pnvnonline@phunuvietnam.vn
Covid-19 chui vào cơ thể và tấn công phổi theo cách nào?
Virus corona xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và tấn công gây tổn thương phổi.
Bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) hiện đang diễn biến phức tạp. Trên thế giới, tính đến ngày 15/3/2020 đã có 133 Quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh nhân với hơn 120.000 người mắc trong đó trên 5.000 trường hợp đã tử vong.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 56 trường hợp mắc, trong đó 16 trường hợp chữa khỏi.
Khi vừa phát hiện ra ca mắc đầu tiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và xác định nguyên nhân gây bệnh là do virus corona chủng mới. Đây là loại virus đã gây nhiều bệnh nguy hiểm như SARS, MERS…
Vậy, virus corona chủng mới tấn công và gây bệnh viêm phổi cấp như thế nào?
Theo PGS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, Coronavirus là họ virus được gọi tên theo hình dạng của chúng dưới kính hiển vi. Chúng có hình cầu và bề mặt của chúng phủ đầy những chiếc gai giống như hình vương miện. Khi nhiễm coronavirus, bệnh nhân có một loạt các triệu chứng bao gồm sốt, ho, thở ngắn và khó thở. Các trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh, trong khi các trường hợp nghiêm trọng có thể gây viêm phổi, bệnh hô hấp cấp tính nặng, suy thận và tử vong.
Khi virus corona chủng mới xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ phải vượt qua lớp màng bảo vệ đầu tiên: da, niêm mạc ở mũi, miệng hay ruột. Sau đó, virus tấn công vào tế bào phổi. Lúc này, virus chèn RNA của nó vào DNA của tế bào phổi và chiếm quyền kiểm soát. Ở đây, nó sẽ lợi dụng cỗ máy sản xuất protein và vật chất di truyền của tế bào vi mao để tự tổng hợp và nhân lên hàng ngàn lần.
Khi tế bào ở phổi đã chứa quá nhiều virus thì chúng tiếp tục đi lây nhiễm các tế bào mới. Phản ứng dây chuyền diễn ra khiến lớp vi mao trong phổi người bệnh bị bong tróc. Người bệnh sẽ ho và thải ra ngoài hàng triệu virus Covid-19 cùng với bụi bẩn, mảnh vụn khác khiến vật chủ sốt, ho, khó thở và viêm phổi.
Lúc này, hệ thống miễn dịch phát hiện ra tổn thương trong phổi do virus gây ra nên tràn vào phổi tấn công nhằm tiêu diệt virus. PGS. Nguyễn Văn Kính cho biết, hệ miễn dịch là bộ phận đặc biệt và rất quan trong của cơ thể được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Chúng phối hợp với nhau để chống lại vi khuẩn, virus, vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể.
Hệ miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một loạt các bước được gọi là phản ứng miễn dịch. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ bên ngoài, hệ miễn dịch còn sàng lọc tế bào đột biến bất thường bên trong cơ thể có khả năng gây ung thư để tiêu diệt trước khi chúng gây bệnh.
Trường hợp cơ thế có hệ miễn dịch tốt, chúng chỉ tấn công virus và đóng quân ở những vùng phổi bị tổn thương. Người nhiễm virus sẽ tự khỏi bệnh.
Covid-19 ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày sau khi lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu chưa vào trong cơ thể, Covid-19 tồn tại được trên bề mặt các vật dụng tối đa 9 ngày. Theo quy luật của các bệnh nhiễm trùng do virus cấp tính, thời điểm lây nhiều nhất là vào thời kỳ khởi phát. Khi bệnh nhân bắt đầu ho, sốt, viêm họng, chảy nước mũi, ho khạc, nó sẽ lây giọt bắn trong không khí chui qua đường hô hấp con người, có thể lây từ 1-5 người.
PGS. Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ
Tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc gặp vấn đề, chúng sẽ tràn vào phổi và tiêu diệt bất kỳ một thứ gì trên đường đi của mình, cả các virus, cả các tế bào phổi còn đang khỏe mạnh. Điều này khiến phổi tiếp tục tổn thương gây suy hô hấp. Quy mô của cuộc tấn công lớn đến nỗi ngay cả khi bệnh nhân may mắn sống sót, các tổn thương này ở phổi cũng sẽ trở thành những vết sẹo vĩnh viễn giống như tổ ong. Các tổn thương này có thể được nhìn thấy trên phim chụp X-quang của bệnh nhân.
Lúc này, phổi sẽ tự bảo vệ bằng cách hình thành những vết sẹo và cứng lại. Đây là lúc bệnh nhân không thể tự hô hấp được nữa, các bác sĩ phải đặt máy thở để hỗ trợ. Cùng lúc đó, tình trạng viêm sẽ làm cho màng giữa các phế nang và mạch máu trở nên thẩm thấu hơn, gây tràn dịch và hạn chế khả năng hấp thụ oxy của phổi.