pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cứ tưởng chăm uống acid folic sẽ ngừa dị tật thai nhi, mẹ hối hận khi nhìn con chào đời
Acid folic (hay axit folic hoặc vitamin M) cần thiết trong dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể người, nhằm phục vụ quá trình tạo mới tế bào. Nhu cầu về chất này tăng cao ở phụ nữ khi mang thai, thậm chí chuẩn bị mang thai chị em cũng nên bổ sung acid folic.
Acid folic giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh (NTDs), dị tật bẩm sinh, tổn thương tủy sống (như nứt đốt sống) và não (như thiếu não). Các khuyết tật ống thần kinh xảy ra ở giai đoạn đầu của sự phát triển, thậm chí đối với nhiều phụ nữ chúng còn xảy ra trước khi mang thai. Bổ sung vi chất này đúng liều lượng có thể giúp giảm nguy cơ trẻ sơ sinh mắc phải những khuyết tật như sứt môi, hở hàm ếch, và một số bệnh khuyết tật về tim. Ngoài ra, acid folic còn giúp mẹ bầu ngừa thiếu máu, giảm nguy cơ tiền sản giật, có lợi cho việc sản xuất, điều chỉnh, và vận hành của AND.
Tuy nhiên, việc bổ sung acid folic cần đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ. Việc bổ sung quá liều có thể để lại nhiều hậu quả xấu.
Đơn cử như 1 bà mẹ có tên Tiểu La (25 tuổi, sống tại Hợp Phì, Trung Quốc). Kết hôn không lâu thì cô mang bầu. Lần đầu đi khám thai, mẹ trẻ được bác sĩ dặn dò rằng cần ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung acid folic để ngừa dị tật thai nhi. Tiểu La nghe theo lời bác sĩ. Khi về cô mua acid folic để bổ sung ngay. Tuy nhiên, liều lượng ghi trên bao bì sản phẩm là 1 viên/ngày. Nhưng mẹ trẻ lại nghĩ rằng uống càng nhiều càng tốt nên cô đã dùng tới 2-3 viên/ngày.
Đến tháng thứ 6 của thai kỳ, khi đi kiểm tra, sau khi đo các chỉ số, bác sĩ cho biết thai nhi hơi chậm phát triển hơn mức trung bình và kê thêm thuốc bổ cho Tiểu La. Đồng thời nhắc nhở cô phải ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và đi khám thai định kỳ. Về nhà, Tiểu La có uống thêm thuốc của bác sĩ kê cho. Đồng thời cô vẫn uống acid folic với liều lượng lớn. Mẹ trẻ nghĩ rằng, con sinh ra đã còi không thể bị dị tật thai nhi được.
Kết quả là bước sang tháng thứ 8, khi đi khám thai, thấy em bé có dấu hiệu không đạp, không phát triển, bác sĩ đã chỉ định mổ lấy thai. Em bé chào đời nặng 2,2 kg và phải chuyển ngay đến Trung tâm chăm sóc dành cho trẻ sinh non.
Bà mẹ lúc này khóc nức nở vì thương con. Chị nói rằng vẫn bổ sung đầy đủ chất sao con có thể như thế. Bác sĩ đã động viên chị và tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi được kể cho chuyện chị uống 2-3 viên acid folic một ngày, bác sĩ lắc đầu và kết luận rằng đây là 1 sự kém hiểu biết tai hại. Mẹ trẻ nghe xong lời giải thích thì hối hận vô cùng. Đáng nhẽ chị nên tìm hiểu kỹ hơn về việc bổ sung dinh dưỡng.
Mẹ bầu bổ sung thừa acid folic có hại như thế nào?
- Rối loạn hệ thống thần kinh của bà bầu: Lượng acid folic (dạng tổng hợp Vitamin B9) dư thừa có thể làm tăng tốc độ lão hóa các tế bào thần kinh khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng hay quên, rối loạn nhận thức, suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, gây ra các triệu chứng như co giật, ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ người mẹ mà cả thai nhi.
- Buồn nôn: Bổ sung acid folic quá mức trong thời gian thai kỳ dễ khiến mẹ bầu gặp rắc rối về tiêu hóa. Từ đó dẫn đến biếng ăn, buồn nôn, đầy hơi… Những triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng ốm nghén đầu thai kỳ.
- Kìm hãm sự phát triển não bộ của trẻ: Thừa chất này có thể cản trở hoạt động của hormone insulin và kìm hãm sự phát triển não của thai nhi. Em bé khi sinh ra có thể bị chậm phát triển trí tuệ, không nhanh nhạy, nhận thức kém,…
- Tăng nguy cơ trẻ nhẹ cân: Hàm lượng acid folic trong cơ thể mẹ có liên quan đến sự trao đổi chất cho cơ thể thai nhi, dẫn đến việc hấp thụ kẽm kém và làm tăng nguy cơ thiếu kẽm. Việc thiếu kẽm có thể sẽ làm chậm sự phát triển của thai nhi, từ đó làm tăng xác suất mẹ sinh ra con nhẹ cân, chậm phát triển.
Mẹ bầu cần làm gì khi thừa acid folic?
- Dừng ngay việc bổ sung acid folic dưới dạng thuốc hoặc dạng tiêm vào cơ thể.
- Uống nhiều nước để bài trừ lượng thừa acid folic qua nước tiểu.
- Đến cơ sở y tế tin cậy thăm khám thai, đo nồng độ acid folic và nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về cách khắc phục.
Bổ sung acid folic bao nhiêu là đủ?
- Để giảm nguy cơ trẻ bị khuyết tật ống thần kinh, các chuyên gia khuyên phụ nữ nên dùng 400 mcg acid folic mỗi ngày, bắt đầu ít nhất một tháng trước khi dự định có thai.
- Mẹ bầu nào bổ sung vitamin tổng hợp trước khi sinh theo đơn, thì trong chúng có thể chứa 800 đến 1.000 mcg acid folic. Hãy kiểm tra lại đơn thuốc. Đừng uống nhiều hơn 1.000 mcg acid folic mỗi ngày, trừ khi được bác sĩ tư vấn. Ngoài ra những người ăn chay có nguy cơ bị thiếu vitamin B12 và thừa acid folic, vì thế mẹ bầu nào ăn chay cần đi khám để bổ sung liều lượng hợp lý.
Những nguồn thực phẩm chứa acid folic
Các loại thực phẩm giàu folate (acid folic) tự nhiên bao gồm đậu lăng; đậu Hà Lan khô; rau màu xanh đậm như: bông cải xanh, cải chân vịt, củ cải xanh, đậu bắp, măng tây;...
Cam không chỉ là loại quả chứa nhiều vitamin C cần thiết trong quá trình mang thai mà còn giàu acid folic. Một quả cam có thể chứa tới 55mcg acid folic.
Ngũ cốc: Thực phẩm làm từ ngũ cốc có gấp đôi số lượng acid folic thường thấy trong nhiều thực phẩm không được bổ sung.
Quả bơ: Ngoài tác dụng làm đẹp da, bơ là loại quả tuyệt vời đối với phụ nữ trước và trong quá trình mang thai. Bơ chứa rất nhiều axit béo omega 3 và hàm lượng acid folic cao.
Nước ép cà chua: Ngoài tác dụng giúp cơ thể mẹ bầu hấp thụ sắt tốt hơn, một cốc nước ép cà chua chứa tới 48mcg acid folic.