Cứu sống bệnh nhi sốc sau tiêm Quivaxem

02/03/2016 - 13:05
Sau khi tiêm vaccine Quivaxem 1 tiếng bé Trần V., 6 tháng tuổi ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Việt Trì, Phú Thọ) có biểu hiện chân tay lạnh, tím tái và được xác định sốc sau tiêm. Bệnh nhi đã được cấp cứu qua cơn nguy kịch.
VAN.jpg
Bé Trần V. được người nhà đưa đến trạm y tế phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để tiêm phòng Quivaxem mũi 3. Trước khi tiêm, sức khỏe cháu qua kiểm tra hoàn toàn bình thường. Sau khi tiêm xong, bé được theo dõi tại trạm y tế trong 30 phút và không không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên, 9h30 phút cùng ngày (tức là 1 tiếng sau khi tiêm xong), bé V. bỗng nhiên quấy khóc và xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường: chân tay lạnh, tím tái. Quá lo lắng, gia đình đưa con đến trạm xá rồi chuyển con đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Tại đây, cháu V. được các bác sĩ chẩn đoán sốc sau tiêm phòng Quivaxem. Cháu được cấp cứu bằng đặt nội khí quản, thở máy, dùng adrenalin tiêm bắp nhưng tình trạng sức khỏe không cải thiện. Trước tình huống đó, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ ngay lập tức đã hội chẩn nhanh qua điện thoại với tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Chỉ 1 tiếng sau, đội cấp cứu lưu động Bệnh viện Nhi Trung ương đã kịp thời có mặt tại Phú Thọ.

Khi các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tới nơi, bệnh nhi trong tình trạng sức khỏe rất xấu, cháu phải thở máy, chỉ số máy rất cao, phải dùng 4 loại thuốc trợ tim liều cao. Ngoài ra, cháu còn bị phù phổi, trào bọt hồng qua nội khí quản, da tái, chi lạnh, huyết áp không ổn định. Trong vòng 3 tiếng, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương một mặt  tích cực cấp cứu hồi sức cho bé bằng cách đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt huyết áp động mạch, một mặt tiếp tục duy trì các thuốc vận mạch, làm các xét nghiệm, truyền máu.

Nhận thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã đủ điều kiện chuyển lên tuyến trên, nhóm cấp cứu cùng các phương tiện đi kèm lập tức đưa cháu bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

"Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé V. vẫn còn dấu hiệu sốc, nhịp tim nhanh 238 nhịp/phút. Cháu được các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị bằng thở máy, bù dịch, duy trì thuốc vận mạch kết hợp lọc máu liên tục. Sau 1 tuần được các bác sĩ Hồi sức cấp cứu tích cực chăm sóc, sức khỏe của bé V. đã có dấu hiệu bình phục. Bé cai được hầu hết các thuốc vận mạch, các chỉ số máy thở giảm, cháu đã tự thở, tình trạng ổn định hơn", bác sĩ Tạ Anh Tuấn thông báo.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm