Đại biểu QH tranh luận trực tiếp với 'Tư lệnh ngành' tại nghị trường

18/10/2016 - 19:29
Đó là một trong những điểm mới trong việc tạo diễn đàn chất vấn, tranh luận ngay tại hội trường của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ 20/10 đến 23/11.
hop-bao-ky-hop-2-quoc-hoi-14.JPG

Chiều nay 18/10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tổ chức buổi họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình, kỳ họp có 26 ngày làm việc kéo dài từ 20/10 đến 23/11 tập trung vào công tác lập pháp chiếm 63% thời lượng. Kỳ họp này, Quốc hội thông qua 4 dự án luật, cho ý kiến 12 luật khác.

Đặc biệt, tại kỳ họp này có 2,5 ngày dành cho chất vấn, trả lời chất vấn sẽ có những thay đổi mới hơn theo hướng tăng tranh luận tại hội trường. Quốc hội sẽ mời cơ quan báo cáo, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời và làm sáng tỏ những nội dung đại biểu đặt ra. Thậm chí, “đại biểu có thể tranh luận trực tiếp với trưởng ngành ngay tại hội trường”. Ông Phúc cho biết, Quốc hội sẽ thiết kế các biển báo để đại biểu có thể “giơ biển” thông báo muốn tranh luận. Đồng thời, chủ tọa phiên chất vấn sẽ tạo điều kiện để các cuộc tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với trưởng ngành thật hiệu quả.

Ngoài ra, thời gian tranh luận, chất vấn sẽ không bị hạn chế theo giờ hành chính mà có thể “kéo dài vượt ngoài giờ”. Cũng theo ông Phúc: Tinh thần là “cố gắng để đại biểu nhận được hết những giải đáp, trả lời”. Nếu vẫn chưa trả lời hết, thì tiếp tục cho phép đại diện Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành... trả lời chất vấn bằng văn bản.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, kỳ họp này tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động lập pháp. Rút kinh nghiệm sau sự cố Bộ luật Hình sự có nhiều sai sót sau khi đã thông qua, trong quá trình thẩm tra dự án các luật tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức các hội nghị chuyên trách, tham khảo các ý kiến chuyên gia cho ý kiến vào các dự án luật. Luật nào còn những ý kiến trái chiều thì có thể “kéo dài thời gian xem xét, thảo luận”; đồng thời tăng các buổi họp tại tổ để các đại biểu thảo luận, nhằm nâng cao chất lượng của luật.

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, 1 nghị quyết.

Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm