Con ngồi lủi thủi một mình khi cả lớp chơi rất vui, mẹ phải làm gì nếu bé bị cô lập?

Thảo Hương
02/04/2023 - 08:31
Con ngồi lủi thủi một mình khi cả lớp chơi rất vui, mẹ phải làm gì nếu bé bị cô lập?

Ảnh minh họa

Trong tình huống này, mẹ nên quan tâm và hỗ trợ con để vượt qua giai đoạn nhạy cảm.

Việc một em bé bị cô lập, khó hòa đồng với các bạn trong lớp là tình trạng không hiếm gặp ở nhiều trường học hiện nay. Khi con gặp phải trường hợp trên, mẹ nên xử lý thế nào? Dưới đây là lời khuyên từ Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời là một chuyên gia giáo dục.

1. Tìm hiểu nguyên nhân

Các mẹ ạ, trước khi nghĩ cách giúp con, các mẹ cần quan tâm đến nguyên nhân:

- Con có tính cách xấu, khó gần. Bạn bè đã thử chơi nhưng không chơi nổi.

- Con cá tính, khác người khiến bạn bè cảm thấy khó chịu.

- Con quá nhát, quá khép kín.

Như vậy, các mẹ cũng thấy phần lớn vấn đề nằm ở con mình rồi.

2. Cách giải quyết

- Với nguyên nhân 1, các mẹ cần xử lý tận gốc. Tính ích kỷ thì cha mẹ cần xem lại cách ứng xử của chính mình. Cho con tất cả hoặc cư xử không công bằng giữa những đứa con trong gia đình sẽ khiến con ích kỷ. Cha mẹ chỉnh lại một chút thì con sẽ tốt hơn.

Lưu ý: Mình thấy các mẹ hiện nay không giao trách nhiệm lao động trong gia đình cho con, không bắt con phải để phần bố mẹ khi có đồ ăn hoặc quà cáp. Điều này khiến con ích kỷ và tham lam. Bố mẹ cần thay đổi để con bớt ích kỷ.

- Với nguyên nhân 2, yêu cầu con phải chấp nhận phần nào phong cách chung. Khó chịu cũng phải chấp nhận. Điều này để con sống hòa đồng hơn. Cùng con thảo luận là mình sẽ giữ phần cá tính đến mức nào và chấp nhận cái chung ở mức nào.

- Với nguyên nhân 3, nếu con quá nhát, hãy cho con quà cáp kiểu bánh kẹo, đồ chơi nho nhỏ và yêu cầu con đem đến lớp rủ bạn nào con thích cùng chơi. Yêu cầu con ghi nhớ và về kể cho mẹ nghe tên các bạn ăn hoặc chơi cùng con. Hỏi con thêm về gia cảnh và sở thích của bạn nữa để con có nội dung trao đổi với bạn. Việc này nên diễn ra liên tục trong 2 tuần. Sau 2 tuần con sẽ có nhiều bạn chơi.

Lưu ý:

- Tuyệt đối không nhờ cô giáo hoặc tự ý xông vào lớp của con để bắt bạn chơi cùng con. Điều này không những khiến bạn ghét con thêm mà còn khiến con rất xấu hổ. Đây là điều mà trẻ ghét nhất ở người lớn.

- Trợ giúp vòng ngoài, không ca thán kêu ca, ép buộc con phải kết bạn. Con đã sợ càng thêm sợ hơn, khéo sau này ghét đi học.

Những điều mà cha mẹ nên làm để dạy con cách giải quyết tình trạng bị cô lập:

Lắng nghe con nói

Mỗi đứa trẻ đều có thể có một ngày tồi tệ vì những điều nhỏ nhặt mà con không thích. Có thể là một cuộc tranh cãi nho nhỏ hay vì một món đồ chơi mà con không có. Điều này có thể dễ dàng khiến con bực tức và xả giận ngay khi về nhà bằng những câu nói vô cùng tiêu cực.

Công nhận cảm xúc của con

Khi nghe con nói, hãy đồng cảm và công nhận những cảm xúc mà con đang trải qua. Cho con biết rằng cha mẹ rất hiểu những điều mà con đang trải qua và cha mẹ ở đây để lắng nghe những điều đó cùng con.

Đặt câu hỏi mở

Trong lúc lắng nghe và nói chuyện với con, đừng quên đưa ra những câu hỏi mở để con có thể dễ dàng giãi bày hơn những điều mà con khó nói. Ví dụ như: Tại sao con lại nghĩ vậy?

Để con tự mình quyết định việc nên làm

Khi cuộc trò chuyện bắt đầu cởi mở rõ ràng hơn, cha mẹ và con có thể cùng nhau đưa ra nguyên nhân cũng như cách giải quyết cho tình trạng mà con đang gặp phải. Dù sự việc nhỏ hay to, đơn giản hay phức tạp thì cha mẹ vẫn luôn phải để con là người quyết định việc mình sẽ làm.

Đánh giá những kỹ năng xã hội của con

Sau khi cùng con vượt qua những khủng hoảng về sự cô lập, cha mẹ sẽ đánh giá được chính xác những kỹ năng xã hội mà con đang có. Nếu con nhút nhát, ngại giao tiếp, chia sẻ hoặc quá quyết đoán cũng có thể rơi vào tình trạng ít bạn chơi cùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm