pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con hỏi: “Mẹ ơi, tiền quẹt ra từ điện thoại à?” - Câu trả lời ảnh hưởng lớn đến tương lai con
Ảnh minh họa
Là cha mẹ, chắc chắn bạn luôn đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho con cái trong khả năng tài chính của mình. Nhưng chúng ta cũng đừng quên, nên hình thành cho trẻ cái nhìn đúng đắn về tiền bạc, nói với trẻ rằng tiền khó kiếm được, tiền nên tiêu theo khả năng của mình và có nhiều thứ ý nghĩa hơn mà tiền không mua được.
Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm giáo dục của trẻ em, giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình".
Ông Carissa Jordan, đồng sáng lập của Benjamin Talks, một nguồn thông tin tài chính trực tuyến dành cho cha mẹ và trẻ em đã khẳng định: “Đến 3 tuổi, trẻ hiểu được giá trị. Đến 7 tuổi, trẻ đã phát triển mối quan hệ với tiền bạc. Tuy nhiên, một nửa số cha mẹ không nói chuyện với con cái của họ về tiền bạc, vì vậy có một vấn đề ở đó”.
Một bà mẹ từng chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội: "Vài ngày trước, tôi và con trai đi siêu thị và "quẹt" bằng điện thoại khi thanh toán. Đứa trẻ thấy vậy liền cười nói: Vậy tiền của mẹ chỉ cần quẹt bằng điện thoại di động là có đúng không?".
Trong trường hợp này, nhiều người cho rằng "trẻ con không biết gì" và bỏ qua. Tuy nhiên, một đứa trẻ 4 tuổi đã biết chỉ cần quẹt điện thoại là trả tiền, có thể trong mắt chúng, tiền sẽ lớn dần từ chiếc điện thoại và cha mẹ không cần làm gì cả.
Nhiệm vụ của người lớn là nhân cơ hội này để hướng dẫn và giáo dục con về tiền đúng cách. Ví dụ như bà mẹ trên, chị đã nói: "Mẹ sẽ lấy đồ ăn này bằng cách quẹt từ điện thoại. Và tiền từ tài khoản trong điện thoại chính tiền lương mà mẹ đã đi làm hàng ngày. Tiền là thứ phải lao động mới kiếm ra, con ạ".
Khái niệm về tiền ảnh hưởng đến hạnh phúc của trẻ trong nửa sau cuộc đời
Sau đây là những điều bạn cần nói với con về tiền:
- Nói với trẻ rằng tiền được đổi lấy sức lao động
Một bà mẹ ở Thái Lan dắt đứa con 5 tuổi đi nhặt rác trên đường vì con không chịu đi học. Cả hai đi bộ rất nhiều, nhặt được một túi chai nhựa và bán chúng chỉ với giá 2 baht (khoảng 1300 đồng).
Trên đường về, đứa trẻ đói và muốn ăn xúc xích. Người mẹ nói: "10 baht một miếng, con có đủ tiền không?". Đứa trẻ nhìn số tiền rồi trả lời: "Dạ, không đủ". Sau đó bé lại nói: "Con muốn ăn kem". Người mẹ hỏi lại: "5 baht một cây, con có đủ tiền không?". Cậu bé lại lắc đầu.
Đứa trẻ mệt mỏi và muốn bắt xe buýt về nhà. Người mẹ nói: "10 baht, con có đủ tiền không?". Lại không đủ. Khi về đến nhà, gần như đã kiệt sức, cậu bé nói hai câu với mẹ: "Ngày mai con sẽ đi học mẹ ạ, kiếm tiền không dễ đâu".
Cha mẹ hãy dần hướng dẫn và nói với con cái rằng tiền bạc được đánh đổi bằng mồ hôi, đó là thu nhập từ sức lao động. Nếu có cơ hội, hãy để bọn trẻ trải nghiệm quá trình kiếm tiền. Biết rằng mọi thứ đều khó giành được và trải qua quá trình kiếm tiền vất vả, trẻ sẽ trân trọng những gì chúng ta có bây giờ.
- Cho con tiền tiêu vặt một cách hợp lý, học cách chi tiêu và tiết kiệm tiền
Khi lớn lên, trẻ sẽ dần hình thành khái niệm về tiền của riêng mình. Vì vậy, khi trẻ khoảng 7 tuổi, cha mẹ có thể cho con tiền tiêu vặt đúng cách, hướng dẫn con hình thành quan niệm tiêu dùng đúng chỗ.
Các chuyên gia cho rằng nếu trẻ không được cho tiền tiêu vặt, không thể tự mình tận hưởng niềm vui khi tiêu tiền và lớn lên trong một môi trường giáo dục "thiếu tiền" thì sẽ trở nên cực kỳ mê tiền. Thậm chí có trẻ còn phát sinh tính xấu như keo kiệt, bủn xỉn.
Một số bà mẹ nói rằng, mình mua mọi thứ cho con nhưng tại sao con vẫn lén lấy trộm tiền. Đó là vì mong muốn kiểm soát tiền một cách độc lập của trẻ không thể trở thành hiện thực.
Cha mẹ phải thống nhất với con trong việc cho con tiền để tiêu vào việc gì, đồng thời lên kế hoạch giúp con biết cách sử dụng tiền hợp lý, hiệu quả.
Cha mẹ có thể gợi ý con bỏ heo đất để giữ tiền khi không có nhu cầu mua sắm. Nếu con tiêu vào các món đồ độc hại ngoài cổng trường, cha mẹ cần có các phân tích khoa học hợp lý để con hiểu. Nếu phân tích rồi mà vẫn cố tình mua thì sẽ phạt bằng cách cắt giảm tiền tiêu vặt. Khi đó trẻ sẽ hiểu vấn đề ngay.
Khi đi mua sắm ở trung tâm thương mại và nhìn thấy món đồ mà con muốn, cha mẹ không nên vội nói rằng: "Chúng ta không có tiền, chúng ta không mua được đâu", mà là "Thứ này vượt quá túi tiền của con, con phải tiết kiệm tiền để tự mua đi".
- Dạy con quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan
Có một đoạn video được chia sẻ lên mạng xã hội, ghi lại câu cảnh cậu bé nọ bị chế giễu vì đi đôi giày cũ. Cậu đã có câu trả lời thể hiện quan điểm về vật chất có thể nói là rất tích cực.
Cậu bé nói: "Vấn đề không phải là đi giày gì, mà là có ý tưởng của riêng mình hay không; vấn đề không phải là đi giày hay quần áo hiệu nào, mà là có biết mình muốn gì hay không. Sớm muộn gì cũng có lúc mình không đi vừa đôi giày đã mua, nên điều thục sự quan trọng là suy nghĩ, trí tuệ, kiến thức đã tích lũy được, cũng như khả năng truyền cảm hứng cho người khác".
Khi con cái có tiền tiêu vặt và quyền kiểm soát tiền, chúng ta phải nói với con rằng: Đừng mù quáng theo đuổi vật chất và so đo để mua những thứ không phù hợp với mình. Đôi giày sẽ lỗi mốt vào một ngày nào đó, nhưng quan điểm về tiền bạc sẽ ở bên con suốt đời.
Nếu đứa trẻ hỏi: "Mẹ ơi, tiền có phải là tất cả không?". Câu trả lời nên là "không". Tiền rất quan trọng, nhưng tiền không mua được tất cả. Có rất nhiều người đánh mất những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời chỉ vì họ đo lường mọi thứ bằng tiền.
Tiền chỉ là một phần trong việc hưởng thụ đời sống vật chất của chúng ta, không phải là tất cả, chúng ta không nên lệ thuộc vào đồng tiền, cũng không nên bị đồng tiền chi phối. Trong cuộc sống, có nhiều điều ý nghĩa và hạnh phúc hơn là tiền bạc đáng để theo đuổi.
Nhưng cũng cần nhấn mạnh với con: Sự thật tiền không phải là vạn năng nhưng chúng ta không thể sống mà không có tiền. Nuôi dưỡng một đứa con giàu có về mặt tinh thần chẳng có gì sai, nhưng muốn giàu có tinh thần cũng cần phải dựa vào vật chất. Đó là lý do bạn cần dạy con kiến thức tài chính càng sớm càng tốt.