Đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng

05/11/2019 - 14:48
Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại Quốc hội, một số đại biểu bức xúc trước nạn bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gia tăng chóng mặt, mức độ tàn bạo. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phòng ngừa vấn nạn này được cho là chưa được thỏa đáng.

Tham gia phát biểu ý kiến trước Quốc hội sáng 5/11 về tình hình phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nhận định, từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra ra nhiều vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em nghiêm trọng. Mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, hàng xóm dẫn tới giết người dã man, tàn bạo.

Bà dẫn chứng, báo cáo của Chính phủ cho thấy một số loại tội phạm tăng như là hiếp dâm 770 vụ, tăng 7,99%; cưỡng dâm trẻ em 9 vụ tăng 200%, dâm ô trẻ em 274 vụ, tăng 46,52%, giao cấu với trẻ em 647 vụ, tăng 18,07%, gây bức xúc dư luận xã hội.

Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đã đến nhiều địa phương làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em, nhận thấy rõ thực trạng như báo cáo của Chính phủ đã trình Quốc hội. Chỉ tính trong 2 năm 2017- 2018 cả nước có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm 81,3%.

Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh. Ảnh: quochoi.vn 

Theo nữ đại biểu, thực trạng đau lòng là nạn xâm hại, bạo lực trẻ em diễn ra tất cả 63 tỉnh trong cả nước lại chính từ gia đình, nhà trường và hàng xóm, cộng đồng xã hội. “Chưa bao giờ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội lại bất an, nguy cơ cao đối với trẻ em như hiện nay. Thực trạng này phản ánh sâu sắc vấn đề đạo đức xã hội, nhân phẩm, tính mạng trẻ em bị không ít người coi nhẹ. Giá trị đồng tiền và thú tính được tôn trọng trong một bộ phận người đáng bị xã hội lên án và phải bị trừng phạt” – đại biểu Quốc Khánh bức xúc.

Đại biểu Khánh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và mỗi gia đình cần quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật trong gia đình. Các bậc ông bà, cha mẹ cần phải là tấm gương cho con cháu với lối sống thanh lương, giàu lòng nhân ái, ít muốn, biết đủ, dạy con từ thuở còn thơ, trọng đạo lý "đói cho sạch, rách cho thơm"…. Có như vậy mới tạo ra “nguồn dinh dưỡng và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ em trước những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thế hệ trẻ trong môi trường xã hội còn nhiều bất an” theo lời nữ đại biểu.

Ảnh minh họa 

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) cũng đồng tình khi cho rằng, nói là xâm hại trẻ em, nhưng thực chất trong thời gian vừa rồi, điều bức xúc nhất của dư luận xã hội là xâm hại tình dục trẻ em.

Về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu này cho rằng giải quyết của các cơ quan tư pháp hay cơ quan tiến hành tố tụng thì cũng chỉ giải quyết những hậu quả đã xảy ra với những hậu quả hết sức nặng nề.

“Thực chất đây là một loại tội phạm có chiều hướng gia tăng và thực sự đáng báo động, gây ra những hậu quả hết sức nặng nề và hiện nay dư luận rất quan tâm, bức xúc. Làm sao để ngăn chặn cũng như phòng ngừa được các loại hình tội phạm này xảy ra” – bà nhìn nhận.

“Qua nghiên cứu công tác xét xử và theo dõi chúng tôi thấy rằng hiện nay công tác tuyên truyền và công tác giáo dục, phòng ngừa đối với hai loại hình tội phạm này còn yếu và chưa thỏa đáng. Tôi đề nghị Chính phủ cần phải chỉ đạo các ngành nghiên cứu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền thỏa đáng” – nữ đại biểu đề xuất.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, mặc dù số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều, xử lý nghiêm nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em không giảm. Tội phạm xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Trong đó, trên 70% số vụ là xâm hại tình dục trẻ em.

“Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nghiên cứu đề ra các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2019 và các năm tiếp theo” – ông nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm