Con vào đội tuyển Giáo dục Công dân, mẹ gọi điện xin rút

Hồng Hạnh
27/01/2022 - 08:00
Môn học Giáo dục Công dân (GDCD) có vai trò quan trọng giúp hình thành đạo đức, nhân cách các công dân tương lai nhưng lại đang bị xem nhẹ. Thậm chí, có học sinh được vào đội tuyển GDCD, mẹ gọi điện... xin rút.

Thời gian vừa qua, cả nước xảy ra dồn dập những vụ án chấn động: Bé gái 8 tuổi bị nhân tình sinh năm 1995 của bố đẻ đánh đập dẫn đến tử vong. Một bé gái 3 tuổi bị cha dượng "hờ" hết lần này đến lần khác bạo hành, ép uống thuốc trừ sâu, nuốt ốc vít, đóng 9 cái đinh vào đầu... Ở Vũng Tàu, một cô gái 21 tuổi đã mua chất độc xyanua về đầu độc bố rồi phi tang xác, tạo hiện trường giả. Tất cả các vụ án, chỉ mới nghe qua đã đủ khiến người ta rùng mình đặt câu hỏi ở trường học, họ đã được dạy những gì về gia đình, về tình yêu thương…?

Cả phụ huynh và học sinh đều chưa coi trọng môn GDCD

Lâu nay, nhiều người cho rằng, giáo dục nhà trường đang chú trọng dạy kiến thức, xem nhẹ các bài học về tình cảm gia đình, các bài học dạy cách làm người. Môn học GDCD có vai trò quan trọng giúp hình thành đạo đức, nhân cách các công dân tương lai. Tuy nhiên, từ bản thân người học, người dạy đến chương trình học đang tồn tại một số bất cập.

Chương trình GDCD THCS dạy về đạo đức, kỹ năng sống, một số vấn đề về kinh tế tiêu dùng, quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình, lao động…

Còn ở THPT, mục tiêu của môn học GDCD lớp 10 là nhằm hình thành thế giới quan nhân sinh quan qua triết học, sang học kỳ 2 lớp 10 thì tiếp tục chương trình đạo đức, hình thành tình cảm, củng cố niềm tin về đạo đức và phẩm giá con người giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng xã hội và tình yêu đôi lứa.

Nội dung lớp 11 hoàn toàn về chương trình kinh tế chính trị, bước đầu dạy học sinh biết thể chế kinh tế của Việt Nam, học kỳ 2 liên quan đến các chính sách xã hội. Lên lớp 12, học sinh sẽ được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản để các em trở thành một công dân có ích, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Cô giáo Ngô Thị Tâm, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - GDCD một trường THPT ở Thái Bình, bày tỏ nỗi trăn trở rằng, nhiều phụ huynh quan niệm đạo đức của con người là cái có sẵn, nên không cần học.

Nhưng thực tế, con người ai cũng phải học, phải rèn giũa mới hình thành được một nhân cách đẹp. Khi xảy ra liên tục các vụ án bạo hành như vừa qua, mọi người đều nói là đạo đức xuống cấp. Tuy nhiên, khi cho con cái đi học, bản thân các phụ huynh lại không xem trọng môn học này.

Theo cô Tâm, đa số phụ huynh xem nhẹ môn học này. Có phụ huynh con được vào đội tuyển học sinh giỏi môn GDCD đã gọi điện cho cô nằng nặc xin cho con rút khỏi đội tuyển. Học sinh cũng không yêu thích, thuyết phục mãi mới có em chịu vào đội tuyển học sinh giỏi GDCD. Từ đó tạo ra tâm lý chán nản cho giáo viên "vì học sinh không xem trọng thì giáo viên không muốn dạy cho tử tế".

Con vào đội tuyển Giáo dục Công dân, mẹ gọi điện xin rút - Ảnh 2.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu trong một tiết học GDCD - Ảnh: Trần Hường

Để làm mềm hóa chương trình, tạo hứng thú cho học sinh, cô Tâm luôn yêu cầu giáo viên phải lấy những câu chuyện thực tế xảy ra ở địa phương mình hoặc những câu chuyện thời sự trong nước, quốc tế đưa vào bài giảng.

"Có nhiều giáo viên cứ theo truyền thống, trong sách có thế nào thì chỉ dạy học sinh như thế, nhiều câu chuyện đã xa, không mang tính thời sự… dẫn đến tình trạng học sinh không muốn học, không tiếp thu được điều gì thiết thực.

Môn này đặc thù là thực tế, vì vậy không thể dạy học sinh những thứ viển vông. Thực tại xã hội này đang đặt ra những vấn đề nhức nhối gì thì mình cần đưa vào giảng dạy, để thông qua những câu chuyện cụ thể, định hướng cho cách nhìn học sinh. Nếu bản thân học sinh có tư duy, suy nghĩ lệch lạc thì mình cần điều chỉnh ngay", cô Tâm nhấn mạnh.

Cô Trần Thị Hường, trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu, chia sẻ, chương trình GDCD lớp 10 có bài học về chức năng gia đình, đạo đức của các thành viên, mối quan hệ giữa các thành viên, tình yêu hôn nhân… Lớp 12 chuẩn bị cho các em bước vào cuộc sống gia đình như thế nào là đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy cho học sinh các kiến thức trong sách thì khá khô cứng.

Từ thực tế giảng dạy, cô Hường rút ra kinh nghiệm, nếu chịu đầu tư về phương pháp thì môn học này sẽ hấp dẫn học sinh hơn. Cô đã định hướng cho học sinh để các em chuyển thể một số kiến thức khô cứng thành các câu chuyện gần gũi với thực tiễn, đóng các tiểu phẩm kịch, quay các video để lấy tư liệu dạy học.

Ví dụ, dạy về Luật Hôn nhân & Gia đình trong chương trình lớp 12, cô Hường sẽ cho học sinh đóng tiểu phẩm về bạo lực gia đình, hay các câu chuyện gần gũi với học sinh địa phương vùng Tây Bắc như tảo hôn, trọng nam khinh nữ. Qua các câu chuyện hướng đến cho các em hiểu thế nào là một gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.

Giáo dục về gia đình không cần những vấn đề quá to tát

Trước ý kiến cho rằng, hiện nay chương trình GDCD trong nhà trường còn thiếu những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu thương con người… dẫn đến xảy ra những vụ án đau lòng kể trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam,  cho rằng nguyên nhân này chỉ là một phần nhỏ.

Con vào đội tuyển Giáo dục Công dân, mẹ gọi điện xin rút - Ảnh 3.

Giáo viên đưa các tình huống đời sống vào giảng dạy để mềm hóa chương trình, thu hút học sinh - Ảnh: Trần Hường

Theo TS Tùng Lâm, vấn đề chính là nhiều giáo viên đang nặng về kiến thức, muốn học sinh phải có đủ điểm số, nộp bài cho đủ nhưng không quan tâm xem học sinh đó sống ra sao, học hành thế nào. Bài thi thường tập trung vào các vấn đề lý thuyết, học sinh không được trải nghiệm.

Thực tế cuộc sống của học sinh mới là quan trọng. Bài thi công dân phải như một bài văn để học sinh nói lên suy nghĩ của mình. Chứ nếu tích vào đúng hay sai theo dạng trắc nghiệm thì biết đâu là cảm xúc? Thay vì những câu hỏi khô khan, hãy để học sinh nêu quan điểm của mình. Chẳng hạn, để học sinh bình luận về vụ án con sát hại cha xem các em nhìn nhận như thế nào?

Cũng theo TS. Lâm, giáo dục về gia đình không cần những vấn đề quá to tát mà hãy dạy cho các em từ những vấn đề nhỏ nhất. Ví dụ như Tết Nguyên đán dạy cho các em kỹ năng chuẩn bị một bữa ăn để tạo ra không khí, kết nối tình cảm giữa các thành viên trong nhà.

Ngoài ra, TS. Lâm nhấn mạnh, muốn giáo dục về tình cảm gia đình thì không chỉ đòi hỏi ở nhà trường mà phải xuất phát gốc rễ từ phía các gia đình, từng tổ chức dân cư, từng cơ quan tập thể. Mỗi năm, mỗi cơ quan hãy tổ chức ngày hội gia đình để mọi người có dịp chia sẻ, từ đó hiểu nhau, làm gương cho nhau. Chúng ta phải có nhiều biện pháp, cách thức để bồi đắp cho mỗi cá nhân thì mới tránh được những "khủng hoảng" kiểu con đánh đập, ngược đãi bố mẹ… như hiện nay.

* Em Đ.N.V, học sinh trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên) chia sẻ: Bản thân em cũng như các bạn cùng lớp không mấy hứng thú với môn GDCD. V. cảm thấy các khái niệm triết học, kinh tế trừu tượng khá khó và xa lạ. Hầu hết học sinh trong lớp coi đây là môn phụ nên không tập trung nghe giảng, thậm chí nhiều bạn trong lớp V. còn coi đây là giờ giải lao, ngủ bù.

Rất nhiều học sinh như V. có tâm lý xem nhẹ môn học giúp hình thành đạo đức, lối sống, dạy làm người này. Ngoài lý do vì GDCD bị gắn mác "môn phụ" từ lâu còn bởi chương trình giáo khoa, nhất là ở bậc THPT được cho là khá khô khan, với những kiến thức cao siêu, thiếu những bài học gần gũi, thiết thực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm