Cuộc đời thăng trầm của nữ triệu phú da màu đầu tiên tại Mỹ

Nguyên Bách
01/07/2020 - 19:16
Cuộc đời thăng trầm của nữ triệu phú da màu đầu tiên tại Mỹ
Vào thế kỷ 19, Mary Ellen Pleasant đã trở thành một trong những nữ triệu phú tự thân da màu đầu tiên tại Mỹ dẫu chế độ nô lệ vẫn tồn tại. Tích lũy được khối tài sản hàng chục triệu USD, bà đã ủng hộ chủ nghĩa phế nô trên khắp nước Mỹ và giúp các nô lệ trốn thoát qua Đường sắt ngầm.

Làm giàu nhờ... "nghe lỏm" mẹo đầu tư

Mary Ellen Pleasant (sinh năm 1814) bị chia cắt khỏi bố mẹ từ khi còn rất nhỏ. Bà phải tới làm người giúp việc cho một gia đình người da trắng ở Massachusetts. Trong quãng thời gian ở đây làm việc, bà đã tự học đọc và viết nhưng chưa từng trải qua bất cứ trường lớp chính thức nào. "Tôi thường tự hỏi nếu mình được đi học thì như thế nào. Tôi đã đọc sách và nghiên cứu kỹ lưỡng về con người, cả đàn ông và phụ nữ", bà Pleasant đã viết trong cuốn tự truyện xuất bản năm 1902 của mình.

Năm 1852, Pleasant chuyển sang San Francisco đúng thời kỳ cơn sốt vàng ở California lên đỉnh điểm. Ở đó, bà làm giúp việc và đầu bếp cho các doanh nhân giàu có. Đàn ông da trắng giàu có thường không chú ý đến những người phụ nữ da màu như Pleasant, do đó bà coi đây là lợi thế của mình. Tận dụng sự gần gũi và vô danh của mình, bà đã thu thập được vô vàn lời khuyên đầu tư có giá trị, bằng cách "nghe ngóng" các ông chủ nói chuyện. Thực tế, các nhà sử học nghi ngờ rằng bà chọn làm nghề giúp việc để thu thập các bí mật đầu tư. "Rất có thể bà ấy đã chọn nghề giúp việc làm vỏ bọc bởi bà ấy đã kiếm đủ tiền từ việc đầu tư", Lynn Hudson, người viết cuốn hồi ký "The Making of Mammy Pleasant", cho biết.

Baâ Mary Ellen Pleasant àêìu tû vaâo viïåc khai thaác moã vaâng

Bà Mary Ellen Pleasant đầu tư vào việc khai thác mỏ vàng

Người chồng đầu của bà là James Henry Smith. Các nhà sử học tin rằng ông này là người da trắng hoặc có bố hay mẹ là người da trắng. Khi Smith qua đời vào những năm 1840, ông để lại cho vợ 45.000 USD. Người chồng thứ hai của bà là một người đàn ông da màu có tên John Pleasant. Ở tuổi 38, Pleasant được cho là kiếm được tới 500 USD/tháng bằng nghề đầu bếp khi mới đến San Francisco. Bà đã đầu tư phần lớn tiền lương và tiền tiết kiệm của mình vào lĩnh vực bất động sản và bất cứ cơ hội nào mà bà nghe tới, bao gồm cả khai thác mỏ vàng và mỏ bạc. Bà cũng kinh doanh ở lĩnh vực giặt là. Tới năm 1860, Pleasant trở thành chủ của một chuỗi cửa hàng giặt là và nhà trọ khá đông khách. Thế nhưng, bà vẫn giả làm giúp việc tại chính những nơi này để không gây quá nhiều sự chú ý.

Lúc này, Pleasant gặp một nhân viên ngân hàng da trắng tên là Thomas Bell. Người đàn ông này đã giúp bà theo đuổi tham vọng đầu tư và trở thành đối tác lâu năm của bà sau này. Cả hai đã cùng nhau hợp tác để có thể trở nên giàu có hơn. Để tránh bị phân biệt chủng tộc hoặc bị nghi ngờ tại sao một người phụ nữ da màu lại tích lũy được nhiều tài sản như vậy, Pleasant đã để Bell đứng tên tất cả các khoản đầu tư của mình. Cả hai đã cùng mua cổ phiếu của các hiệu giặt là, trang trại sữa, nhà hàng và cả ngân hàng Wells Fargo được thành lập năm 1852 ở San Francisco. Một số nhà sử học ước tính, khối tài sản chung của hai người có thể lên tới 30 triệu USD (tương đương với 864 triệu USD ngày nay do lạm phát).

Bà Mary Ellen Pleasant lúc trẻ và khi về già

Là một người phụ nữ gốc Phi trong thế kỷ 19, Pleasant không dám khoe khoang về khối tài sản của mình nhưng cũng không hoàn toàn im lặng. Bà đã xây một biệt thự gồm 30 phòng có trị giá 100.00 USD vào thời điểm đó (tương đương 2,4 triệu USD ngày nay) tại San Francisco. Trong cuốn hồi ký về bà, nhà sử học Lynn Hudson đã miêu tả khối bất động sản như một "biệt phủ thời Victoria nhiều tầng cực kỳ sang trọng với sân vườn rất rộng". Pleasant sống trong biệt thự cùng với gia đình của Bell mặc dù bà có nhiều tòa nhà khác như trang trại rộng gần 400 héc-ta tại Thung lũng Sonoma ở phía Đông Bắc San Francisco. Vì thế, bà phải đối mặt với nhiều tin đồn cay nghiệt, chẳng hạn như bà là tình nhân của Bell.

Trang trại của Pleasant ngày nay

Trang trại của Pleasant ngày nay

Tích cực hỗ trợ phong trào bãi nô

Suốt cuộc đời mình, bà Pleasant đã dùng phần lớn tài sản của mình để đấu tranh giải phóng nô lệ. Bà tạo công ăn việc làm và tìm chỗ ở cho những người Mỹ gốc Phi thoát khỏi kiếp nô lệ, giúp họ tìm lại cuộc sống mới. Pleasant được cho là đã từng đóng góp 30.000 USD (tương đương 850.000 USD ngày nay) để hỗ trợ John Brown nổi dậy chống lại ách nô lệ năm 1859, sự kiện mở đầu cho một cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng nô lệ lớn sau đó. Nhờ đó, danh tiếng của Pleasant càng được nhiều người biết đến. Bà giúp nô lệ trốn thoát qua Đường sắt ngầm (mạng lưới đường trốn và nhà an toàn để các nô lệ gốc Phi chạy trốn tới các bang tự do và Canada) và chống lại phân biệt chủng tộc thông qua các vụ kiện tụng. Bà từng tham gia vụ kiện năm 1866 chống lại hai công ty xe điện bị cáo buộc phân biệt chủng tộc ở San Francisco. "Tất cả những gì người Mỹ gốc Phi biết là nếu họ muốn thứ gì, họ có thể tìm đến bà ấy và Pleasant sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ", Susheel Bibbs, người nghiên cứu về Pleasant hơn 2 thập kỷ, nói.

Một số bài báo viết về bà Pleasant trên tờ The Call và The San Francisco Call

Một số bài báo viết về bà Pleasant trên tờ The Call và The San Francisco Call

Tuy nhiên, thành công vượt qua rào cản chủng tộc và giai cấp của một nữ triệu phú da màu đã làm dấy lên những cáo buộc không hay. Bà bị đồn tích trữ được của cải nhờ tà thuật có nguồn gốc từ châu Phi. Nhà trọ của bà bị cáo buộc là nhà thổ và báo chí thường gọi bà là Mammy Pleasant (vú em người da màu chuyên chăm sóc trẻ da trắng), biệt danh mà bà căm ghét do yếu tố chủng tộc. Đáng buồn thay là người phụ nữ tài giỏi này không giữ được khối tài sản đồ sộ của mình cho đến cuối đời. Sau khi Bell - đối tác lâu năm của Pleasant - qua đời năm 1892, vợ ông ta đã kiện Pleasant, cho rằng bà đã độc chiếm khối tài sản chung trị giá hàng trăm triệu USD của cả hai. Pleasant đã phải chịu thua một cách cay đắng trước pháp luật bởi khối tài sản của bà có mối liên hệ quá chặt chẽ đến Bell, tới mức bà không thể chứng minh cái gì là của riêng mình. Vì thế, Pleasant đã mất hết toàn bộ tài sản mà mình dày công tích lũy bao năm. Bà cũng bị đuổi khỏi căn biệt thự ở San Francisco dù đã đưa ra bằng chứng trước tòa cho thấy mình thiết kế và trả tiền xây căn nhà.

Không xu dính túi, bà lại quay trở về cuộc sống nghèo khó và phải sống với bạn bè cho đến khi trút hơi thở cuối vào năm 1904 khi đã gần 90 tuổi. Dù vậy, Mary Ellen Pleasant được nhớ đến là người phụ nữ dám nghĩ dám làm, khôn ngoan, phá vỡ các rào cản, đúng như câu nói nổi tiếng của bà: "Tôi thà làm một xác chết còn hơn làm một kẻ hèn nhát".

Nguồn: CNBC, face2faceafrica.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm