4 giờ sáng, khi màn đêm vẫn còn bao phủ, từ xã Sơn Đông (TP Bến Tre), chị Thanh cùng chồng là anh Võ Thanh Trúc dắt xe máy ra khỏi nhà, bắt đầu hành trình lên TPHCM khám bệnh. Trong chiếc balô nhỏ xíu chị Thanh đeo trên vai, ngoài 1,5 triệu đồng được gói gọn còn có cái áo khoác, chai nước và 2 cái bánh ngọt.
Tại khoa Khám bệnh xương khớp, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, chị Thanh lấy chiếc bánh trong balô ra, vừa ăn vừa kể: “Hàng xóm biết vợ chồng tui sáng nay lên thành phố khám bệnh nên tối qua mang cho 2 cái bánh, bảo để dành khi đói thì ăn. Chạy xe hết hơn 2 tiếng, lên tới đây là hơn 6 giờ, tranh thủ xếp hàng lấy số thứ tự, vậy mà tới số 59 mới tới lượt khám”.
Nghe y tá gọi tới lượt, chị vội vã đưa cho chồng chiếc bánh đang ăn dở, đi vào phòng khám. Nhìn theo dáng người nhỏ gầy của vợ cho tới khi khuất hẳn sau lớp cửa màu xanh, anh Trúc thở dài: “Bả đau cả năm nay mà cứ ở nhà không chịu đi khám. Những ngày gần đây bả đau cả ngày lẫn đêm nên tui bàn 2 vợ chồng lên thành phố thử khám xem bệnh gì. Bả vẫn khăng khăng không chịu đi, cuối cùng tui phải viện lý do khuỷu tay tui đau quá, cần đi khám. Lúc đó bả mới ậm ừ chịu đi”.
Bác sĩ Bệnh viên Y Dược TPHCM thăm khám cho chị Huyền (Ảnh chụp 4/8/2014)
Vợ chồng anh đều xuất thân từ nghề nông, song sau khi kết hôn, anh Trúc theo nghề làm phụ hồ còn chị Thanh ở nhà làm vườn và nội trợ. Cuộc sống quá khó khăn nên con trai đầu lòng của anh chị chỉ theo được hết lớp 12 rồi nghỉ học đi làm phụ ba mẹ. Khoảng 5-6 năm qua, chị Thanh nhận bán thuê trong căng-tin trường học gần nhà, thu nhập 90.000 đồng/ngày. Anh Trúc phân trần: “Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 6h sáng cho tới 5h30 chiều, bả phải đứng liên tục suốt khoảng thời gian đó. Tui nghĩ có thể đây là lý do khiến những cơn đau nhức lưng của vợ tui ngày càng tăng. Có những buổi tối, bả đau tới ứa nước mắt, không ngủ được nhưng sáng hôm sau lại phải làm bình thường, vì nghỉ làm là bị cắt lương”.
“Nghỉ việc thì làm sao lo cho con?”
Bước ra từ phòng khám, thấy chồng đang kể chuyện về những cơn đau, chị Thanh nói xen vào: “Bệnh của tui như bệnh giả vờ. Khi thì đau tới mức cảm thấy không chịu nổi, muốn gãy đốt sống ở bên trái, ngay chỗ lưng quần, nhưng khoảng vài tiếng hoặc qua ngày hôm sau tự nhiên lại hết, người lại khỏe như không có chuyện gì xảy ra. Thấy vậy nên tui cũng chủ quan không đi khám. Song, khoảng 1 tháng qua, những cơn đau dồn dập không dứt khiến tôi bị ám ảnh nên tui quyết định tới viện. Bác sĩ chẩn đoán tui bị thoái hóa cột sống thắt lưng”.
Cầm tờ đơn thuốc mà bác sĩ vừa kê tới khu vực dành riêng cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế để đóng tiền lấy thuốc, sau khoảng 15 phút đợi, chị Thanh nhận được hóa đơn thanh toán tiền thuốc sau khi đã giảm bảo hiểm là 491.000 đồng. “Tui có thẻ bảo hiểm nhưng do trái tuyến nên chỉ được giảm 83.000 đồng. Bác sĩ dặn, về uống thuốc rồi tiếp tục tái khám sau 2 tuần. Tui cũng nghe nói bệnh này nếu không chữa trị triệt để thì có thể phải nhập viện và phẫu thuật. Vì vậy, tui hạ quyết tâm, dù khó mấy cũng ráng chạy chữa và tuân thủ những lời khuyên của bác sĩ. Chỉ có điều, bác sĩ bảo cần thay đổi hành vi làm việc, không nên đứng quá nhiều giờ trong 1 ngày. Điều này đối với tui rất khó, vì đặc thù công việc nó vậy, tui phải đứng cả ngày để bán hàng cho học sinh, muốn thay đổi thì chỉ có cách nghỉ việc, nhưng nghỉ rồi thì lấy tiền đâu cho con đi học?”, chị Thanh băn khoăn.
Gai cột sống là tình trạng cột sống có gai, đây là biểu hiện quá trình lão hóa của cơ thể, do đó tên gọi chính xác là bệnh lý thoái hóa cột sống. Nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc các bệnh lý toàn thân như: Tim mạch, viêm đa khớp dạng thấp, đái tháo đường, béo phì… Các yếu tố nguy cơ thường liên quan đến vấn đề nghề nghiệp, đặc biệt là những nghề làm gia tăng áp lực lên cột sống như: Thợ hồ, nông dân, tài xế lái xe, công nhân cạo mủ cao su, những nghề đứng hoặc ngồi lâu trong một môi trường làm việc liên tục cả ngày. Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng và môi trường cũng ảnh hưởng lên bệnh lý về cột sống. Độ tuổi mắc bệnh lý thoái hóa cột sống thường là sau tuổi 35, tuy nhiên một số đối tượng có yếu tố nguy cơ cao thì có thể bị sớm hơn, khoảng 32-33 tuổi. Triệu chứng của thoái hóa cột sống sẽ có những biểu hiện khác nhau, tùy từng mức độ. Nếu nhẹ, chỉ là đau nhức ở vùng cột sống bị ảnh hưởng, thường gặp ở 2 đoạn: thắt lưng và cổ. Nặng hơn sẽ có triệu chứng chèn ép thần kinh như tê rần, dị cảm giống như kiến bò hoặc đau theo kiểu buốt, rát bỏng, nặng hơn nữa là yếu liệt tay chân. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời làm cho triệu chứng càng tăng và có thể khiến bệnh nhân bị tàn phế. Điều trị gai cột sống cần có những phương pháp tổng hợp bằng thuốc, hỗ trợ tập vật lý trị liệu và thay đổi hành vi, chế độ làm việc để mang lại hiệu quả. Nếu bệnh vẫn tăng thì có thể can thiệp ở mức cao hơn bằng những thủ thuật phong bế thần kinh, giảm đau, chích thuốc vào rễ thần kinh bị đau. Nếu bệnh vẫn chưa giảm thì phải sử dụng tới bước can thiệp cuối cùng là phẫu thuật. Để hạn chế tối đa gai cột sống, cần chú ý không nên đứng hoặc ngồi lâu trong một môi trường làm việc, nên thay đổi tư thế làm việc, tăng cường tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế rượu, bia, thuốc lá, đồ ăn chiên xào dầu mỡ nhiều… Đặc biệt là phải hạn chế tăng cân vì sẽ làm tăng áp lực lên cột sống. |
Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân (khoa Chấn thương chỉnh hình, giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM) |