Cùng con vượt qua “tuổi bất trị”

K.Minh
26/04/2021 - 12:44
Cùng con vượt qua “tuổi bất trị”

Trước đứa con bất trị, nhiều bố mẹ cảm thấy lúng túng. Tuy nhiên, không ít bố mẹ lại dùng biện pháp "cứng rắn" với con. Ảnh minh hoạ

Nhìn cậu con trai lớp 10 không coi bố mẹ ra gì, có lần bỏ nhà đi khi bị bố quát, chị Hoàng Anh Thu (Mỹ Lộc, Nam Định) cảm thấy rất buồn phiền, bất lực vì con.

Chị Thu cho biết, con chị từ bé đã hiếu động và không coi trọng phép tắc. Lúc đi học, cậu đã luôn bị cô giáo nhắc nhở vì ý thức kém, hay trêu các bạn, cãi cô giáo. Bước vào tuổi dậy thì, cậu bé càng nổi loạn hơn. Học lớp 8, con đã lén lấy tiền mừng tuổi để mua điện thoại thông minh. Kể từ đó, con bắt đầu cắm mặt vào điện thoại và nghiện chơi game. Con học hành sa sút, chểnh mảng. Khi bị bố mẹ nhắc, con luôn tỏ thái độ chống đối. Thậm chí, có lần bố nhắc học bài vì sắp đến kỳ thi, con đã doạ bỏ nhà đi và đêm đó con bỏ nhà đi thật.

Con hay cãi láo và nói trống không với người trong gia đình, đặc biệt là với bố mẹ. Thế nhưng, khi ra ngoài gặp người lớn, con lại tỏ ra ngoan ngoãn. Con hay nói những câu tiêu cực như: "Cuộc đời này chán nhỉ, chết đi cho xong". Vợ chồng chị Thu chỉ biết dõi theo con để con không bị những nhóm bạn xấu lôi kéo. Việc khuyên nhủ không hiệu quả vì cậu bé toàn cãi cùn, mặc kệ. Còn nếu bố mẹ dọa nạt thì con bỏ nhà đi hoặc dọa tự tử. Vợ chồng chị Thu cảm thấy bất lực với cậu con trai đang ở tuổi "dở dở ương ương" của mình.

Sau khi ly hôn, anh Hoàng nhận nuôi con. Không có mẹ bên cạnh, con càng bướng bỉnh và chống đối bố. Con cho rằng bố không được can thiệp vào cuộc đời con, việc của bố chỉ là trả tiền học và nuôi con ăn. Con đánh nhau với bạn, ăn cắp tiền của thầy giáo ở lớp học thêm, có nhiều ý nghĩ và hành động ác độc... Mỗi lần anh Hoàng định nói chuyện với con thì cậu bé lại đóng sập cửa. Có lần, cậu còn doạ, nếu bố nói nhiều nó sẽ nhảy xuống sông tự tử. Anh Hoàng không biết phải dạy con như thế nào.

Cùng con vượt qua “tuổi bất trị” - Ảnh 1.

Hơn bao giờ hết, cha mẹ phải thật sự là những người luôn đồng hành cùng trẻ, nhất là giai đoạn cuối của thiếu niên, giai đoạn đầu của sự trưởng thành. Ảnh minh hoạ

Trước đứa con bất trị, nhiều bố mẹ cảm thấy lúng túng. Tuy nhiên, không ít bố mẹ lại dùng biện pháp "cứng rắn" với con. Nói nhẹ, khuyên răn con không nghe, họ dùng đòn roi để uốn nắn. Có người đã dùng xích sắt xích con lại, lột quần áo của con, cắt trụi tóc... Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, những hình phạt đó chưa bao giờ hiệu nghiệm. Nó chỉ khiến đứa con miễn cưỡng nghe lời chứ không hiểu ra cái sai. Dùng bạo lực tuyệt đối không giải quyết được vấn đề.

Theo giảng viên tâm lý Nguyễn Văn Công (ĐH Nguyễn Huệ), cha mẹ phải thường xuyên nắm vững những diễn biến tâm lý của trẻ, thử xem các em đang cần gì? Tại sao khi được đáp ứng, trẻ lại không cảm thấy thỏa mãn mà đòi hỏi nhiều hơn? Vì sao hàng ngày các em biểu hiện bình thường nhưng thiếu niềm tin với những người thân?... Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý đến các hành vi của con, của những người bạn mà con thường giao lưu, hoặc những cử chỉ, động tác của trẻ hàng ngày. Tất cả những can thiệp thô bạo của người lớn đều làm cho trẻ cảm thấy mình bị chế giễu, xúc phạm và đương nhiên là hậu quả khó lường. Hơn bao giờ hết, cha mẹ phải thật sự là những người luôn đồng hành cùng trẻ, nhất là giai đoạn cuối của thiếu niên, giai đoạn đầu của sự trưởng thành. Do vậy, người lớn cần có những cách ứng xử phù hợp, chia sẻ, động viên, khen ngợi, thuyết phục, cùng trẻ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm