, cổ, trước ngực và vùng dưới bụng của bạn, vì những chỗ này có thể gây nguy hiểm. Nếu như bạn kia có dấu hiệu ngừng lại thì bé cũng cần dừng tay, vì cách đánh trả chỉ có mục đích tự vệ.
  • Cuối cùng bé cần phải thành thật nói lại sự việc cho bố mẹ biết. Lúc đó bố mẹ hãy cùng con tháo gỡ những điều không hay trong mối quan hệ của hai bé.

Đối với trường hợp xấu nhất là trẻ nhỏ đánh lại bạn, rất nhiều phụ huynh băn khoăn không biết có nên dạy con hành động đánh trả hay không. Một số người cho rằng không nên dạy bé đánh lại bạn vì như vậy sẽ làm hư bé, chỉ nên dạy con thưa chuyện với cô giáo hoặc người lớn. Nhưng một số khác lại có ý kiến trái chiều, cho rằng đánh trả chỉ là cách để tự vệ, bé tự vệ thì không thể sinh hư.

Các bé còn ngây thơ, chưa hiểu nhiều thì việc hình thành cho bé ý nghĩ phản kháng bằng bạo lực không phải phương pháp hay. Tuy nhiên trong trường hợp bé cần thiết đánh trả, bố mẹ nên dạy cho con hiểu việc đánh nhau chỉ là bất đắc dĩ, mục đích chính là để tự vệ, tránh cho bé có hành động không tốt như trường hợp dưới đây.

Con gái của anh Mạnh lúc 4 tuổi bị bạn bắt nạt, một hôm về khóc mách bố, anh liền nói: “Nếu lần sau bạn đấy còn đánh con nữa thì con cứ đánh lại, đánh khi nào bạn không dám đánh con nữa thì thôi”. Con gái làm theo lời anh thật, hơn nữa còn rất có hiệu quả, người bạn kia lần sau nhìn thấy cháu là tự tránh xa.

Nhưng khi con gái anh Mạnh lớn lên, sự việc lại không giống như lúc cháu còn nhỏ. Cháu có vẻ đắc ý về “sức mạnh” của mình, mỗi khi bạn bè làm cháu không vừa ý là cháu đánh bạn. Dần dần các bạn trở nên sợ cháu, không dám lại gần, cũng không muốn nói chuyện với cháu. Anh Mạnh có chút hối hận song vẫn tự nói với mình, như vậy cũng tốt hơn là bị bạn bè ăn hiếp.

Tuy nhiên có một điều anh Mạnh cũng như các phụ huynh cần biết, khi một cá nhân bị một tập thể “ăn hiếp” thì không chỉ có xâm phạm thân thể, mà còn có cách thức vô hình là cô lập. Cách thức vô hình này còn khó giải quyết hơn so với tổn thương về thân thể. Trẻ nhỏ khi không được tập thể chấp nhận sẽ vô cùng đau buồn và cô đơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm