pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc thiên di lịch sử của những hộ dân tộc Thái, Khơ Mú nơi lòng hồ Bản Vẽ
Chị Vi Thị Thoan từng gặp không ít khó khăn khi mới "hạ sơn" nhưng hiện là gia đình có kinh tế khá ở xã Ngọc Lâm
Chật vật làm quen với cách sản xuất mới
Ngôi nhà vừa mới hoàn thành của gia đình chị Vi Thị Thoan (SN 1971) nằm bên ngã ba đường dẫn vào UBND xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Chị Thoan cho biết, đây là thành quả vượt ngoài mong đợi, điều mà trước đây chị không dám mơ đến, nhất là khi rời núi rừng Tương Dương về huyện Thanh Chương định cư.
Năm 2006, gia đình chị Thoan cùng hàng trăm hộ dân khác (thuộc dân tộc Thái và Khơ Mú) ở các xã: Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Tiến của huyện Tương Dương di dời về khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ huyện Thanh Chương. Đến năm 2009, vùng đất tái định cư mới được định danh là xã Ngọc Lâm.
Gia đình chị Thoan cũng như các hộ dân khác khi còn ở Tương Dương đều sống dưới tán rừng già, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi dòng Nậm Nơn. Cuộc sống lúc đó là "4 không": không điện, không nước sạch, không đường, không trạm. Ngày ngày, họ lên nương trồng lúa, trồng ngô, lúc nông nhàn xuống suối bắt cá, vào rừng nhặt quả, hái măng. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày.
Khi về vùng đất mới, phải thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác, người dân loay hoay không biết làm cách nào. "Lúc đó, không chỉ gia đình tôi mà tất cả người dân về đây đều hoang mang và nung nấu ý định bỏ về quê cũ. Trước đây, chúng tôi làm nương, đất đai nhiều nên không lo thiếu lương thực. Về nơi ở mới, chúng tôi chẳng biết canh tác kiểu gì. Ngày ngày ăn rồi ngồi bậu cửa nhìn ra mà lòng như lửa đốt", chị Thoan kể.
Được sự động viên cũng như hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các đoàn thể, trong đó có Hội phụ nữ, chị Thoan tập làm quen với nuôi nhốt trâu bò. Gia đình chị cũng học cách trồng chè, cây thế mạnh của huyện Thanh Chương. Đất rừng được giao, chị Thoan trồng keo và sau 5 năm, cây keo, cây chè đã cho thu nhập.
Không chỉ thay đổi tập quán sản xuất, chị Thoan còn chuyển hướng kinh doanh. Lúc đầu, chị Thoan mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Sau khi đã tích cóp được lưng vốn, chị mở rộng và hiện tại, người phụ nữ Thái vốn quen với việc trèo đèo lội suối ngày nào đã là bà chủ của cửa hàng tạp hóa lớn nhất xã Ngọc Lâm. "Ngày mới về đây, gia đình chị Thoan rất nghèo. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, giờ gia đình chị thuộc nhóm khá giả ở xã", chị Lô Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lâm, cho biết.
Theo chân chị Thuận, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lộc Thị Đại, ở bản Tân Hợp, xã Ngọc Lâm. Đây là gia đình nhiều năm nằm trong danh sách hộ cận nghèo nhưng hiện tại là hộ khá giả của xã. "Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Hội phụ nữ, tôi đã vay được vốn từ ngân hàng, nhờ đó các con đã được học tập đến nơi đến chốn.
Gia đình tôi cũng có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hiện tại, 2 con của tôi đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại Bệnh viện huyện Thanh Chương và Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn", chị Đại vui mừng cho biết.
Xắn quần vào rừng thuyết phục người dân quay về
Ở xã Ngọc Lâm, gia đình chị Thoan, chị Đại không phải là cá biệt. Có nhiều hộ dân đã đổi đời chỉ sau hơn 10 năm chuyển từ Tương Dương về đây. Con số khoảng 80% hộ nghèo lúc mới về giờ còn 33%. Có được thành quả đó là cả một câu chuyện dài bởi cuộc "hạ sơn" của bà con người Thái, người Khơ Mú đầy gập gềnh, trắc trở.
Ông Lữ Văn Đương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, cho biết: Trước đây, người dân sống ở Tương Dương vẫn chưa có điện, có đường, đi lại chủ yếu bằng đường sông. Muốn ra thị trấn, họ phải luồn rừng rồi chèo thuyền vượt sông.
"Lúc đó, tôi đang là Xã đội trưởng xã Hữu Dương. Xã tôi có 6 bản chuyển về xã Ngọc Lâm, 4 bản về xã Thanh Sơn, riêng bản Huồi Pủng tái định cư tại chỗ. Mặc dù cơ bản người dân đã chuyển đến nơi tái định cư nhưng nhiều người vẫn muốn trở về nơi ở cũ", ông Đương kể lại.
Theo ông Đương, từ năm 2009, nhiều hộ dân bắt đầu di dân ngược trở lại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Báo cáo từ UBND huyện Thanh Chương cho thấy, thời điểm năm 2012, có 145 hộ dân về quê cũ để sinh sống và làm ăn. Bản Kim Hồng có 102 hộ thì 34 hộ đã bán nhà bỏ đi, 27 hộ khóa cửa quay về quê cũ làm rẫy, chỉ còn 41 hộ dân bám trụ.
"Thuyết phục và đưa được người dân về đã khó, giữ chân họ ở lại càng khó khăn gấp bội", vị lãnh đạo xã Ngọc Lâm chia sẻ. "Làn sóng" kéo nhau về quê cũ buộc ông Đương cũng như các cán bộ xã khác phải tìm về Tương Dương, xắn quần lội sông, trèo núi để thuyết phục từng người dân quay về.
Cuộc vận động không dễ dàng khi nhiều người tuyên bố "có đưa máy bay lên đón họ cũng không về". Có thời điểm, cán bộ địa phương rơi vào bế tắc khi hàng chục hộ nhất quyết không về dù nhà vẫn còn tại khu tái định cư. "Mưa dầm thấm lâu", vừa thuyết phục vừa cương quyết, cuối cùng, các hộ dân cũng nghe theo. "Có nhiều hộ phải mất 3 năm thuyết phục họ mới đồng ý", ông Đương nhớ lại.
Tạo sinh kế - bước đi bền vững
Quay về chỉ là thành công bước đầu nhưng làm thế nào tạo sinh kế cho người dân mới là "bài toán" khó. Theo ông Đương, Thanh Chương có thế mạnh phát triển cây chè, cây keo nhưng để trồng chè phải 3 năm mới cho thu hoạch, trồng keo mất 5-7 năm. Điều đó với người Thái và người Khơ Mú đều quá xa lạ.
Thời gian đầu, người dân thường lấy lý do thiếu đất sản xuất nhưng theo lãnh đạo xã, sự thật là nhiều hộ dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp theo phương thức mới. Không còn cách nào khác, cán bộ từ huyện đến xã phải thường xuyên tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi để người dân dần thay đổi.
"Chè một năm cho thu hoạch 5-6 đợt, mỗi lần thu được tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Trong khi đó, có gia đình bán keo một lần mang về hàng trăm triệu đồng. Nếu trước đây, người dân chỉ canh tác đủ ăn, giờ đã có tích trữ và giàu có, nhiều nhà sắm được cả ô tô", ông Lữ Văn Đương chia sẻ.
Về Ngọc Lâm hiện nay, điện, đường, trường, trạm đều đầy đủ. Trình độ của người dân được nâng cao, con trẻ được học hành đến nơi đến chốn. Trên một địa bàn rộng lớn giờ là những rừng keo, đồi chè bạt ngàn. Đi khắp 6 bản của xã Ngọc Lâm, đâu đâu cũng nghe tiếng ca, tiếng nhạc rộn ràng.
"Thật khó để so sánh cuộc sống của người dân hiện tại với lúc còn ở Tương Dương, bởi cách xa quá. Có thể nói rằng, cuộc sống của người dân đã bước sang một trang mới sau hơn 10 năm hạ sơn", chị Lô Thị Thuận nói.