Cuộc cạnh tranh giá vé, thời gian giữa đường sắt cao tốc và hàng không

18/12/2018 - 05:34
Các chuyên gia cho rằng, với những lợi thế nhất định, trong tương lai, đường sắt cao tốc hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng không.
9878.jpg
Ảnh minh họa

 

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị để nghe liên danh tư vấn công bố báo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, có vốn đầu tư hơn 58 tỷ USD.

Trong đó, liên danh tư vấn đề xuất giá vé giai đoạn đầu sẽ bằng 50% vé máy bay, vé loại cao nhất bằng 75% giá vé máy bay.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, đường sắt tốc độ cao đang ngày càng gia tăng mức độ cạnh tranh với hàng không cả về giá vé lẫn thời gian đi lại. Nếu như trước đây, hành khách thường chọn máy bay cho những chặng trên 1.000 km để tiết kiệm thời gian, thì giờ đây ngành đường sắt đang giành lại thị phần cũng như thu hẹp dần khoảng cách với hàng không.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh và Đại học Nam Florida cho biết, thời gian đi lại và làm thủ tục có ý nghĩa rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của các loại hình vận tải.

Trên thực tế, dịch vụ tàu cao tốc giá rẻ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước Tây Âu là minh chứng cho thấy đường sắt có thể cạnh tranh tương đương với hàng không trên cùng một lộ trình.

1.jpg
Tàu shinkansen ở Nhật Bản - Ảnh minh họa

 

Theo Tân Hoa Xã, đường sắt là một trong những ngành tăng trưởng sôi động nhất tại Trung Quốc, nơi có mạng lưới đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới. Hiện Trung Quốc đang hướng tới tham vọng có những chuyến tàu nhanh nhất thế giới trong tương lai. Mới đây nước này vừa chính thức đưa vào sử dụng tàu cao tốc Fuxing tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải, một trong những lộ trình nhộn nhịp nhất thế giới với hơn 100 triệu hành khách mỗi năm. Nhờ tốc độ lên đến 350 km/h, quãng đường hơn 1300 km từ Bắc Kinh tới Thượng Hải chỉ mất 4 giờ 28 phút. Còn hàng không chỉ mất 2 tiếng 10 phút kể cả thời gian làm thủ tục; nhưng thủ tục của đường sắt lại đơn giản hơn, giá vé rẻ hơn nên được nhiều người ưa chuộng.

Bà Yu Zhang, Giáo sư thuộc đại học South Florida cho rằng, ngành đường sắt và hàng không Trung Quốc đang cạnh tranh khá gay gắt về giá vé cũng như các hình thức dịch vụ. Theo thời gian, vé tàu ngày một giảm và đó là một phần chiến lược để ngành đường sắt thu hút thêm khách hàng: “Rõ ràng, sự phát triển của đường sắt khiến dịch vụ hàng không bị ảnh hưởng dù lượng hàng khách hiện giảm chưa đáng kể”.

90.jpg
Ảnh minh họa

 

Theo thống kê, trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, có 390 triệu người Trung Quốc chọn đi lại bằng đường sắt trong khi chỉ 65 triệu người di chuyển bằng hàng không.

Còn tại châu Âu, đường sắt cao tốc Eurostar từ Luân Đôn (Anh) đến Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) phục vụ tới 10 triệu người trong năm ngoái với giá vé chỉ 34 Euro (hơn 900.000 đồng)

Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) cho biết, tuyến Paris-Bordeaux có tốc độ tăng trưởng lên tới 70% kể từ khi ra mắt vào tháng 7/2017. Trong một tuyên bố, ông Rachel Picard, đại diện của SNCF tự tin khẳng định, trong tháng 11/2017 công ty này đạt 82% thị phần phục vụ vận tải chặng từ Paris tới Bordeaux: “Tàu tốc độ cao mang lại lợi ích cho tất cả hành khách, số lượng người đi lại thường xuyên đã tăng gấp đôi so với năm 2016”.

Ngoài ra, một số công ty đường sắt khác tại châu Âu, như công ty Italo của Ý cũng đang thành công nhờ chiến lược giá rẻ. Năm 2017, đơn vị này kiểm soát tới 30% thị phần đường sắt cao tốc, phục vụ 12,8 triệu hành khách với tổng doanh thu trong năm 2017 khoảng 455 triệu Euro.

Thậm chí, Italo còn tạo ra áp lực khiến hai ông lớn hàng không giá rẻ là Ryanair và EasyJet phải dừng khai thác tuyến bay giữa Rome và Milan bởi công ty này chạy hàng chục chuyến tàu giữa hai thành phố với giá vé khứ hồi chỉ 40 Euro (hơn 1 triệu đồng); trong vé máy bay khứ hồi rẻ nhất là 79 Euro (hơn 2 triệu đồng).

988.jpg
Ảnh minh họa

 

Theo các chuyên gia, đường sắt có nhiều lợi thế nhờ khả năng tiếp cận linh hoạt cũng như thủ tục nhanh gọn hơn. Còn đánh giá về hiệu quả của dự án dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhiều chuyên gia cho rằng "đường sắt tốc độ cao có những lợi thế với đất nước có địa hình hẹp, kéo dài như Việt Nam".

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng, trong 10-15 năm nữa, khi dân số Việt Nam tăng trên 100 triệu người thì nhu cầu đi lại rất lớn, cần nhiều phương thức vận tải và nhiều người sẽ ưu tiên chọn đường sắt vì tính an toàn cao hơn đường bộ./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm