Con đến như một giấc mơ

05/08/2015 - 20:42
“Tiếng khóc oe oe ngày con chào đời đã xua tan bao khó khăn, vất vả mà bố mẹ âm thầm chịu đựng suốt 10 năm qua...”. Dòng nhật ký này chị Nguyễn Thu Trang (SN 1978, Q.Tân Bình, TPHCM) đã viết sau khi đón chào đứa con của mình.

Mỏi mòn đợi chờ

Năm 2003, Trang kết hôn với anh Trần Tuấn Khải (SN 1975). 2 tháng sau, Trang vui mừng khi biết tin mình có thai. Thế nhưng, chị bị sảy thai khi mới mang bẩu được 3 tháng. Khải an ủi vợ: “Mình còn trẻ, lần này không giữ được con thì lần sau sinh tiếp”. Năm 2006, Trang mang thai lần thứ 2 nhưng hạnh phúc chuẩn bị làm mẹ chỉ kéo dài được đến tháng thứ 6. Cứ mỗi lần nhìn thấy ai bế nựng con trẻ, anh chị lại thêm ngậm ngùi…

Tới năm 2010, Trang quyết định làm thụ tinh nhân tạo. Nhưng phôi thai phát triển đến tuần thứ 4 thì không giữ được. Không bỏ cuộc, 1 năm sau, hai vợ chồng chị lại đăng ký làm một chu kỳ mới. Cảm giác hồi hộp, lo lắng tăng gấp đôi. 2 tuần liền chị mất ngủ, chờ đợi đến ngày đi kiểm tra. May thay lần này, xét nghiệm cho thấy việc đặt phôi thai đã có kết quả tốt.

Để dưỡng thai, suốt một thời gian dài, Trang chỉ nằm một chỗ, không dám vận động nhiều, kể cả việc với tay kéo rèm cửa. Khi chồng đưa vợ đến một cơ sở tư nhân siêu âm thì bác sĩ chúc mừng vì bào thai phát triển rất khỏe mạnh. Trang kể: “Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy hình ảnh con bé tí xíu, còn chưa hoàn thiện trên màn hình siêu âm, nhưng nhịp tim đều và rõ ràng lắm. Nhịp tim ấy chính là mầm sống đang khao khát chào đời. Hàng ngày, tôi cứ tự vẽ khuôn mặt của con, nếu là con gái thì rất xinh xắn, còn là con trai chắc sẽ khôi ngô lắm”.

Thai được hơn 9 tháng, nỗi lo lắng dần tan khi Trang nghĩ chắc chắn sẽ không còn điều gì ngăn cản mình thực hiện thiên chức làm mẹ. “Ngày 17/11/2012 là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. 1 giờ sáng, sau khi gây mê, lưỡi dao mổ bắt đầu đặt lên bụng. Tôi nhắm mắt và cầu bình an cho 2 mẹ con. Nằm trên giường chờ sinh, cơn đau đến liên tục, tôi không còn suy nghĩ gì khác ngoài chuyện “hít sâu, thở dài” và mong chờ được nghe tiếng con khóc chào đời. Trong cơn mộng mị, tôi cảm nhận được từng vết rạch, từng động tác của bác sĩ đang dần lấy con ra. Tiếng “oe oe” bỗng vang vọng vào trong đầu tôi rồi những giọt nước mắt hạnh phúc chợt lăn dài trên khóe mắt. Tôi thiếp đi, đến khi thức dậy, tôi đã chính thức được làm mẹ ở tuổi 34. Với tôi, thiên chức này tuy đến muộn màng nhưng đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến, nó là kết quả của bao tháng ngày khó khăn vất vả, của cả sự chờ đợi và thử thách. Con gái đã mang tới cho vợ chồng tôi thêm niềm vui và nghị lực sống”, Trang xúc động nhớ lại.

Con đã mang tới cho vợ chồng tôi niềm vui và nghị lực sống. (Ảnh minh họa)

Những ngày khi con mới chào đời, cuộc sống của gia đình nhỏ này như đảo ngược hoàn toàn. Trang chia sẻ: “Từng bữa ăn, giấc ngủ, rồi đến việc vệ sinh cá nhân hàng ngày của con cũng khiến tôi rối tung lên. Mặc dù đã chuẩn bị mọi thứ cẩn thận: từ quần áo, vật dụng đến học hỏi kinh nghiệm của ông bà và các bác nhưng tôi vẫn gặp khó khăn, lúng túng trước những việc đơn giản như: tắm rửa, pha sữa cho con… Nhìn chồng vụng về với những mảnh tã, chiếc áo, cái quần, bình sữa bé xíu khiến tôi vừa xúc động lại vừa thương”.

“Ác mộng” của các cặp vợ chồng

ThS, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng phòng khám Hoàng Gia, chia sẻ: “Áp lực cuộc sống, công việc cùng với những yếu tố như chế độ ăn uống, sinh hoạt, môi trường, thực phẩm… đã khiến ngày càng có nhiều cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh. Tại TPHCM, từ một nơi đầu tiên trong cả nước là Bệnh viện Từ Dũ, đến nay đã có nhiều nơi khác điều trị hiếm muộn như: Bệnh viện Hùng Vương, Đại học Y Dược, Phụ sản quốc tế Sài Gòn, An Sinh... với các kỹ thuật được áp dụng thành công: Lọc rửa tinh trùng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (thụ tinh nhân tạo); thụ tinh trong ống nghiệm và các kỹ thuật có liên quan như: tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, xin trứng trưởng thành, trứng non; phân lập tinh trùng từ mô tinh hoàn; trữ lạnh tinh trùng, trữ lạnh trứng, trữ lạnh phôi…”.

Theo bác sĩ Trung, các tác nhân gây hiếm muộn ở nữ giới có thể kể đến như: Rối loạn phóng noãn; chít hẹp cổ tử cung, dính buồng tử cung, tắc ống dẫn trứng (hậu quả của nạo phá thai, viêm nhiễm đường sinh dục)… Ngoài ra, phụ nữ tuổi càng cao, đặc biệt trên 35 tuổi, khả năng sinh sản càng giảm và tỉ lệ sảy thai, thai lưu, tỉ lệ sinh con dị tật hoặc chậm phát triển trí tuệ càng tăng.

Vô sinh nam cũng có không ít nguyên nhân như sử dụng các chất kích thích (rượu, thuốc lá, ma túy) với liều lượng cao, có tiền sử bệnh quai bị và khoảng 5% vô sinh nam do bất thường về di truyền. “Các cặp vợ chồng hiếm muộn nên sớm đến các trung tâm chuyên khoa để được tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị, không nghe theo những tin đồn đi chữa chạy lung tung, vừa tốn tiền vừa phí thời gian. Cần nhớ rằng các cặp vợ chồng càng lớn tuổi thì khả năng thành công càng thấp, chi phí càng cao. Ngoài ra, các em bé sinh ra từ các bà mẹ lớn tuổi thường tăng tỉ lệ bất thường hoặc chậm phát triển”, bác sĩ Trung khuyến cáo.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2012, trong 14.400 cặp vợ chồng đại diện cho 8 vùng sinh thái ở Việt Nam, tỉ lệ vô sinh khá cao, với khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng (chiếm 7,7%) trong độ tuổi 15 - 49.



ThS, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (giảng viên ĐH Y Dược TPHCM)

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ đậu thai sau khi tiến hành các phương pháp trị hiếm muộn là tâm lý của các cặp vợ chồng. Nên duy trì tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, tránh quá căng thẳng, lo lắng và áp lực vì có thể gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến cơ hội có thai.

Người vợ cần uống bổ sung acid folic khoảng 0,4mg/ngày để tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong chế độ ăn; tránh dùng các loại thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa như bơ (làm từ sữa), thịt đỏ… vì sẽ “sản xuất” ít trứng tốt để thụ tinh nhân tạo. Chất lượng tinh trùng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên thành công cho một ca điều trị hiếm muộn. Vì vậy, người chồng cần thường xuyên rèn luyện cơ thể, hạn chế tối đa hoặc dừng hẳn việc uống rượu bia, hút thuốc…

Cần chuẩn bị kỹ về thời gian và chi phí điều trị. Thông thường, tổng chi phí cho 1 ca thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại Việt Nam vào khoảng 60 - 80 triệu đồng.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm