“Công chúa Huawei” bị vướng vào cuộc đụng độ giữa hai thế lực khổng lồ

Nhu Thụy
02/06/2020 - 19:31
“Công chúa Huawei” bị vướng vào cuộc đụng độ giữa hai thế lực khổng lồ

Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu

Thẩm phán Heather Holmes của Tòa án Tối cao British Columbia (Canada) vào ngày 27/5/2020 đã ra phán quyết các cáo buộc lừa đảo mà Mỹ đưa ra đối với Giám đốc tài chính tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei Mạnh Vãn Châu đã thỏa mãn yêu cầu dẫn độ của Canada về "tội phạm kép". Đây là bước cần thiết đối với những nghi phạm trong các vụ án dẫn độ, tức họ phải bị buộc tội tại Canada cũng như quốc gia yêu cầu dẫn độ.

Không được trả tự do

Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu đã không được trả tự do trong phiên tòa quan trọng hôm 27/5 tại Canada, nơi đang xem xét yêu cầu dẫn độ bà sang Mỹ. Thẩm phán Heather Holmes của Tòa án Tối cao British Columbia tuyên bố các cáo buộc về hành vi gian lận đối với bà Mạnh thỏa mãn điều kiện "double criminality" (tội danh kép) về dẫn độ. 

Nguyên tắc định tội danh kép là nguyên tắc đặc thù trong dẫn độ tội phạm được hầu hết các nước áp dụng. Đối tượng bị yêu cầu dẫn độ sẽ được dẫn độ khi hành vi của họ được định danh là hành vi tội phạm theo luật quốc gia của các nước yêu cầu và nước nhận được yêu cầu dẫn độ. Không đáp ứng được yêu cầu này, các quốc gia có quyền từ chối dẫn độ. Điều này có nghĩa là Canada cũng xem các hành vi mà bà Mạnh bị tòa án Mỹ cáo buộc cũng là tội theo luật Canada. Phán quyết trên sẽ mở đường cho phiên điều trần dẫn độ bắt đầu từ tháng 6. Bà Mạnh hiện được tại ngoại và phải đeo vòng theo dõi điện tử, bị quản thúc tại gia từ 23h đến 6h nhưng được tự do đi lại trong thành phố Vancouver nếu có người giám sát an ninh.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada ngày 28/5 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ phán quyết về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của chính phủ Trung Quốc về phán quyết cho rằng bà Mạnh phù hợp với tiêu chuẩn "tội phạm kép" và vụ án dẫn độ bà sang Mỹ sẽ tiếp tục được xét xử. Trước đó, phía Trung Quốc từng tuyên bố, vụ xét xử này "là một sự cố chính trị nghiêm trọng" và chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước mình.

“Công chúa Huawei” gặp khó về pháp lý - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Châu đến tòa án

Vụ án dẫn độ Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei vốn khiến mối quan hệ của Trung Quốc với Canada và Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn sẽ còn tiếp tục. Các phiên xử tiếp theo dự kiến kéo dài đến tháng 10 nhưng trong trường hợp các luật sư của bà Mạnh kháng cáo, vụ án sẽ kéo dài nhiều năm. Thủ tướng Canada Justin Trudeau - kẹt giữa 2 đối tác thương mại lớn nhất- tuyên bố phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm can thiệp vào quá trình tố tụng. Ông nói rằng việc xét xử bà Mạnh sẽ dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. "Canada có hệ thống tư pháp độc lập, hoạt động mà không có sự can thiệp hay chi phối của các chính trị gia", ông Trudeau phát biểu đáp lại những bình luận của Đại sứ Trung Quốc rằng vụ việc bà Mạnh là cái gai lớn nhất trong quan hệ Canada - Trung Quốc. "Trung Quốc không làm việc giống như vậy và dường như không hiểu rằng chúng ta có nền tư pháp độc lập", ông Trudeau nói.

Xuất thân thượng lưu và nguồn cơn "sóng gió"

Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, một trong những doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc, một cựu sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân và là thành viên được bầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi nghỉ hưu và rời lực lượng vũ trang năm 1983, ông Nhậm mới thành lập Công ty Huawei.

Hồi đầu năm 2018, bà Mạnh đã được đề bạt giữ chức Phó Chủ tịch Công ty Huawei như một phần trong kế hoạch cải tổ của công ty. Bà hiện là 1 trong 4 giám đốc điều hành giữ vai trò phó chủ tịch, trong khi vẫn giữ vị trí CFO của mình. Với vai trò quan trọng trong công ty, bà Mạnh được đồn đoán là người có khả năng cao kế thừa Công ty Huawei mặc dù ông Nhậm từng khẳng định, sẽ không có ai trong gia đình ông kế nhiệm ông ở vị trí đứng đầu công ty.

Tháng 8/2018, cái tên Huawei nổi lên giữa căng thẳng Mỹ - Trung sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm sử dụng phần cứng của công ty này trong các mạng lưới của chính phủ Mỹ với lý do an ninh quốc gia, đặc biệt liên quan đến việc triển khai mạng 5G. Trước thông tin trên, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới Huawei đã tuyên bố những lo ngại trên của chính phủ Mỹ là không chính đáng. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tạm thời ngừng cuộc chiến thương mại giữa hai nước để đàm phán trong 90 ngày. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì thông tin bà Mạnh bị bắt tại Canada và dẫn độ về Mỹ lại khiến cuộc xung đột có nguy cơ căng thẳng trở lại.

Bà Mạnh Vãn Châu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 10 triệu đô la Canada và phải đeo thiết bị giám sát ở cổ chân

Vụ bắt giữ bà Mạnh tại sân bay Vancouver (Canada) ngày 1/12/2018 diễn ra theo yêu cầu của Mỹ. Chính quyền Washington muốn bà Mạnh ra tòa tại New York về tội lừa đảo, dẫn đến vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran. Động thái này gây căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ-Trung. Bà Mạnh Vãn Châu đã trở thành mục tiêu nổi tiếng nhất trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc và công ty công nghệ lớn nhất của nước này, mà Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Mỹ muốn dẫn độ bà Mạnh đến New York để đối mặt với các cáo buộc về hành vi gian lận tài chính.

Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố 2 bản cáo trạng với 23 tội danh cáo buộc bà Mạnh cùng tập đoàn Huawei và 2 công ty con là Skycom Tech và Huawei Device USA vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran khi thực hiện các hành vi lừa dối ngân hàng và nhà chức trách Mỹ, lén lút giao dịch với Tehran. Bộ Tư pháp Mỹ còn gọi Huawei và bà Mạnh là mối đe dọa quốc gia, tuyên bố đã truy tố công ty Huawei, giám đốc điều hành, 2 công ty liên kết với 10 tội danh lừa đảo ngân hàng và cáo buộc Huawei phạm tội đánh cắp sở hữu trí tuệ. Công tố viên Mỹ cho rằng ngân hàng đã đặt mình vào nguy hiểm khi nghe theo lời nói dối của bà Mạnh để xử lý vấn đề tài chính của Huawei, đi ngược lại chính sách của Mỹ. Tội gian lận với ngân hàng tại Mỹ có khung hình phạt tối đa là 20 năm tù. Giới chức Mỹ đã theo đuổi vụ bà Mạnh từ trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền: Các quan chức đã tập hợp hồ sơ chống lại bà ít nhất là từ năm 2013.

CEO Nhậm Chính Phi so sánh Huawei với một chiếc máy bay bị trúng đạn và các nhân viên là các kĩ sư đang làm việc cật lực để lấp lại các lỗ thủng. Ở trụ sở của tập đoàn tại Thâm Quyến (Trung Quốc), có các tấm áp phích in hình một chiếc máy bay bị đạn bắn thủng. Đó được xem như một lời nhắc nhở cho các nhân viên về những gì tập đoàn này đang trải qua. Ông Nhậm cho rằng, con gái mình đang phải chịu khổ sở và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn từ đó. "Trong bối cảnh rộng lớn của cuộc thương chiến, con bé như một con kiến bé nhỏ bị vướng vào cuộc đụng độ giữa hai thế lực khổng lồ", ông Nhậm nói.

Nguồn: (Theo SCMP, Guardian)
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm