Tại hội nghị châu Á Thái Bình Dương về sức khỏe và quyền sinh sản và Tình dục lần thứ 9 (APCRSHR9) với chủ đề “Không ai bị bỏ lại phía sau! Công lý trong sức khỏe sinh sản và tình dục” diễn ra tại Quảng Ninh từ 27-30/11, Thứ trướng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: "Mặc dù, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng những lợi ích và chi phí của sự phát triển lại chưa được chia sẻ một cách đồng đều giữa các quốc gia và người dân trong khu vực trong lĩnh vực y tế, cụ thể về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, những cộng đồng dân cư nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa thường xuyên được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao… Do đặc thù về thể chế chính trị, nền văn hóa và tôn giáo ở một số quốc gia cũng đã tạo ra sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, vị thành niên và các nhóm dân cư có xu hướng tình dục khác biệt.
Còn tại Việt Nam, ông Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến bộ đáng kể trong việc triển khai Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đã có những cải thiện hết sức to lớn. Vào năm 2015, tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai là 80%, tỉ lệ tử vong bà mẹ là 60/100.000 ca. Với những bước tiến này, Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5...
Tuy nhiên, vẫn còn đó sự chênh lệch, không đồng đều và bất bình đẳng về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục vẫn tồn tại ở các nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, di cư…).
Trước thực trạng đó, khi bàn về giải pháp ông Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Trong những năm tới, bên cạnh những chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế - xã hội, phát triển bền vững và an sinh xã hội, sẽ tiếp tục tập trung các nỗ lực giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chênh lệch và không đồng đều trong việc chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bất bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế nói riêng, nhằm hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với một số chiến lược trong giai đoạn 2016-2020 đó là:
- Tiếp tục tăng cường đầu tư quốc gia và đầu tư địa phương vào y tế với ưu tiên mạnh mẽ vào việc tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là nâng cao năng lực cán bộ y tế ở các vùng dân tộc thiểu số và các vùng khó tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao. Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính y tế nhằm đảm bảo bao phủ y tế toàn dân có bao gồm sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
- Tiếp tục thúc đẩy quyền con người như được nêu rõ trong Hiến pháp mới được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua bằng cách đảm bảo quyền tự quyết của người dân trong việc lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
- Cải thiện việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên, vị thành niên và nâng cao tính hiệu quả chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản toàn diện phù hợp với lứa tuổi và văn hóa.
- Tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở y tế công, tư và các tổ chức xã hội để đảm bảo sự tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng.
- Xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng có hiệu quả các biến động dân số cơ bản như già hóa dân số, nhập cư và đô thị hóa, mất cân bằng giới tính khi sinh và bất bình đẳng giới.