Email
pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hotline
094.170.7373
Phố Cổng Đục là một con phố hẹp, dài khoảng 110 m, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, (Hà Nội). Phố đi từ ngã 3 Hàng Mã rồi kết thúc tại ngã 3 Hàng Vải.
Năm 1882, Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Người Pháp đã đục phá tường thành để lấy lối ra vào và thuận tiện cho việc mua bán hoặc đi chơi ở chợ Đông Thành. Từ đó, phố có tên Cổng Đục nghĩa là có cái cổng mở ra ở tường thành phía đông. Ngày nay, con phố nhỏ vẫn giữ được vẻ yên bình, nằm nép mình gần như tách biệt khỏi sự tấp nập và ồn ào của phố thị.
Phố Nhà Hỏa là một con phố thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Phố dài 128 m, rộng 6 m bắt đầu từ ngã 5 phố Hàng Gà, Hàng Điếu, Hàng Phèn, Cửa Đông đến góc phố Đường Thành và Bát Đàn.
Sở dĩ có phố có tên gọi như vậy vì trước đây, nhà cửa đều làm bằng vật liệu thô sơ, dễ cháy như tre, gỗ nên hỏa hoạn thường xuyên xảy ra. Chính vì thế, người dân nơi đây đã lập miếu thờ thần Hỏa. Hiện nay, đền Nhà Hỏa (30 Hàng Điếu) là đền duy nhất thờ thần Hỏa tại Việt Nam.
Tạm Thương là một con ngõ hẹp và ngắn chỉ chừng hơn 100 m, mặt phía nam mở ra phố Hàng Bông. Theo đó, tên Tạm Thương có từ đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn. Khi ấy, quan chức Hà Nội có cho dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương. Vì thế, con đường này sau đổi thành ngõ Tạm Thương, thời Pháp thuộc gọi là Ruelle Tam Thuong.
Bên cạnh những nét hoài cổ, dung dị, ngõ Tạm Thương ngày nay có nhiều đổi khác với những ngôi nhà cao tầng, các cửa hiệu buôn bán mọc san sát nhau. Ban ngày, con ngõ nhỏ khá yên tĩnh, vắng vẻ nhưng từ 5 giờ chiều trở đi, ngõ Tạm Thương được biết đến như một tụ điểm ăn uống quen thuộc của các bạn trẻ với món nem chua rán trứ danh.
Chân Cầm là con phố thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, nối Lý Quốc Sư với Phủ Doãn. Con phố có chiều dài 136 m, chiều rộng 6 m. Được biết, Chân Cầm trước đây là phần đất của thôn Chân Tiên và thôn Minh Cầm thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, hai thôn này hợp thành một thôn Chân Cầm và tổng Tiền Túc đổi tên là tổng Thuận Mỹ.
Ngày nay, Chân Cầm là con phố sầm uất, địa chỉ quen thuộc của tín đồ thời trang và ẩm thực Hà thành.
Phố Ấu Triệu có chiều dài 210 m, chiều rộng 6-7 m. Là con phố nối từ Lý Quốc Sư đến phố Phủ Doãn, bên cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội. Phố mang tên Ấu Triệu (Bà Triệu bé) để tưởng nhớ bà Lê Thị Đàn, người làng Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Bà là một nhân vật tích cực trong phong trào Đông Du, phụ trách việc liên lạc với các cơ sở trong nước và đưa những người yêu nước xuất dương.
Ngày nay, con phố trở nên khá tấp nập khi các cửa hàng buôn bán mọc lên như nấm. Ấu Triệu trở thành nơi lý tưởng cho các cặp đôi hẹn hò mỗi cuối tuần khi vừa có thể ngắm Nhà thờ Lớn, lại vừa có thể thưởng thức món nem chua nướng nổi tiếng.
Dốc Tam Đa có chiều dài 153 m, rộng 6 m. Con dốc này thông từ đường Thụy Khuê sang đường Hoàng Hoa Thám. Dốc Tam Đa thuộc quận Tây Hồ. Có nhiều sự tích xoay quanh cái tên này, nhưng theo tác giả Tô Hoài viết trong cuốn "Hà Nội tản văn - Làng, ngõ vỉa hè" lý giải, sở dĩ có tên gọi này bởi ngày trước ở đây có nhà Ích Phong làm dầu cù là, trước cổng có tượng tam đa: Phúc, Lộc, Thọ nên người dân quen gọi là nhà Tam Đa và nay là dốc Tam Đa.
Hiện nay, ngay cạnh con dốc là chợ Tam Đa. Hàng ngày, nơi đây diễn ra các hoạt động buôn bán vô cùng tấp nập.
Dốc La Pho là một con dốc dài khoảng 300m, nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, nối từ đường Hoàng Hoa Thám xuống dốc Thuỵ Khuê. Nằm sát vách Công viên Bách Thảo Hà Nội.
Năm 1873, kể từ khi bắt đầu chiếm đóng Hà Nội, người Pháp đã rất chú trọng phát triển môi trường đô thị nơi đây. Năm 1888, người Pháp lập “Jardin d'essal” (Vườn thí nghiệm thực vật) rộng 33ha (nay gọi là vườn Bách Thảo). Vườn chia thành hai khu: Khu cao (bên đường Hoàng Hoa Thám) là vườn cây, nuôi thú là nơi đi dạo, giải trí… Khu thấp (bên đường Thụy Khuê) làm Vườn ươm, ươm các giống cây bản địa, giống nhập từ Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Âu. Người phụ trách vườn ươm đầu tiên là một người Pháp, tên là Laforge. Thế nên còn gọi là vườn Laforge, từ đó có dốc Laforge… Người dân sau này đọc chệch ra thành La - Pho, và con dốc này được đặt tên là La Pho cho đến ngày nay.